(Tổ Quốc) -Chính thức ký Hiệp định thương mại EVFTA; BigC vấp phải phản ứng dữ dội khi ngừng nhập hàng may mặc Việt; Cục Cạnh tranh khiếu nại việc xử Grab "vô tội" trong vụ thâu tóm Uber... là những nội dung gây chú ý dư luận trong tuần qua.
BigC vấp phải phản ứng dữ dội khi ngừng nhập hàng may mặc Việt
(Nguồn: BigC)
Tập đoàn Central Group (Thái Lan) ngày 2/7 vừa qua đã gửi thư đến các đối tác Việt Nam, thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam kể từ tháng 7/2019.
Lý do Big C tạm dừng bán hàng may mặc Việt Nam được lý giải là vì chiến lược kinh doanh thay đổi theo sự chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan, chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn này tại thị trường Việt Nam.
Hành động này khiến hàng trăm người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP. Hồ Chí Minh căng băng rôn biểu ngữ, phản đối động thái từ chối nhập hàng may mặc Việt Nam của Central Group.
Dù vậy, theo phản hồi của BigC, việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Ngày 4/7, Bộ Công Thương đã mời đại diện của Central Group - là tập đoàn đã mua hệ thống BigC (có quyền sở hữu BigC trong thời hạn 10 năm), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Thái Lan tại Việt Nam, đại diện BigC và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương làm việc nhằm làm sáng tỏ hơn vụ việc.
Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, BigC cam kết ngay trong ngày 4/7 sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp hàng dệt may của Việt Nam, trong 2 tuần tiếp theo và có thể ít hơn sẽ làm việc với khoảng 100 nhà cung cấp Việt Nam. Còn lại 50 nhà cung cấp thì sẽ làm kỹ hơn vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa đáp ứng được những cam kết theo hợp đồng đã ký. Đại diện Central Group cũng cam kết luôn tuân thủ hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Cục Cạnh tranh khiếu nại việc xử Grab "vô tội" trong vụ thâu tóm Uber
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong tuần cho biết đã gửi đơn khiếu nại tới Hội đồng cạnh tranh về Quyết định số 26 ngày 17/6 của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, Cục này không nhất trí với quyết định "không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH GrabTaxi (Grab) và Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber Việt Nam).
Cục này cũng cho rằng bản chất và nội dung của giao dịch mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ là việc Grab mua toàn bộ tài sản của Uber Việt Nam dẫn tới Grab đã kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber.
Do đó, hành vi bị điều tra là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh.
Chính thức ký Hiệp định thương mại EVFTA
Sau 7 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã được ký kết vào 16h00 chiều 30/6/2019, tại Hà Nội.
Trong số 12 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, EVFTA có sự khác biệt rất lớn với những điều khoản giúp Việt Nam có thể cạnh tranh thuận lợi ở một thị trường phát triển như châu Âu. Từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm công, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ đến vốn và công nghệ đều đáp ứng mục tiêu chiến lược của cả hai bên.
EVFTA với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ...) là hiệp định toàn diện và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Bên cạnh những cơ hội do EVFTA mang lại, Hiệp định cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam về việc bảo đảm quy tắc xuất xứ của hàng hóa; việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ; yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa; sử dụng lao động; môi trường...
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu toà chuyển tài liệu nghi bị làm giả cho công an
Ngày 3/7, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên họp xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, yêu cầu tòa án hủy bỏ các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng quản trị và các biên bản cuộc họp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên. Cả ông Vũ và bà Thảo đều không có mặt, uỷ quyền cho người đại diện.
Theo Vnexpress, mở đầu buổi làm việc, luật sư và người đại diện cho bà Thảo đề nghị toà thu thập thêm chứng cứ, đồng thời triệu tập đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, bởi bà Thảo yêu cầu hủy giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 8 của Trung Nguyên IC.
Trước ngày mở phiên họp, phía bà Thảo cũng đã có đơn khiếu nại tòa đã không chuyển hồ sơ sang công an để điều tra hành vi Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức (có dẫn ra kết luận của Viện khoa học Hình sự- Bộ Công an). Từ đó, luật sư của bà Thảo đề nghị toà tạm đình chỉ giải quyết vụ việc để công an vào cuộc.
Theo luật sư này, một trong những yêu cầu của bà Thảo là yêu cầu hủy bỏ giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 8 đã không được đưa vào xem xét ở phiên họp là một sự thiếu sót.
Trong khi đó, Zing.vn dẫn lời luật sư Trương Thị Hòa (người bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ) cho rằng vụ án đã kéo dài 3 năm, việc bổ sung yêu cầu của bên bà Thảo cần phải nộp sớm để các bên có thời gian tham khảo chứ không phải sát ngày. Với yêu cầu triệu tập Phòng đăng ký kinh doanh, luật sư Hòa nêu quan điểm cơ quan này không liên quan trong vụ án. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8 đã được giải quyết bằng bản án tòa cấp cao, có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, vị luật sư cho biết đơn khởi kiện của bà Thảo yêu cầu tòa án hủy chứ không phải yêu cầu phía ông Vũ hay Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên làm điều đó. Luật sư cho rằng các đề nghị của bà Thảo đưa ra không phù hợp, đề nghị chủ tọa không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên họp.
Trước những ý kiến của đại diện hai bên, đại diện VKS cho biết về đơn khiếu nại đề nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra thì qua phiên tòa này mới xem xét, không thuộc phạm vi kiến nghị của bà Thảo. Hiện văn bản của ông Hưng nộp chưa có hiệu lực, nếu chuyển vụ án thì phải do chánh án ủy quyền.
Đối với đơn đề nghị thu thập chứng cứ, đề nghị triệu tập đại diện Phòng đăng ký kinh doanh, VKS thấy không phù hợp và không có cơ sở. Còn về yêu cầu giám định thì cơ quan công tố cho rằng tại phiên họp sẽ xem xét.
Sau khi hội ý, chủ tọa quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự với lý do chờ kết quả trả lời đơn khiếu nại của ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng từ Chánh án TAND tỉnh Bình Dương.