• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vẫn còn tình trạng xác định doanh nghiệp là đối tượng quản lý chứ không phải là đối tượng phục vụ

Thời sự 15/05/2019 16:56

(Tổ Quốc) - Sáng 15/5, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo chuyên đề về đánh giá chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong khuôn khổ Báo cáo chỉ số Chi phí tuân thủ TTHC 2019 (APCI 2019).

Trước đó, những ngày qua, đoàn nghiên cứu đã thực hiện khảo sát chuyên sâu tình hình thực hiện một số nhóm TTHC như: thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành; thủ tục liên quan đến chứng nhận thực hành tốt bán lẻ thuốc; thủ tục liên quan đến chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Qua khảo sát ban đầu, các doanh nghiệp cho hay, để tìm hiểu các TTHC, họ thường ít tìm hiểu qua Cổng thông tin các địa phương mà chủ yếu là qua kinh nghiệm của các doanh nghiệp thực hiện trước đó hoặc qua các lớp tập huấn được tổ chức bởi cơ quan quản lý nhà nước hay tìm hiểu trực tiếp tại bộ phận đầu mối của cơ quan quản lý. Nhiều doanh nghiệp có sự lúng túng với các thành phần hồ sơ mang tính kĩ thuật hoặc không có các mẫu chuẩn và xu hướng thuê đơn vị dịch vụ làm thủ tục sẽ là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp thuộc nhóm xuất nhập khẩu…

Vẫn còn tình trạng xác định doanh nghiệp là đối tượng quản lý chứ không phải là đối tượng phục vụ - Ảnh 1.

Trung tâm Hành chính công tại tỉnh Quảng Nam.

Với các cơ quan hành chính, khi một số quy định về TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật có hướng dẫn không rõ, cơ quan thực hiện TTHC chủ động hướng dẫn kiểu "vận dụng" vì không có biện pháp nào để đối chiếu hoặc đánh giá tính chính xác của các hướng dẫn đó.

Qua khảo sát cũng nhận thấy một số quy định TTHC còn mang tính hình thức, chưa sát với yêu cầu, mục tiêu quản lý…

Đại diện một doanh nghiệp tại Đà Nẵng cho rằng, lâu nay trong nếp nghĩ của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn xác định doanh nghiệp là đối tượng quản lý chứ không phải là đối tượng phục vụ như Thủ tướng yêu cầu: "Phát động nở nụ cười mà tôi chả bao giờ thấy đâu, cán bộ cứ hằm hè thì môi trường thân thiện sao được. Doanh nghiệp phát triển tốt thì đất nước mới phát triển được"- vị đại diện chia sẻ.

Vị đại diện này cũng đề nghị các cơ quan nhà nước cần chú trọng khâu thông tin, công khai hơn nữa các thủ tục cần và đủ cho một quy trình nào đó và với xu thế các địa phương đang hướng tới là thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì thực hiện phải đồng bộ.

Tại hội thảo, doanh nghiệp cũng cho hay, một thủ tục đơn giản như đăng ký thực hiện khuyến mại của doanh nghiệp mỗi tỉnh cũng thực hiện một kiểu. Có tỉnh trực tuyến cấp độ 3, có tỉnh vẫn nộp hồ sơ trực tiếp và doanh nghiệp rất vất vả khâu đi lại để nộp giấy tờ cho các tỉnh xa. Trong khi chương trình khuyến mại cho các mặt hàng thì hay phát sinh và một doanh nghiệp mà có hệ thống kinh doanh tại 6 tỉnh thì rất tốn kém đáp ứng các yêu cầu như này.

Vẫn còn tình trạng xác định doanh nghiệp là đối tượng quản lý chứ không phải là đối tượng phục vụ - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, một cán bộ của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thông tư, nghị định bổ sung liên tục các quy định về TTHC và các thành phần quy định về TTHC nằm ở nhiều văn bản khác nhau nên chính cán bộ cũng rất vất vả để tổng hợp, cập nhật, không nói tới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện bộ TTHC tại 4 cấp hành chính vẫn chưa thống kê được số lượng chính xác; TTHC thì do cấp Trung ương ban hành là chủ yếu, các địa phương chỉ là thực thi nên có thể danh mục TTHC mỗi địa phương đang tổng hợp không đồng bộ và không giống nhau…cũng dẫn tới khó khăn chung cho doanh nghiệp.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho hay, Báo cáo APCI là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định hiện hành của pháp luật. Dự kiến vào quý III năm nay, báo cáo sẽ được công bố.

Báo cáo này được công bố lần đầu năm 2018, chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả cao nhất là nhóm TTHC trong lĩnh vực xây dựng với tổng chi phí là 64,1 triệu đồng.

Tại Nghị quyết số 02 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng tới năm 2021, Chính phủ đã giao Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC thực hiện khảo sát, đánh giá và công bố thường niên báo cáo này để giúp Chính phủ và Thủ tướng nắm được hiệu quả cải cách TTHC tại các Bộ, địa phương. Đồng thời, thông qua đây, Chính phủ nắm bắt được các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp và tổng hợp được các khuyến nghị cải cách giá trị để tiếp tục có các chỉ đạo cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./.

Song Đào

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ