(Toquoc)- Mặc dù còn một số vấn đề nhưng về cơ bản, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch phát triển tốt.
(Toquoc)- Mặc dù còn một số vấn đề nhưng về cơ bản, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch phát triển tốt.
Trong buổi trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Tuấn Anh đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại của ngành và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục. Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mặc dù còn một số vấn đề, nhưng về cơ bản, các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch phát triển tốt.
Kiên quyết chống “chặt chém”du khách
Vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra là tình trạng “chặt chém”, chèo kéo, đeo bám du khách xảy ra ở địa điểm du lịch trên cả nước và lặp đi lặp lại nhiều lần, chất lượng sản phẩm du lịch bất cập, thiếu đồng bộ, khó lôi kéo du khách trở lại, làm thế nào để hạn chế những bất cập đó?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhìn nhận để phát triển du lịch, cần đi từ chiều rộng đến chiều sâu, cái chính là phải quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Theo Bộ trưởng, tình trạng “chặt chém” tồn tại đến giờ có những nguyên nhân chính: phối hợp liên ngành chưa tốt; chưa kiểm tra giám sát sát sao những điểm du lịch có nguy cơ “chặt chém”; mức độ phạt còn nhẹ, sắp tới sẽ kiến nghị tăng mức xử phạt tình trạng chặt chém.
Cần có sự nhận thức và hành động của người dân và tiến tới thành lập Hiệp hội chống chặt chém vì "còn tình trạng chặt chém thì làm sao thu hút du khách" - Bộ trưởng khẳng định.
Cần có sự nhận thức và hành động của người dân và tiến tới thành lập Hiệp hội chống chặt chém vì "còn tình trạng chặt chém thì làm sao thu hút du khách" - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.
Trước câu hỏi của đại biểu Đào Xuân Yên - Thanh Hoá, những biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng về tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách vừa qua khiến cử tri thấy chưa yên tâm. Với trách nhiệm của mình Bộ trưởng có giải pháp như thế nào để sớm chấm dứt tình trạng trên?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn thừa nhận, với vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng cũng có trách nhiệm giải quyết. Bộ đã và sẽ đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn hiện tượng này. “Chúng ta mong muốn hình ảnh du lịch Việt Nam luôn luôn trong con mắt của mọi người là một hình ảnh hết sức tốt đẹp. Thế nhưng đâu đó vẫn có những hình ảnh phản cảm như thế này. Với trách nhiệm của ngành chủ quản, chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt, nhưng rất mong các địa phương cũng tham gia tích cực để giải quyết tình trạng này. Đó là hàng loạt các vấn đề đặt ra như chúng tôi đã trình bày ở trên, phối hợp liên ngành, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, có cơ chế chính sách và đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền”.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, nhiều lúc có một sự việc, chúng ta làm được nhiều nhưng mà nói ít, ngược lại, chỉ có một số vụ việc nhưng lại nói nhiều lên, thông tin như vậy có nên chăng!
Trước ý kiến của nhiều đại biểu về hiện tượng chèn ép khách, chéo kéo du khách đang ảnh hưởng tới chất lượng ngành du lịch, hạn chế sự phát triển của ngành, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn thừa nhận, với vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng có trách nhiệm giải quyết. Bộ đã và sẽ đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn hiện tượng này. Trong đó, cần tích lũy kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của mọi người đối với du lịch. “Tôi nói ví dụ chặt chém thế này thì vấn đề mình đặt ra là người dân ở đó thế nào, công tác tuyên truyền, quảng bá ở đó ra sao. Thanh Hóa vừa rồi có chiến dịch bàn tay sắt, họ xử lý hàng loạt cán bộ ở đó. Họ có đường dây nóng của công an, lực lượng quản lý thị trường, môi trường, nếu có vấn đề gì thì du khách gọi điện, nhân dân thì thành lập Hiệp hội chống chặt chém. Đó là vấn đề nhận thức và hành động của chúng ta”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề cảnh sát du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ghi nhận vấn đề này và cần có ý kiến từ Bộ trưởng Bộ Công An, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Trong lúc chưa có cảnh sát du lịch thì đề nghị đội cảnh sát trật tự tham gia cùng ngành du lịch trong những vấn đề bảo vệ an toàn cho du khách.
Lấy bài học kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh, có lực lượng thanh niên xung phong bảo vệ du khách ở 30 điểm. Bộ trưởng đề nghị, ở những vùng du lịch trọng điểm, nếu có điểm đen về du lịch, nên áp dụng biện pháp lắp camera để nắm tình hình và mở đường dây nóng để khách du lịch thông tin.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách là tình trạng cấp bách cần phải xử lý, nhưng đó không phải là tình trạng phổ biến, du lịch Việt Nam vẫn có một hình ảnh tốt trong con mắt của du khách. “Trong chiến lược du lịch 2015, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.
Tin tưởng tổ chức tốt ASIAD
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) cho rằng, số tiền 3000 tỷ để tổ chức ASIAD lần thứ 18 năm 2019 là khá lớn trong giai đoạn hiện nay. Sau khi kết thúc ASIAD sẽ sử dụng cơ sở vật chất như thế nào, liệu có để lãng phí?
Đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hoá) cũng đề nghị Bộ trưởng đánh giá, sau Seagame 23 tổ chức tại Việt Nam, việc quản lý, sử dụng phát huy các công trình như các trung tâm thi đấu, các nhà thi đấu thể dục thể thao ở các địa phương.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Việc Việt Nam trở thành nơi đăng cai ASIAD 2019 là sự kiện không chỉ bà con cử tri chúng ta mọi người quan tâm mà các nước cũng quan tâm. Họ nhìn thấy những năm qua thể thao Việt Nam có những bước phát triển, chúng ta đã từng đăng cai Seagame 2003 và Indoor Games - thể thao châu Á trong nhà. Tại các lần đăng cai đó, thành tích của thể thao Việt Nam cũng rất ấn tượng. Khi khảo sát việc này họ thấy cơ sở hạ tầng về thể dục, thể thao tương đối tốt. Khi chuẩn bị cho Seagame 2003 chúng ta đã đầu tư sân vận động quốc gia Mỹ Đình, các công trình thể thao của Hà Nội, bể bơi, các thiết kế thể thao khác và các địa phương.
Qua khảo sát của các chuyên gia của OCA tại các địa phương cho rằng, hiện nay chúng ta đã đáp ứng được 80% cơ sở vật chất tổ chức ASIAD.
Việc đăng cai không chỉ có ý nghĩa về chính trị và ngoại giao mà còn có ý nghĩa về kinh tế, ý nghĩa về văn hóa, nó tăng cường sự đầu tư của nhà nước cho thể thao cũng như mở rộng và đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng cũng như thể thao đỉnh cao.
Bộ trưởng cũng khẳng định: “Tôi tin rằng với kinh nghiệm của chúng ta đã tổ chức những lần Đại hội thể dục thể thao của Đông Nam Á và châu Á, thì sắp tới đây chúng ta sẽ tổ chức thành công ASIAD 2019”.
Bộ trưởng cũng đưa ra các biện pháp phát huy hiệu quả của các nhà thi đấu ở các địa phương như: mở rộng và tăng cường hơn nữa các loại hình thể thao và đặc biệt là thể thao vui chơi giải trí; tập huấn cho các huấn luyện viên, hướng dẫn viên; tăng thời gian sử dụng các công trình thể thao dành cho thanh thiếu niên.
Suy thoái đạo đức- cả xã hội phải vào cuộc
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) hỏi, trên nhiều lĩnh vực đạo đức xã hội đang xuống cấp, một số giá trị văn hóa của dân tộc ta đang dần bị xói mòn gây băn khoăn, lo lắng, bức xúc trong xã hội, Bộ trưởng có những giải pháp gì để góp phần xử lý thực trạng tình hình trên?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, văn hóa là lĩnh vực rất lớn. Vấn đề chống xuống cấp đạo đức thuộc trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, theo Bộ trưởng, phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Xây dựng cơ quan đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, phường đạt chuẩn văn hóa, mới đây là xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới…trong các tiêu chí đều là xây dựng tình làng nghĩa xóm, xây dựng văn hóa thể dục thể thao, đời sống lành mạnh...
Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) băn khoăn về vấn đề băng đĩa lậu, phim sex xuất hiện nhiều trên thị trường nhưng chưa khắc phục triệt để, Bộ có khó khăn gì trong việc xử lý vấn đề này và giải pháp sắp tới là gì?
Bộ trưởng cho biết Bộ đã chỉ đạo các Sở VHTTDL làm việc quyết liệt, hàng năm thu hồi hằng trăm nghìn băng đĩa lậu, xử lý, xử phạt nghiêm túc, "ví dụ trong bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn" có cảnh bạo lực, chúng tôi đã phối hợp rút giấy phép và không cho công chiếu phim này. Một năm, hơn 100 bộ phim nước ngoài được chiếu rạp, Hội đồng thẩm định phim của Bộ làm việc rất tích cực và hiệu quả" - Bộ trưởng nói.
Hiện Bộ đã hoàn thiện văn bản hành chính để tăng mức xử phạt về những vấn đề liên quan. Ngoài ra các nghệ sĩ ăn mặc hở hang, phản cảm cũng sẽ bị đình chỉ, cấm biểu diễn từ 3-6 tháng đối với hành vi này.
Những giải pháp để nâng cao việc giáo dục giới trẻ trong nhận thức về lịch sử, văn hóa, chống xuống cấp đạo đức, chống thông tin tiêu cực trên internet cũng được Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận bổ sung trong phiên trả lời chất vấn. Theo đó, nhiều chương trình giáo dục học sinh về lịch sử, về văn hóa dân tộc được phối hợp tổ chức giữa Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ VHTTDL. Trong thời gian tới, những đề án mới sẽ được thực hiện. Về phía Bộ Thông tin truyền thông, để ngăn chặn thông tin tiêu cực từ internet, Bộ trưởng Son cho rằng, sẽ nâng cao chất lượng nhân lực Công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất để có thể ngăn chặn được những server không tốt từ nước ngoài.
Hồng Hà