• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Văn hóa từ chối” quà Tết

Thời sự 05/01/2018 07:30

(Tổ Quốc) -Để tránh việc tặng quà trở thành những cuộc “đi đêm” hối lộ, việc tặng quà từ tự nguyện đã trở thành “nghiêm cấm”.

Quà Tết là cụm từ không còn xa lạ với mỗi người. Dường như việc biếu quà, tặng quà dịp tết đã có từ rất lâu và đã trở thành nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Quà Tết không chỉ dành cho các mối quan hệ trong gia đình như con cái với cha mẹ, người trẻ với người già… mà còn dành cho các mối quan hệ ngoài gia đình. Chẳng hạn như các đối tác làm ăn, thầy cô giáo, người thiếu may mắn, những người đã giúp đỡ  nhau trong công việc hoặc trong cuộc sống…

Thực tế, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán nhiều chương trình tặng quà cho người nghèo, người tàn tật, người có công được phát động rộng rãi khắp cả nước thể hiện sự chia sẻ, trân trọng biết ơn được hàng triệu người trong và ngoài nước hưởng ứng. Người tặng quà và người nhận quà với tinh thần “của ít lòng nhiều” đều cảm thấy ấm áp, thân tình hơn trong các mối quan hệ, không có vụ lợi toan tính ở đằng sau.

Thế nhưng gần đây một số vụ đại án được phanh phui, từ lời khai các bị cáo cho thấy trong dịp lễ, Tết là thời điểm để những món quà tiền tỉ được trao đi khiến nhiều người giật mình. Bởi quà ở đây không phải là thể hiện tấm lòng, sự biết ơn mà được đem ra cân đong đo đếm. Đi kèm với đó là những mục đích ngầm, lót tay, hối lộ… xin được đồng ý một hợp đồng béo bở, một chức danh cao hơn, và có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ mục đích của món quà tiền tỉ đó là gì.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Quà Tết, từ ý nghĩa tốt đẹp đã và đang có những biến tướng trở thành phương tiện hữu hiệu cho tệ nạn tham nhũng, hối lộ.

Thể hiện sự quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó không loại trừ cả việc biếu, tặng quà dịp lễ, Tết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc tổ chức Tết năm 2018, trong đó quy định: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết lãnh đạo các địa phương; các địa phương không chúc tết cấp trên và trung ương. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức… 

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố 3 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp tố cáo về tham nhũng, tiêu cực và tặng quà trái quy định.

Còn tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, ngày 28/12 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ quan điểm về việc biếu, tặng quà Tết: nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, yêu cầu lãnh đạo các địa phương không lên Hà Nội biếu xén…

Vì coi trọng giá trị tấm lòng của người tặng quà nên hiếm ai biếu, tặng quà xong mà người nhận giở ra xem ngay là quà có “mục đích” hay không, quà có trái quy định hay không để từ chối.

Việc biếu tặng quà Tết được hiểu là một sự tự nguyện nhưng giờ đây, đằng sau đó là những phức tạp nên đã trở thành “nghiêm cấm”.

Nghiêm cấm tặng quà có thể được hiểu như một lệnh cấm, nếu ai vẫn cố tình thực hiện thì sẽ vi phạm và khác với tính chất khi không nghiêm cấm tặng quà nhưng vẫn tặng và bị từ chối.

Nghiêm cấm tặng quà cũng có thể được hiểu là sự từ chối thẳng thừng của lãnh đạo cấp trên đối với việc tặng quà trong dịp lễ, Tết và ngầm nhắc nhở cấp dưới không nên mất công tặng quà.  

Tết Nguyên Đán mới chỉ cận kề, tại thời điểm này chưa thể đánh giá hiệu quả của những chỉ thị, quy định… trên nhưng đã thể hiện rõ quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về quà biếu, quà tặng trong dịp Tết tới.  Đây có thể xem là “văn hóa từ chối”.

Phòng, chống tham nhũng được ví như cuộc chiến chống giặc nội xâm đầy gian nan, vì vậy nếu không quyết tâm, sâu sát từ những điều nhỏ nhất, nhưng dễ có biến tướng trong bối cảnh hiện nay như việc biếu, tặng quà Tết thì sẽ khó lòng có được kết quả.  

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ