(Toquoc)-Mỗi năm vẫn có tới 9.000 người ra đi vì tai nạn giao thông. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên khắp cả nước.
(Toquoc)- Ngày 26/11, Hội nghị An toàn giao thông năm 2015 đã diễn ra và điều đáng buồn, mỗi năm, nước ta vẫn có tới 9.000 người ra đi vì tai nạn giao thông. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn diễn ra trên khắp cả nước.
Bình quân 24 người không trở về nhà mỗi ngày
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, từ năm 2012-2014, tai nạn giao thông đã giảm sâu trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Số vụ tai nạn giao thông năm 2015 đã giảm 51% so với năm 2011, số người bị thương giảm gần 60% và số người chết do tai nạn giao thông đã giảm gần 24%.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tai nạn giao thông vẫn còn nhiều vụ nghiêm trọng. Mỗi năm có 9.000 người ra đi không bao giờ quay lại và bình quân có 24 người không trở về nhà mỗi ngày vì tai nạn giao thông.
HIện trường vụ tai nạn trên cầu vượt Thái Hà (Hà Nội)- (nguồn: Sơn Dương-VnExpress)
Tai nạn thì như vậy nhưng theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tình hình chống người thi hành công vụ lại diễn ra rất phổ biến.
Thiếu tướng Hà cho rằng, công an địa phương cần quyết liệt xử lý, thậm chí phải xử lưu động những trường hợp chống đối như vậy để làm gương.
Về kiểm soát tải trọng xe, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc cho hay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 387.000 xe, trong đó có hơn 37.200 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 9,6%), xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 200 tỷ đồng…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc “siết” tải trọng xe, đó là việc trao đổi thông tin, cung cấp số liệu chưa đầy đủ, chưa thống nhất; vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chưa chấp hành pháp luật…
Nguyên nhân của tình trạng trên vẫn làsự bất cập về năng lực của kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện, quản lý Nhà nước, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông; bất cập trong đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, xử phạt vi phạm…
Ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong xử phạt
Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Chính phủ cần quy định thí điểm việc chủ sở hữu ôtô khi thực hiện đăng ký phương tiện phải mở tài khoản, giúp quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện, nhất là trong việc xử phạt “nguội”.
Những hình ảnh, dữ liệu thu thập được bằng công nghệ cũng là cơ sở pháp lý, chứng cứ khoa học để phát hiện, đấu tranh, xử lý đúng pháp luật, nhất là xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mắt thường không thể xác định.
Ngoài ra, việc xử lý hành vi vi phạm như nồng độ cồn, vi phạm làn đường, vi phạm tốc độ… bằng phạt "nguội" qua hình ảnh đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường cao tốc chưa ổn định, dẫn đến tình trạng lắp hệ thống giám sát nhưng chưa sử dụng, khiến hệ thống máy móc xuống cấp.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương đánh giá kết quả dự án triển khai thí điểm hệ thống giám sát và xử lý vi phạm giao thông theo hình thức xã hội hóa, mở rộng triển khai trên toàn tuyến, các tuyến quốc lộ trọng điểm và đường cao tốc theo hình thức thuê dịch vụ.
Đồng thời báo cáo Thủ Tướng xin phê duyệt cơ chế cho phép trích nguồn thu phí sử dụng đường bộ để thuê các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bên có liên quan nghiên cứu đề xuất mô hình triển khai “Xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông”. Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Về kiểm tra nồng độ cồn, các lực lượng chức năng cần có biện pháp kiểm tra nhanh nồng độ cồn không dùng thiết bị; tập huấn kỹ năng cho lực lượng thực thi công vụ, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, xử phạt "nguội"…
Với Bộ Y tế, sẽ nghiên cứu đề xuất về mô hình sơ cấp cứu theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ trước bệnh viện, xây dựng các trạm cấp cứu trên đường cao tốc…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan không thể cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, "ngáo đá" bởi những đối tượng này mà lái xe thì gây hậu quả khủng khiếp./.
Thái Linh