• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Thực trạng và giải pháp”

28/08/2018 15:57

(Cinet) – Là chủ đề của Hội thảo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào sáng 28/8, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (135 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội).

(Cinet) – Là chủ đề của Hội thảo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào sáng 28/8, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (135 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội).

Văn hóa đọc là một bộ phận của Văn hóa

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, các nhà xuất bản; các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện người sử dụng thư viện và các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Có thể thấy, trong những năm qua, với sự phát triển của công nghệ, người đọc đã có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở không chỉ ở thư viện mà còn từ nhiều nguồn: các nhà xuất bản, các trang thông tin điện tử, các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin trực tuyến… Tại nhiều thư viện, tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho bạn đọc tiếp cận cũng đã vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện với sự hỗ trợ của internet. Thói quen đọc và tiếp cận của người sử dụng đã có sự thay đổi với sự tác động của công nghệ mới. Thay vì trực tiếp đến thư viện, người sử dụng có thể đọc mọi nơi mọi lúc thông qua máy tính và các thiết bị thông minh.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Văn hóa đọc - một bộ phận của Văn hóa - là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ, có nhân cách và thượng tôn pháp luật để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức và đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0”.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc trong điều kiện Internet và công nghệ truyền thông đang ngày càng phát triển. Đó là vấn đề đặt ra để Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - thực trạng và giải pháp” với mục đích đánh giá thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc của bạn đọc hiện nay cùng với việc đưa ra các giải pháp cho phát triển văn hóa đọc, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Trong buổi Hội thảo này, Bộ VHTTDL mong muốn nhận được ý kiến và tham luận trình bày của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các cơ quan xuất bản, các nhà cung cấp giải pháp và những người trực tiếp làm công tác thư viện cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp cho phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Thư Viện Vũ Dương Thúy Ngà phát biểu tại Hội thảo.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, ngày 15 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đây là bước cụ thể hóa thực hiện Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước” mà Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng đã đặt ra.

Hội thảo Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Thực trạng và giải phápđược tổ chức nhằm nhận dạng thực trạng, các cơ hội và thách thức trong việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông phát triển; nhu cầu đọc, xu hướng đọc và các yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm dịch vụ thư viện trong kỷ nguyên số. Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ thu thập các dữ liệu để góp phần xây dựng những định hướng, giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số.

Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Có gần 30 bài tham luận gửi về Ban tổ chức, trong đó có hơn 10 bài trình bày tại Hội thảo, gồm: Tài liệu số trong công tác phục vụ bạn đọc: Thực trạng và giải pháp tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh; Giải pháp ứng dụng phần mềm nguồn mở cho mạng lưới thư viện huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số; Một số ý kiến đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cải thiện dịch vụ thư viện; Tìm hiểu phát triển của web cùng “Thế hệ thư viện” tương ứng và đề xuất mô hình thư viện đại học Việt Nam trong kỷ nguyên số; Thư viện trường Đại học Bách khoa Hà Nội phục vụ bạn đọc đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học; Thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc hiện nay và giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số; Ảnh hưởng của thư viện đến văn hóa đọc và nhận thức về bản quyền trong sinh viên; Ý kiến chia sẻ về thông tin, dịch vụ thư viện trong nghiên cứu vĩ mô ở Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; Chuyển thói quen đọc sang smart phone- thay đổi thói quen đọc tạp chí điện tử của sinh viên đại học.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh-Phó giám đốc thư viện tỉnh Bình Định trình bày tham luận tại Hội thảo.

Các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề: Nhận dạng các tác động tích cực, thuận lợi và những hoạt động mang tính thách thức của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông đến văn hóa đọc nói chung, hoạt động thư viện nói riêng; Thực trạng vốn tài liệu điện tử/tài liệu số và các dịch vụ phục vụ người sử dụng của thư viện và những giải pháp phát triển văn hóa đọc tại các thư viện; giải pháp trong quản lý và tổ chức hoạt động nhằm triển khai kế hoạch của địa phương, Bộ ngành nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc đã được đặt ra trong Đề án phát triển văn hóa đọc... đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm và mô hình hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển văn hóa đọc….

Ths. Hoàng Thị Thu Hương-Giám đốc Trung tâm phát triển sinh viên quốc tế trường Đại học FPT cho rằng, thói quen đọc sách truyền thống đã bị tác động mạnh mẽ tới con người do nhiều loại tiến bộ khác nhau trong truyền thông kỹ thuật số. Tăng thông tin kỹ thuật số đã khiến độc giả dành nhiều thời gian hơn để đọc nhiều hơn các hình ảnh trên các thiết bị di động. Là công nghệ của điện thoại di động đã phát triển thành nhiều hơn thế. Thực tế với sự xuất hiện của công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là các thiết bị di động thông minh như điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị đọc điện tử, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình internet và các phương tiện giải trí khiến hco tốc độ đọc của con người cũng thay đổi. Hầu hết người đọc tài liệu trên các thiết bị di động thông minh ngày nay có thể đánh dấu tài liệu, ghi chú và tổ chức tài liệu thông minh hơn, khoa học hơn với rất nhiều các tính năng tiện ích khác nhau.

Ông Phạm Quang Quyền-Giảng viên chính Đại học Nội vụ trình bày tham luận tại Hội thảo.

Ông Phạm Quang Quyền-Giảng viên chính Đại học Nội vụ cho rằng, Thư viện đã và đang chịu sự tác động ảnh hưởng rất lớn của kỷ nguyên kỹ thuật số. Thế giới đang bước vào giai đoạn khởi đầu của nền công nghiệp 4.0 và hạt nhân là công nghệ IoT (Internet kết nối vạn vật). Hoạt động thông tin – thư viện có điều kiện, thời cơ, đồng thời cũng đứng trước những thách thức lớn nhưng mục đích cuối cùng vẫn là phát triển các dịch vụ thư viện tiện ích cho người đọc, người dùng tin.

Muốn đẩy mạnh hiệu quả các dịch vụ thư viện, chúng ta cần có những khảo sát thực tiễn, đồng thời, nâng cao các dịch vụ hiện có và quan trọng hơn là cả là cải thiện dịch vụ - tăng cường thêm những dịch vụ tiện ích sao cho dễ dàng tiếp cận, sử dụng hướng tới mọi tầng lớp người đọc trong bối cảnh của đời sống xã hội hiện nay. Có như vậy, dịch vụ thông tin-thư viện mới mang lại hiệu quả đích thực, góp phần vào việc phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội, ông Phạm Quang Quyền nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Sinh-Phó giám đốc thư viện tỉnh Bình Định cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin thâm nhập vào quá trình vận hành của thư viện đã làm thay đổi phương thức quản lý, phương thức vận hành của thư viện và thói quen sử dụng của bạn đọc; thư viện số đang trở thành xu hướng phát triển mạnh trong thời đại hiện nay. Trong hoạt động thư viện hiện đại, giúp cho mọi người dễ dàng sử dụng và tương tác với các nguồn dữ liệu thư viện thông minh. Bên cạnh đó, các thư viện xây dựng kho dữ liệu số nội sinh, khi hợp tác, chia sẻ và dùng chung, kết nối với nhau sẽ đem lại cho bạn đọc nguồn cơ sở dữ liệu thông tin phong phú, đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập và nghiên cứu của người dân mọi lúc, mọi nơi.

Quang cảnh Hội thảo.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đồng tình và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đề nghị, các thư viện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Hệ thống thư viện cần xúc tiến thư viện điện tử, thư viện số; Tăng cường sử dụng các phần mềm nguồn mở; Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh phong trào xã hội học tập; Các tổ chức chính trị xã hội, nhà sách, công ty phát hành sách tiếp tục phối hợp với Bộ VHTTDL trong việc tăng mở rộng kết nối trong thời gian tới; Thư viện phải thực sự trở thành môi trường hấp dẫn thu hút người đọc;...

Một số hình ảnh bên lề Hội thảo:

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ