• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hóa ứng xử của người cao tuổi kế thừa truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc

Văn hoá 11/12/2022 08:26

(Tổ Quốc) - Văn hóa ứng xử của người cao tuổi trong gia đình cần được hình thành và xây dựng trên các tiêu chuẩn như: Truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc Việt Nam; Truyền thống coi trọng nghĩa tình; Truyền thống khoan dung...

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, dự báo đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số. Như vậy có thể thấy người cao tuổi đã và đang tăng về số lượng. Bởi vậy vai trò của người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng ngày càng được chú trọng. Trong đó văn hóa ứng xử của người cao tuổi có tác động không nhỏ đến các thế hệ trong gia đình cũng như xã hội. Nhất là hiện nay tuổi thọ của người cao tuổi ngày càng được nâng lên.

Văn hóa ứng xử của người cao tuổi kế thừa truyền thống văn hóa xứng xử của dân tộc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Mặc dù mô hình gia đình hạt nhân ngày càng được phổ biến và gia tăng. Những gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường ngày một ít đi nên mối quan hệ giữa ông bà, con cháu đã có những sự thay đổi nhất định để phù hợp với thực tế. Tuy vậy cốt lõi trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người, giữa thế hệ trước với thế hệ sau (ông bà với con cháu) cũng như ngược lại giữa con cháu với ông bà không thay đổi.

Theo TS. Nguyễn Thị Phương Lan (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) thì : Kính trọng người cao tuổi là nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam. Truyền thống ấy vẫn được gìn giữ. Trước đây, trong xã hội phong kiến, hiếu với cha mẹ và trung với vua được coi là những giá trị cùng phẩm cấp. Hiếu là giá trị cao nhất trong gia đình cũng như Trung là giá trị cao nhất đối với nước. Pháp luật nhà nước quy định tội bất hiếu ngang với tội bất trung. Trong gia đình truyền thống, giá trị hiếu đễ biểu hiện cụ thể ở thái độ kính trọng tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ, của bề dưới đối với bề trên, đồng thời cũng thể hiện quyền nhất định tối cao của cha mẹ đối với mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ngày nay, chữ hiếu được vận dụng sáng tạo hơn, không nặng nề như xưa mà chủ yếu là việc biết ơn cha mẹ, sự kính trọng và tình yêu thương chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ''. Do đó, cần thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng người cao tuổi như một thế hệ đã có nhiều công lao đối với đất nước và gia đình. Cần làm mọi cách để giảm đi sự cô đơn ở người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, tác động làm cho đời sống văn hóa tinh thần của họ ngày càng cao.

Văn hóa ứng xử của người cao tuổi kế thừa truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Trong gia đình hiện nay, người cao tuổi vẫn được kính trọng nhưng không còn quyền lực tuyệt đối như xưa nữa. Việc giảm vai trò về nhiều mặt của người cao tuổi là tất yếu khách quan trong sự vận động đi lên của xã hội. Sự bổ sung những giá trị vốn thiếu hụt trong văn hóa gia đình truyền thống như tính dân chủ, bình đẳng…Nay dân chủ và bình đẳng một mặt tạo nên mối quan hệ thân mật giữa các thế hệ và tạo điều kiện cho thanh niên phát huy mọi khả năng sáng tạo của mình, mặt khác, cùng với kinh tế thị trường, nó khiến cho quan hệ trong gia đình mang tính chất sòng phẳng. Mặt trái của kinh tế thị trường khiến cho nhiều giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp bị băng hoại. Tính cố kết gia đình bị giảm sút, các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn cùng với việc cái tôi cá nhân được đề cao và tư tưởng thực dụng, coi trọng vật chất là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng xuống cấp, băng hoại về đạo đức, lối sống, gây rạn nứt mối quan hệ gia đình như bất hiếu, bỏ bê không chăm sóc cha mẹ khi về già… TS. Nguyễn Thị Phương Lan nhận định.

Nhằm đề xuất một số tiêu chí văn hóa ứng xử của người cao tuổi trong gia đình hiện nay, TS. Nguyễn Thị Phương Lan cho rằng cần được hình thành và xây dựng trên các tiêu chuẩn: Truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc Việt Nam: tôn trọng gia phong, gia đạo, gia lễ; Truyền thống coi trọng nghĩa tình; Truyền thống khoan dung, nhân đạo, vỊ tha cao cả. Trong đó để xây dựng văn hóa ứng xử cần thực hiện các tiêu chí: Kính trên nhường dưới; Kính trọng, lễ phép; Hiếu thảo; Quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên; Chăm lo đời sống vật chất và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần. Trong đó để thực hiện hài hòa tiêu chí văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội, bản thân người cao tuổi phải tôn trọng, gương mẫu chấp hành quy tắc cộng đồng, phong tục tập quán, văn hóa, nội quy, quy chế và gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương, nơi cư trú. Bên cạnh đó, động viên con cháu gương mẫu thực hiện các phong trào của địa phương, gần gũi, chia sẻ, đoàn kết, giúp đỡ hàng xóm.

Nhị Xuân



*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ