Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ hạ gục nhau giữa những người làm cùng đơn vị, đã khiến dư luận bàng hoàng. Tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, chúng ta càng thấy âu lo cho sự xuống dốc của đạo đức xã hội. Bởi lẽ, những mâu thuẫn để người này bày mưu tính kế nhẫn tâm hành hung và tước đi sinh mạng của người kia, cũng vì nguyên nhân không có gì đáng phải gay gắt.
(Toquoc)- Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ hạ gục nhau giữa những người làm cùng đơn vị, đã khiến dư luận bàng hoàng. Tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, chúng ta càng thấy âu lo cho sự xuống dốc của đạo đức xã hội. Bởi lẽ, những mâu thuẫn để người này bày mưu tính kế nhẫn tâm hành hung và tước đi sinh mạng của người kia, cũng vì nguyên nhân không có gì đáng phải gay gắt.
Vụ thứ nhất, một nhân viên bảo vệ chi nhánh Sacombank Thanh Trì – Hà Nội bị đồng nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đâm chết tại nơi làm việc. Lý do oán thù: Nguyễn Hoàng Anh tức tối vì bị nhắc nhở lơ là giờ giấc, không hoàn thành nhiệm vụ!
Vụ thứ hai, một kỹ sư của Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng bị đồng nghiệp Đồng Xuân Phương thuê côn đồ sát hại ngay tại công trường đúc dầm bê tông. Lý do oán thù: Đồng Xuân Phương bị phê bình nhậu nhẹt say xỉn, bỏ bê công tác!
Vụ thứ ba, một hiệu trưởng của Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông bị đồng nghiệp Lê Thị Thu Hằng tổ chức nhóm côn đồ chặn đường đánh đập, đổ sơn lên đầu. Lý do oán thù: Lê Thị Thu Hằng không được xác nhận khống là nhân viên thư viện để theo học lớp cao đẳng thư viện tại Trường Cao đẳng Nội vụ.
Ba đối tượng gây án ở ba môi trường khác nhau, trình độ cũng khác nhau, nhưng động cơ gây ác đều từ sự ích kỷ. Nguyễn Hoàng Anh bị nhắc nhở là đúng. Đồng Xuân Phương bị phê bình là đúng. Lê Thị Thu Hằng là nhân viên hành chính thì làm sao được xác nhận là nhân viên thư viện! Chắc chắn pháp luật sẽ trừng trị ba đối tượng bất nghĩa. Thế nhưng, trong lương tri cộng đồng không thể không nhói lên một băn khoăn: những người đồng nghiệp mỗi ngày gặp mặt nhau, làm việc cùng nhau vì sao dễ dàng dùng bạo lực với nhau để giải quyết vài mâu thuẫn nhất thời? Phải chăng môi trường nghề nghiệp chưa chú trọng đề cao văn hóa công sở?
Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, ngân hàng, xây dựng hay giáo dục, thì cuộc hợp tác giữa những người cùng chung mục đích với nhau luôn được bắt đầu bằng văn hóa công sở. Ngay cả những nền kinh tế nhộn nhịp và khốc liệt nhất trên thế giới, thì mỗi đơn vị đều được thiết lập trên bốn nguyên tắc cơ bản mà viết theo tiếng Anh ngắn gọn theo thứ tự là 4 chữ C: company (công ty), customer (khách hàng), culture (văn hóa) và competition (cạnh tranh). Trong bốn chữ C viết tắt ấy, thiếu chữ C nào cũng dẫn đến sự thất bại. Một đơn vị có công ty, có khách hàng, có cạnh tranh nhưng không có văn hóa thì tất yếu đối mặt với hệ hụy bẽ bàng.
Các cuộc đấu đá và thanh trừng lẫn nhau giữa đồng nghiệp, đã và đang diễn ra một cách nhức nhối, có lẽ nguyên nhân sâu xa từ sự thiếu vắng chữ C thứ ba: culture! Để phát triển bền vững, không thể không lấy văn hóa làm động lực. Văn hóa công sở làm điểm tựa cho một đơn vị, còn văn hóa dân tộc làm điểm tựa cho một đất nước! Điều đó đang được thực tế chứng minh!
Gia Quân