• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vẫn đau đầu khâu phát hành phim nhà nước

Văn hoá 09/01/2016 10:38

(Toquoc)- Vấn đề đầu ra cho các bộ phim nhà nước, phim đặt hàng vẫn là quan tâm hàng đầu của các hãng phim.

(Toquoc)- Vấn đề đầu ra cho các bộ phim nhà nước, phim đặt hàng vẫn là quan tâm hàng đầu của các hãng phim.

Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã ghi dấu ấn tốt, bộ phim do nhà nước đặt hàng, tư nhân sản xuất đạt doanh thu lên tới hơn 80 tỷ đồng và được coi là sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm. Đây là bộ phim đặt hàng hiếm hoi đạt được con số này, nếu không muốn nói là duy nhất. Bởi nhiều bộ phim khác, được đặt hàng song khi ra rạp lại chỉ bán được rất ít vé hoặc chỉ được chiếu miễn phí trong các dịp kỷ niệm. Vấn đề phát hành phim nhà nước lại được các đạo diễn, các nhà làm phim đặt ra khi nhìn lại 1 năm của điện ảnh Việt Nam trong Hội nghị Tổng kết công tác điện ảnh năm 2015, Triển khai nhiệm vụ năm 2016.



Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị

Làm phim 1 tỉ bán 6 triệu

Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ cho một bộ phim, nhưng không thu lại được bao nhiêu, đây là một thực tế đã tồn tại nhiều năm và cũng không phải chỉ những người trong ngành mới biết.

Báo chí từng đưa tin, phim 20 tỉ không bán được vé nào, phim 16 tỉ doanh thu 700 triệu…

Gần đây, bộ phim “Cuộc đời của Yến”- giành nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, song khi ra rạp cũng không dễ dàng gì. Đạo diễn Vương Đức- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Vấn đề đầu ra cho phim nhà nước thực sự vẫn khó khăn. Khi Bộ không quản lý hệ thống rạp thì phim nhà nước, phim đặt hàng không ra rạp được. Khi chúng tôi đưa “Cuộc đời của Yến” ra rạp, các cụm rạp lớn họ không mặn mà. Không có giờ chiếu, khi nào trống, không có phim chiếu thì chiếu phim mình lấp chỗ trống”.

Vì sao các bộ phim nhà nước đặt hàng, phim nhà nước luôn lép vế khi ra rạp? Điều này cũng không mới. Theo đạo diễn Vương Đức, vấn đề PR cũng đáng bàn: “Chúng ta bao lâu nay vẫn chỉ được cấp vốn làm phim, không có tiền làm truyền thông. Phim “Cuộc đời của Yến ra rạp, chúng tôi phải tự bỏ thêm 100 triệu ra đầu tư quảng bá. Thị trường cho phim nhà nước, phim đặt hàng là vấn đề cần được chú trọng”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Hưng- Đại diện Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng cho biết: “Đây là khó khăn mà chúng ta đã nói nhiều rồi và cũng đã nói lâu năm rồi. Vấn đề quan trọng là đưa ra giải pháp để các hãng phim nhà nước hoạt động cho hiệu quả. Theo tôi biết, hầu hết các hãng đều đang bế tắc. Các đơn vị chủ quản cần có giải pháp cụ thể và trọng tâm để vực các hãng phim lên. Điều bất hợp lý là phim được đầu tư tiền tỉ để làm, nhưng không có kinh phí để quảng bá. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đầu tư hơn 1 tỉ đề làm quảng cáo. Phim Nhà nước, hầu hết làm phim kỷ niệm mà không có tiền đầu tư cho quảng cáo thì chắc chắn là thua.”

Không chỉ phim truyện khó ra rạp, phim Hoạt hình cũng chung số phận. Đại diện Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chia sẻ: “Mỗi năm đơn vị sản xuất 15 phim, nội dung, chất lượng hình ảnh, âm thanh đều rất tốt, mỗi phim có độ dài 10 phút rất thích hợp để chiếu trên truyền hình nhưng không được chiếu trên truyền hình quốc gia mà chỉ thường chiếu ở kênh địa phương. Chúng tôi sản xuất phim ra, gửi sang VTV thì bị thẳng thừng từ chối, còn đòi chúng tôi phải mất tiền mới phát hành. Phim hoạt hình Việt Nam là sản phẩm văn hóa, có ý nghĩa, có giá trị giáo dục, không thể so với các chương trình giải trí khác. Nếu đo đếm, buộc văn hóa phải có tiền thì khó”.

Bà Phạm Thị Tuyết- Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu- Khoa học Trung ương cũng chung nỗi niềm. Bà Tuyết cho hay: “Nhà nước không quan tâm và có chính sách thay đổi thì sẽ xóa sổ ngành điện ảnh đặc biệt là phim tài liệu sẽ đi xuống và bị xóa sổ. Không có đầu ra, mỗi lần, sản xuất xong 1 bộ phim là chúng tôi phải mang ra chào bán cho đài truyền hình. Phim tài liệu hiện nay của hãng, kinh phí để sản xuất là từ 360 triệu-1 tỉ đồng/phim. Mỗi khi làm phim xong chúng tôi lại phải làm công văn sang Đài Truyền hình Việt Nam để chiếu. Phim đầu tư 1 tỉ chúng tôi cũng chỉ bán được 6 triệu cho Đài Truyền hình”.



Điện ảnh cần có chính sách phù hợp với thực tế 

Vẫn cần chính sách

Những khó khăn này, theo nhiều đại biểu đại diện các đơn vị làm phim, lại vẫn là chính sách.

Theo bà Phạm Thị Tuyết: “Luật Điện ảnh 2006 có nhiều điểm đã quá lỗi thời, lạc hậu cần được sửa. Đặc biệt là cần cần bổ sung chức năng phát hành phim cho các hãng, xây dựng cơ chế cho việc đó”.

Đồng quan điểm này, đạo diễn Vương Đức cho rằng: “Cần sửa Luật Điện ảnh cho phù hợp thực tế. Đặc biệt, phải có thị trường cho điện ảnh Nhà nước bằng việc phải có rạp chiếu do nhà nước quản lý”.

Còn ông Trần Duy Hưng- Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thì cho rằng: “Vấn đề thị trường cho phim đặt hàng hết sức cần thiết. Cần xây dựng đội ngũ PR trong Cục Điện ảnh”. Ông Hưng cũng nhấn mạnh: “Tại sao tư nhân làm được mà ta không làm được”?!



Tại Hội nghị tổng kết công tác Điện ảnh năm 2015 tại Hà Nội, TS. Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, năm 2015, Cục đã thẩm định 355 phim các thể loại, trong đó có 229 phim truyện nước ngoài (30 phim không được cấp phép phổ biến), 42 phim truyện Việt Nam (1 phim không được cấp phép phổ biến), 10 phim video, 8 phim ngắn, 3 phim tài liệu nhựa, 48 phim tài liệu video và 15 phim hoạt hình.

Năm 2015 cả nước đạt 500 phòng chiếu với 52.500 ghế ngồi trong đó 70% tổng số phòng chiếu thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Cục cũng thẩm định và cho phép chiếu, giới thiệu 75 phim truyện, 36 phim tài liệu, 21 phim khoa học, 14 phim ngắn và 10 phim hoạt hình nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, Cục cấp 127.750 tem nhãn quản lý đĩa hình và 49 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim nâng tổng số hãng phim được cấp giấy chứng nhận lên 384 hãng.

Các hãng phim của Nhà nước năm 2011 có 29 hãng đến năm 2015 giảm chỉ còn 5 hãng phim. Các công ty có chức năng sản xuất phim năm 2011 có 121 hãng đến năm 2015 tăng lên 379 hãng phim.


Bài&ảnh: Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ