• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa gia đình: Nền tảng của văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình

Văn hoá 27/06/2020 15:29

(Tổ Quốc) - Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020 là "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình". Và để có được văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình thì không thể không nhắc tới văn hóa gia đình nói chung. Bởi văn hóa gia đình là nền tảng, có tính phổ quát trong nhiều mặt để tạo nên văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình…

Văn hóa gia đình là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa Việt Nam. Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù, có chức năng kiểm soát, điều hành hành vi của mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Quá trình hình thành văn hóa dân tộc cũng là quá trình hình thành văn hóa gia đình. Chính gia đình là một thiết chế văn hóa góp phần tạo dựng nên một xã hội có văn hóa. Do đó văn hóa gia đình là thước đo giá trị văn hóa dân tộc.

Gia đình càng hoàn thiện, càng ổn định và có văn hóa sẽ góp phần xây dựng lối sống, nếp sống tốt đẹp cho xã hội. Ngược lại, khi gia đình và xã hội không gắn kết, đồng phát triển sẽ tạo nên sự trì trệ, xáo trộn và mất ổn định.

Văn hóa gia đình: Nền tảng của văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình - Ảnh 1.

Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020 là "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình"

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định vai trò của quan trọng của văn hóa gia đình trong việc giữ gìn, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: "Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh".

PGS. TS Lê Quý Đức từng cho rằng, thực tiễn đời sống của xã hội ta mất chục năm qua cho thấy; 4 nguyên nhân làm suy thoái đạo đức, lối sống mà học giả Đào Duy Anh chỉ ra trong đó có việc chưa chú ý đến giáo dục gia đình (giáo dục giá trị gia đình, giáo dục văn hóa gia đình bên cạnh việc chưa chú ý giáo dục ý thức cá nhân, giáo dục tâm linh và giáo dục đạo đức).

Theo quan điểm của ông Phạm Vũ Dũng (Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật) tại tham luận "Nghĩ thêm về hệ giá trị văn hóa gia đình của người Việt trong Bối cảnh mới, cho rằng: Dù ở giai đoạn nào và mô hình nào thì gia đình trước hết và bao giờ cũng là một thiết chế xã hội với biểu trưng cơ bản là tính văn hóa của nó. Không có văn hóa thì gia đình không thể mang tính chất một thiết chế trong cấu trúc xã hội, gia đình sẽ bị giải thể xuống hình thức bầy đàn, mà con người sinh học lấn át con người văn hóa.

Văn hóa gia đình: Nền tảng của văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình - Ảnh 2.

Trong khuôn khổ Ngày gia đình Việt Nam năm 2020 còn có triển lãm Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình

Đi tìm hệ giá trị văn hóa gia đình cũng là cách đi tìm và khẳng định diện mạo con người. Dù thế nào gia đình văn hóa gia đình người Việt, dù ở đâu, vẫn là một thiết chết xã hội vững chắc với giá trụ trường tồn của nó. Nó còn thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà khoa học mà còn của bất cứ ai quan tâm tới các vấn đề của nó, quanh quanh nó, đặc biệt là đang tìm cách góp nhặt những giá trị gia đình vốn có như những hiện tồn để xây dựng hành trang cho mô hình và hệ chuẩn giá trị gia đình tương lai – ông Phạm Vũ Dũng nhấn mạnh.

Từ năm 2014 và kéo dài trong nhiều năm, chủ đề công tác gia đình của Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã được triển khai rộng khắp đó là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình". Chủ đề này một lần nữa nhấn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cá nhân.

Trong năm 2019, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững, cũng như hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. 12 tỉnh, thành đại diện cho các vùng miền trên cả nước được Bộ lựa chọn thí điểm, nhiều tỉnh/thành khác cũng đã chủ động thực hiện thí điểm theo hướng dẫn của Bộ và thu được nhiều kết quả tích cực. Từ những kết quả đạt được, năm 2020 Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tiếp tục được thực hiện thí điểm tới các tỉnh thành trên cả nước.

Cùng với việc thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và chủ đề Ngày gia đình Việt Nam "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình" đã cho thấy giá trị cốt lõi cũng như tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong gia đình. Nhưng để có được văn hóa ứng xử tốt đẹp nói chung thì mỗi gia đình cần xây dựng và trở thành gia đình văn hóa.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ