• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong Di chúc Hồ Chí Minh

Văn hoá 29/06/2019 07:31

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân một bản Di chúc lịch sử, đó là những lời căn dặn cuối cùng của Người, là tình cảm và niềm tin của Người đối với những người đương thời và các thế hệ mai sau.

Bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo lần đầu tiên vào thàng 5-1965. Sau đó, hàng năm Người xem lại và có bổ sung hai lần vào các năm 1968, 1969. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Di chúc thể hiện cô đọng và sâu sắc những tư tưởng đổi mới của Người vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam, trong đó có quan điểm về nông dân - nông nghiệp - nông thôn.

Vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong Di chúc Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Ảnh Tư liệu

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấu hiểu những vất vả, hy sinh mất mát của người nông dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, có nguồn gốc nông dân, in sâu trong ký ức tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung là hình ảnh những người nông dân, những trẻ em nghèo khổ lang thang… với cuộc sống lầm than của kiếp người nô lệ. Lớn lên trong hành trình theo cha, tận mắt chứng kiến số phận đau khổ của phần lớn người dân lao động, Nguyễn Tất Thành càng thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước. Nỗi đau dân nước đã thôi thúc Người quyết tâm đi tìm lối thoát cho dân tộc, đi tìm con đường giải phóng khỏi mọi áp bức bóc lột, bất công cho đồng bào mình. Và với đường lối đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đánh đuổi  đế quốc, giành được độc lập, giải phóng dân tộc. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong vòng vây của thù trong giặc ngoài. Để giữ vững nền độc lập non trẻ, chống giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến việc nâng cao dân trí, xóa nạn mù chữ. Người đặc biệt quan tâm tới việc học của các tầng lớp nhân dân lao động - những người chịu thiệt thòi nhiều nhất bởi chính sách "ngu dân" của chế độ thực dân phong kiến. Để mang lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bãi bỏ thuế khóa bất công của thực dân Pháp; đồng thời quy định giảm tô 25% cho nông dân, chia ruộng của bọn thực dân và ruộng công cho nông dân. Trong những năm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Người luôn chăm lo bồi dưỡng sức dân, nhất là đối với nông dân. Và trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của người nông dân và trân trọng đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân:

"Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta ra, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất" (1).

Người đã dành cho nông dân tình cảm gần gũi, thân thiết khi dùng cụm từ "đồng bào nông dân", khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Người với một ngành kinh tế quan trọng tạo ra sức người, sức của cho cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và đây còn sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế "khoan thư sức dân" để bồi dưỡng lực lượng. Chính vì thế, trước khi vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa yên lòng, vì biết rằng sau ngày đất nước toàn thắng, nhân dân ta, "đồng bào nông dân" đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Người căn dặn miễn thuế cho nông dân, để họ được "hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi", tiếp bước trên chặng đường cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, "chuẩn bị kế hoạch xây dựng nông thôn mới".

Ngược thời gian trở về trước, trong "Thư gửi nông dân thi đua canh tác" vào tháng 2-1951, Bác viết: "Thực túc thì binh cường! Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương" (2). Bức thư đã thể hiện tình cảm đặc biệt của Bác với giai cấp nông dân và sản xuất nông nghiệp. Người đã ca ngợi, khuyến khích vai trò đi đầu của nông dân trong công cuộc xây dựng kinh tế nông nghiệp, đóng góp cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Tháng 1-1953, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc" (3). Xác định vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong cách mạng, Người cho rằng chỉ lo "cơm ăn, áo mặc" cho họ thì chưa đủ, mà phải nâng cao dân trí cho họ, như thế họ mới được hưởng trọn vẹn độc lập, tự do. Người xem đói và rét đều là giặc, phải diệt giặc đói, diệt giặc dốt, bởi vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Quan trọng hơn, việc mang lại quyền lợi ruộng đất cho nông dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định là một trong hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Khi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất - kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhắc: Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc sản xuất nông nghiệp làm gốc, làm chính. Tiến lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nền sản xuất nhỏ, 90% dân số là nông dân, thực chất đây là một cuộc cách mạng nông dân, lực lượng nòng cốt là liên minh công - nông, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo: "Nông dân ta đông người nhất, kinh tế nông nghiệp quan trọng nhất; nông dân ta đã anh hùng trong cách mạng, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất, thì trong cuộc cách mạng biến đổi nông nghiệp từ  thấp lên cao này nông dân ta cũng phải là anh hùng" (4). Phát biểu tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ 6 ngày 19-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa đất nước: "Nước ta là một nước nông nghiệp..., muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy nông nghiệp làm gốc. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra" (5). Như vậy, Người đã chỉ rõ nông nghiệp là nhân tố đầu tiên, là cội nguồn giải quyết mọi vấn đề xã hội. Nếu nông nghiệp phát triển, lương thực, thực phẩm dồi dào, nông dân khá giả thì xã hội sẽ phồn vinh.

Năm 1963, nói chuyện với cán bộ Trung ương về xã tham gia cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát biểu của Người có tính khái quát hơn: "Có gì sung sướng bằng được góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển nông nghiệp, nền tảng để phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa" (6). Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khi ai cũng nói công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, là nền tảng của nền kinh tế thì việc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Phát triển nông nghiệp, nền  tảng để phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa" rõ ràng thể hiện một tư duy sáng tạo nổi bật. Người đã nhiều lần nêu "công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế. Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe, đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích".

Để nông nghiệp phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến kế hoạch và sản xuất. Người cho rằng kế hoạch không nên tụt lại sau, nhưng cũng không nên chạy quá nhanh trước sự phát triển của công nghệ. Chúng ta cần phải tập trung tăng cường và đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực về khoa học-công nghệ dựa trên một nền kinh tế nông nghiệp ổn định bởi "chỉ có liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp, không rời xa sức tiết kiệm và ăn khớp với vốn liếng và sức hậu bị của ta - thì công nghệ mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó, là lãnh đạo và cải tạo kinh tế của quốc dân" (7).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, không chỉ có giá trị về mặt lý luận, mà nó còn có giá trị thực tiễn hết sức sâu sắc. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã vận dụng và phát triển tư tưởng nông nghiệp của Hồ Chí Minh, để xây dựng thành đường lối phát triển kinh tế nói chung, đường lối phát triển nông nghiệp nói riêng qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Không chỉ bằng lời nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên theo sát chỉ đạo mọi ngành, mọi cấp, mọi người thực hiện nhiều biện pháp ra sức phát triển nông nghiệp. Đơn cử, từ năm 1958 đến năm 1960 - thời kỳ bước đầu hợp tác hoá nông nghiệp, Người đã 6 lần đích thân xuống địa phương xem xét thực tiễn sản xuất nông nghiệp; 11 lần tham dự hội nghị tổng kết kinh nghiệm về xây dựng hợp tác xã, về thuỷ lợi, về khoa học kỹ thuật; Người đã cho nhiều huấn thị thiết thực và kêu gọi mọi người hăng hái tham gia hợp tác và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác (8). Ngay cả khi tuổi đã cao, Hồ Chủ tịch vẫn thường xuống nông thôn, gặp gỡ bà con trên đồng ruộng, động viên bà con tích cực tăng gia, chăn nuôi.

Những nǎm tháng cuối đời, tuy sức khoẻ yếu nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian làm việc với các đồng chí phụ trách nông nghiệp. Khi họp Bộ Chính trị hay trong các buổi làm việc về nông nghiệp, Người thường nhắc bản Điều lệ Hợp tác xã. Bác bảo công nhân có ngày kỷ niệm thì nông dân cũng phải có ngày kỷ niệm và nên lấy ngày ban hành Điều lệ Hợp tác xã làm ngày kỷ niệm cho nông dân. Bác dặn viết bản Điều lệ sao cho nông dân ít học cũng hiểu được. Đến tận những ngày tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp đi xa, dù mệt nặng nhưng Người vẫn theo dõi mực nước các triền đê và căn dặn các địa phương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất.

50 năm trước, tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất của Đảng ta đã thay mặt toàn Đảng và nhân dân đọc 5 lời thiêng liêng. Trong lời thề thứ hai còn ghi rõ: Toàn Đảng toàn dân ta đem hết sức mình phấn đấu thực hiện lý tưởng cao đẹp của Người là "đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào" (9). Điều này gắn liền với lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. 50 năm nhìn lại, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo toàn dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa: Giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trọn vẹn, đưa Việt Nam vững tiến trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10 về chuyển đổi cơ chế quản lý nông nghiệp. Nghị quyết 10 đã mở đầu cho sự phát triển ngoạn mục của nông nghiệp, nông thôn nước ta thời kỳ đổi mới, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp theo đó, các chỉ thị, nghị quyết khác của các kỳ đại hội và Hội nghị Trung ương các khoá VI, VII, VIII, IX đều là những chủ trương, chính sách đổi mới rất quan trọng trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và đời sống xã hội nông thôn. Thực chất, đây chính là sự vận dụng sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, có tính đến xu hướng phát triển của thời đại.

Sau 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, sau 33 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu phát triển khả quan. Từ một nước thường xuyên thiếu và đói, hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực của nước ngoài, nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào cuộc chiến đấu xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống chính trị - xã hội nông thôn và trên phạm vi cả nước.

Trong công cuộc lấy phát triển kinh tế là trọng tâm, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy "Đầu tiên là công việc đối với con người" vẫn luôn là lời nhắc nhở đối với các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, các tổ chức quần chúng. Ngày 28-12-1989, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá VIII đã thông qua Nghị quyết về việc miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ nông dân, thực hiện trong hai năm 1990 và 1991, mỗi năm miễn 50% số thuế ghi thu. Đối với nhân dân ở những vùng khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã có các chương trình ưu đãi cụ thể như các chương trình 134, 135. Điện, đường, trường, trạm đã được xây dựng ở hầu khắp các vùng dân cư hẻo lánh, xa xôi nhất. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Đến nay, phần lớn dân cư nông thôn cả nước có điện lưới quốc gia và được sử dụng nước sạch. Đảng và Nhà nước cũng đề ra chính sách hỗ trợ thuỷ lợi phí và khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho nông dân khai thác hết tài nguyên đất đai để làm giàu chính đáng. Những chính sách an dân ấy chính là đã thực hiện tốt lời dạy của Người.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm tạo ra sự chuyển biến hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, Đại hội X của Đảng (4-2006) nêu rõ: "Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao". Năm 2008, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo đó, vấn đề nông dân - nông nghiệp - nông thôn đã được đặt trong mối quan hệ phát triển toàn diện, hài hoà, đồng bộ với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Người nông dân, với tư cách là chủ thể trong mối quan hệ nông dân - nông nghiệp - nông thôn được Nhà nước hỗ trợ và ưu tiên trong mọi chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII diễn ra ngày 12-12-2018, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã định hướng "xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu" (10) . Trong bài phát biểu, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã trích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông dân ta thịnh thì nước ta thịnh".

Những lời căn dặn đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông dân, nông nghiệp, nông thôn  đã được Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện trong suốt 50 năm qua. Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người cũng là dịp để chúng ta nhìn rõ những điều còn chưa làm được, những khuyết điểm trong quá trình thực hiện, để tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, xây dựng nông thôn Việt Nam văn minh, giàu đẹp và xây dựng người nông dân mới làm chủ khoa học kỹ thuật và có trình độ văn hoá cao.

Nguyễn Minh Đức
Khu di tích Phủ Chủ tịch

Chú thích:

(1) Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ viết tài liệu Tuyệt đối bí mật, Nxb.

(2) Lý luận chính trị, H. 2008, tr. 31, 32. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 44.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 8, tr. 31.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 11, tr. 417.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 12, tr. 635.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t. 11, tr. 612.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t. 6, tr. 499.

(8) Viện sử học: Nông dân Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Khoa học xã hội,   H.1979, tr. 197.

(9) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1999, tr.43.

(10) Theo báo điện tử Kinh tế và Đô thị, ngày 12-12-2018.

NỔI BẬT TRANG CHỦ