(Tổ Quốc) - Sáng ngày 12/5, tại TPHCM, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị TPHCM phối hợp Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học & Công nghệ) cùng sự đồng hành của Trường Đại học Ngân hàng tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, phát triển khoa học ngoại giao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tọa đàm có sự tham dự của Tổng lãnh sự quán, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước tại TPHCM, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đang nghiên cứu, học tập và sinh sống tại TPHCM có quan hệ hợp tác với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị TPHCM.
Phát biểu đề dẫn và chỉ đạo Tọa đàm, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho rằng, đối ngoại nhân dân là nội dung then chốt và xuyên suốt, bản lề của hoạt động của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và TPHCM. Vì thế, người làm đối ngoại nhân dân ngoài bản lĩnh, trí tuệ cũng cần nghệ thuật (khoa học) trong đường lối đối ngoại.
Theo ông Phan Anh Sơn, đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới (cách mạng công nghiệp 4.0) đặt ra 5 yêu cầu:
1. Công tác đối ngoại nhân dân phải đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện của Đảng và sự quản lý của Nhà nước;
2. Đối ngoại nhân dân cần bám sát mục tiêu, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;
3. Nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân, nghiên cứu và dự báo tình hình vận động;
4. Lực lượng đối ngoại nhân dân phải "mạnh" cả ở các tổ chức có vai trò nòng cốt, chuyên trách;
5. Hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, phối hợp.
19 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tập trung làm rõ nghệ thuật của con đường đối ngoại nhân dân của TP HCM và Việt Nam đối với các nước bạn ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu 3 nhóm thảo luận xoay quanh các vấn đề: Hợp tác về văn hoá, giáo dục; Hợp tác về kinh tế, thương mại; Hợp tác về Khoa học công nghệ, y tế và sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật ngoại giao nhân dân trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục. Đây là hai lĩnh vực quan trọng và gần gũi trong nghệ thuật đối ngoại được vận dụng linh hoạt và khôn khéo của ngoại giao.
PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG – HCM) kiêm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, nhấn mạnh cần hiện thực hóa trụ cột văn hóa – xã hội trong cộng đồng ASEAN tầm nhìn 2030. Đây được xem là cơ sở góp phần nâng cao hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước ASEAN trong thời gian tới.
"Dưới góc nhìn văn hóa, để nâng cao hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước ASEAN trong thời gian tới cần tập trung vào 2 nội dung: Tiếp tục truyền thông về giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam trong hoạt động đối ngoại với các nước thông qua các lễ hội văn hóa; Khai thác tối đa các thành tố văn hóa Việt Nam trong hoạt động ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, trong đó không kém phần quan trọng chính là quà tặng"- PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh.