(Tổ Quốc) - Văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại Hà Giang; Nhận thức của nhân dân Bắc Giang về tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, được nâng lên; Phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa được đẩy mạnh góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh tại Lào Cai là những thông tin văn hóa đáng chú ý.
Văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại Hà Giang
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được nâng lên rõ rệt.
Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, liên tục, đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của người dân, đối với việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trên địa bàn. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được chú trọng.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được phát triển rộng khắp và đi vào chiều sâu. Số hộ gia đình văn hóa; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa ngày càng tăng; năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 42% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; đến năm 2019, số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa được nâng lên 67%.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên; hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật bám sát định hướng của tỉnh; các thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở được đầu tư xây dựng, tăng cả về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa được đẩy mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, hạn chế đáng kể sự xâm nhập, lan truyền các sản phẩm văn hóa độc hại.
Bắc Giang: Nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ được nâng lên
Tỉnh ủy Bắc Giang đã có Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nâng lên rõ rệt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng hiệu quả, có chiều sâu; tỷ lệ gia đình, thôn bản, khu phố văn hóa năm sau cao hơn năm trước, các phong trào thi đua được nhân rộng. Năm 2005, số gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 74,7%, năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 89,4%.
Kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi gia đình và xã hội; nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ được nâng lên; tình làng, nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được củng cố, phát triển; an ninh chính trị ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện.
Xuất hiện nhiều phong trào, tấm gương điển hình tiên tiến như: phong trào "Gia đình nông dân hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo"; "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc";….Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tăng cường chỉ đạo và dần đi vào nề nếp; tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới trong gia đình đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Đến nay, toàn tỉnh có 1.054 câu lạc bộ và 01 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 410 mô hình hoạt động độc lập; 1.054 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững.
Lào Cai: Phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa được đẩy mạnh góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh
Cùng với đường lối về văn hóa của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội đã đáp ứng yêu cầu về bảo vệ tính truyền thống, tốt đẹp của văn hóa tại địa phương, được tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện.
Công tác tuyên truyền về nội dung, yêu cầu của việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức như báo chí, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền miệng…
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Năm 2019, đã có 83,72% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa được đẩy mạnh góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Các làng, bản văn hóa đã đạt được các tiêu chí về phát triển kinh tế từng bước xóa đói giảm nghèo; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa ở cơ sở cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện kết hợp giữa phát triển văn hóa, nghệ thuật với bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; tăng cường xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống.