(Tổ Quốc) - Với rất nhiều gia đình người Việt hiện đang sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, dù ở đâu, làm nghề gì cũng gìn giữ nếp nhà - nét văn hoá truyền thống trong dòng chảy hội nhập mà bao đời nay tổ tiên đã truyền lại cho con cháu vẫn luôn là điều mà họ khắc cốt ghi tâm.
Giữa bao bộn bề lo toan, tất bật mưu sinh nơi xứ người, nhưng cứ "năm hết Tết đến", những đồng hương người Việt ở các nơi lại tụ hội cùng nhau để làm cỗ đón Tết, cùng nấu nồi bánh chưng xanh, cùng ôn lại những kỷ niệm về Tết ở quê nhà… Và cũng từ đó, tiếng Việt, mâm cỗ Tết của người Việt vẫn tồn tại ở những cộng đồng người Việt xa quê.
Từ mâm cơm cúng chiều ba mươi Tết...
Chiều ba mươi Tết, con gái gửi cho tôi qua messenger tấm ảnh mâm cơm cúng ông bà ở nơi cách nhà nửa vòng trái đất, nơi mà tuyết đang bao phủ ngoài cửa sổ một màn trắng xoá. Con nhắn, con nấu mâm cơm cúng ông bà để cho đỡ nhớ tết ở nhà mình. Nhìn mâm cơm cúng có bánh chưng, giò chả, canh khổ qua nhồi thịt, đồ xào, thịt kho mặn, cả đĩa trái cây và bình hoa, rồi nghĩ đến cảnh con cặm cụi bếp núc, bày biện mâm cúng tưởng nhớ tổ tiên mà lòng bỗng thấy thương con dạt dào. Ở xa quê cả hàng nghìn cây số, vẫn nhớ tết nhà, vẫn nhớ nấu cơm cúng ông bà. Nghĩa là con gái tôi vẫn đau đáu nỗi nhớ quê, nhớ nếp nhà và luôn nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Chắc hẳn không chỉ có con gái tôi, dù xa nhà đã bốn cái tết, nhưng năm nào vẫn có mâm cơm cúng chiều ba mươi với các món ăn truyền thống mà nhà nào ở trên dải đất hình chữ S này vẫn luôn chuẩn bị để rước tổ tiên, ông bà về đón năm mới cùng con cháu trong bữa cơm đoàn viên chiều ba mươi tết hàng năm. Những cộng đồng người Việt xa quê ở khắp các châu lục cứ "năm hết Tết đến" là tụ hội cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét rồi nấu chín chia cho mỗi nhà, cùng nhau soạn sửa mâm cơm với các món ăn gợi nhớ hương vị tết quê nhà.
Nếu ai đã được một lần tham dự cuộc gặp mặt của các đồng hương người Việt ở xứ người vào ngày năm hết Tết đến mới cảm nhận sâu sắc tình cảm thiêng liêng của những đứa con xa quê nhớ về đất Mẹ. Những tất bật gói ghém để nồi bánh chưng đỏ lửa kịp có những chiếc bánh nóng hổi cho bà con đồng hương ăn tết. Nào là nem rán, chả thủ, thịt đông, dưa hành, củ kiệu… rồi những mẻ mứt, khay bánh do các mẹ, các chị chuẩn bị sẵn ở nhà đem đến góp mặt trong bữa cơm cuối năm mới thấy những món ăn mang hương vị quê nhà đã gắn kết những con người có chung tên gọi "đồng bào" gần hơn, thương yêu nhau hơn.
… Đến chiếc áo dài mang dáng dấp quê hương
Và những dịp gặp gỡ này cũng là cơ hội để các cô, các chị được khoác lên người chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Áo dài luôn là trang phục được các chị em phụ nữ người Việt ở các nước chọn để mặc khi tham dự những sự kiện quan trọng. Nhìn các chị, các cô gái Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài nhiều sắc màu trong các dịp lễ, tết, các hoạt động văn hóa của hội người Việt xa quê tổ chức hay mặc áo dài đi chùa lễ Phật cầu an đầu năm như thấy quê nhà bỗng gần hơn.
Cô bạn tôi người Hội An, hiện đang sinh sống ở Houston (Mỹ), cứ mỗi lần về thăm quê là lại chọn may nhiều bộ áo dài để đem qua vừa để mặc vừa làm quà cho bạn bè. Cô nói, ở Mỹ mỗi lần có dịp mặc áo dài Việt Nam đi ra đường luôn được người nước ngoài xuýt xoa khen đẹp và hỏi thăm nơi bán để mua. Cô làm việc ở một nhà hàng của người nước ngoài quản lý nên trang phục hàng ngày ở nơi làm việc là đồng phục. "Mỗi năm chỉ mặc được áo dài vào dịp gặp mặt đồng hương cuối năm, mùng Một Tết đi lễ chùa, hay thỉnh thoảng được mời đi dự đám cưới của bà con người Việt nên hễ có cơ hội là khoác áo dài vào người. Mặc áo dài thấy mình trang trọng hơn, đẹp hơn và thấy như mình đang ở quê nhà" - cô tâm sự với tôi trong lúc chọn mua vải may áo dài để đem qua mặc Tết.
Không chỉ bạn tôi ở Mỹ và nhiều người phụ nữ Việt Nam khác đang sinh sống ở nhiều quốc gia luôn chọn áo dài để mặc khi có dịp. Bởi tà áo dài Việt Nam khi tung bay trên đường phố xa lạ luôn đem lại cho người nhìn một cảm giác rất thân quen, gần gũi và yêu thương. Tôi là người đã có cảm giác đó khi đến Canada và nhìn thấy một tà áo dài Việt Nam bay bay trong nắng sớm trên đường phố ở Thủ đô Ottawa. Người phụ nữ mặc áo dài Việt Nam đi dự lễ đăng ký kết hôn của đứa cháu gái ở tòa thị chính thành phố Ottawa. Chiếc áo dài lụa mà chị mặc sáng hôm đó đã giành được nhiều ánh nhìn và lời khen của nhiều người vào ra ở tòa thị chính. Và tôi đã thấy mình xúc động và tự hào với chiếc áo dài Việt Nam nơi xứ người.
… Và giữ gìn tiếng Việt
Áp lực áo cơm luôn đè nặng cuộc sống của những người Việt ở khắp nơi trên thế giới, và công việc mưu sinh ở bên ngoài luôn chiếm nhiều thời gian của họ, nhưng không vì thế mà các gia đình Việt lơ là việc dạy dỗ cho con cái việc học và nói tiếng Việt. Trẻ em người Việt khi đến trường cùng chúng bạn thì nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay ngôn ngữ bản địa nơi mình sinh sống, nhưng khi về nhà phải nói tiếng Việt với ông bà, ba mẹ, anh chị em - là cách mà nhiều gia đình Việt đang duy trì để giữ cho ngôn ngữ mẹ đẻ không bị mai một.
Anh họ tôi ở Nam California (Mỹ) hiện đã hơn tuổi thất thập vẫn luôn đau đáu chuyện dạy cho cháu học tiếng Việt và lịch sử nước nhà. Mỗi lần có dịp về Việt Nam, anh mua nhiều sách lịch sử và văn học đem qua cho các cháu đọc. Với các cháu chưa nói sõi, anh đọc sách cho chúng nghe. Những cháu đã đi học ở trường, cứ cuối tuần anh cho các cháu viết một đoạn văn bằng tiếng Việt. Các cháu viết xong, cả ông và cháu cùng ngồi đọc lại. Anh sửa từng chữ một, giảng giải cho các cháu các từ ngữ, các câu ca dao, tục ngữ để các cháu hiểu hơn về văn hoá, về các thói quen sinh hoạt của ông bà ngày xưa.
Mỗi lần nghe anh khoe chuyện các cháu nội, ngoại của anh tiến bộ trong việc học nói và viết tiếng Việt, tôi như thấy trong giọng nói của anh niềm hạnh phúc không che giấu. Và tôi mong sẽ có nhiều hơn những người ông, người bà như anh tôi chịu khó dạy cho con, cháu nói và học tiếng Việt – đó là cách tốt nhất để người Việt xa quê gìn giữ nếp nhà.