Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam – PAPI vừa công bố kết quả khảo sát năm 2011. Sau ba năm triển khai, từ phạm vi 3 tỉnh năm 2009, mở rộng ra 30 tỉnh năm 2010 và lan tỏa khắp 63 tỉnh trên cả nước năm 2011, thực sự giúp xã hội có thêm thông tin tham khảo bổ ích cho quá trình cải cách phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam – PAPI vừa công bố kết quả khảo sát năm 2011. Sau ba năm triển khai, từ phạm vi 3 tỉnh năm 2009, mở rộng ra 30 tỉnh năm 2010 và lan tỏa khắp 63 tỉnh trên cả nước năm 2011, thực sự giúp xã hội có thêm thông tin tham khảo bổ ích cho quá trình cải cách phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.
PAPI 2011 khảo sát 6 nội dung lớn, bao gồm “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng”, “thủ tục hành chính công” và “cung ứng dịch vụ công”. Với 13600 người tham gia khảo sát, thì 31% trả lời có tình trạng hối lộ trong dịch vụ y tế công, 29% trả lời có phong bì “lót tay” khi xin việc làm trong khu vực nhà nước, 21% trả lời có chi tiền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 17% trả lời có bồi dưỡng cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn. Tất nhiên, những số liệu ấy chỉ là một kênh điều tra xã hội học, nhưng cũng trực tiếp cảnh tỉnh về một vài hiện tượng không mấy lành mạnh!
Dân gian có câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Từ khi kinh tế thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách đời sống, thì sức mạnh đồng tiền hình thành thêm… văn hóa phong bì. Những dịp hiếu hỉ như đám cưới, sinh nhật, mừng thọ… thay vì phải đắn đo chọn món quà ý nghĩa thì nhiều người chọn thái độ nhẹ nhàng bằng… một cái phong bì. Cứ thế, văn hóa phong bì không còn gói gọn ơn- nghĩa nữa, mà chi phối quan hệ xin-cho. Ai cũng ngán ngẩm khi văn hóa phong bì phổ biến như một vấn nạn tiêu cực, nhưng không dễ gì thoát ra khỏi vòng xoáy nghiệt ngã kia.
Văn hóa phong bì vào bệnh viện thì lung lay y đức, văn hóa phong bì vào trường học thì che mờ vẻ đẹp giáo dục. Văn hóa phong bì vào công sở thì nảy sinh dấu hiệu hối lộ. Khi đồng tiền đứng trên chuyện sinh mạng con người, đứng trên chuyện giáo dục con người, hoàn toàn có thể làm đảo lộn mọi chuẩn mực đạo lý. Mặt khác, đồng tiền đứng trên sự liêm chính, đứng trên lẽ công bằng, sẽ có nguy cơ phá vỡ trật tự và luật pháp. Nếu không ngăn chặn văn hóa phong bì, thì đồng tiền không còn phục vụ con người, mà đồng tiền quay lại tha hóa con người!
Người dân phải sử dụng văn hóa phong bì khi thụ hưởng dịch vụ hành chính công, đồng nghĩa một bộ phận xã hội đang bị thất thoát niềm tin vào sự tử tế của cộng đồng và sự uy nghiêm của thể chế. Một khi khái niệm “có tiền mua tiên cũng được” phổ biến như kim chỉ nam cho mọi hành động, thì bất kỳ sự ô trọc hoặc sự đồi bại nào cũng có thể xảy ra. Để xóa bỏ văn hóa phong bì trong một sớm một chiều không hề đơn giản. Muốn có sức đề kháng trước cơn xâm thực đầy hiểm họa của văn hóa phong bì, thì có hai điều không thể không tiến hành song song: thứ nhất phải đảm bảo chế độ lương bổng cho những người hoạt động trong lĩnh vực hành chính công, thứ hai phải minh bạch các khoản thu dịch vụ và giám sát khắt khe.
Nhìn về tương lai, đã đến lúc phải thận trọng nhắc nhau: văn hóa phong bì là lực cản của văn minh Việt Nam!
Tuy Hoà