(Tổ Quốc) - Văn hóa ứng xử có vai trò rất quan trọng trong đời sống và được hình thành từ rất sớm, trở thành nét văn hóa truyền thống được phát huy, lưu giữ, trao truyền từ đời này qua đời khác.
Tầm quan trọng của Văn hóa ứng xử
Văn hóa ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong hay một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội nhằm đạt kết quả tốt.
Theo TS. Lê Thị Bích Hồng: Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt Nam như: Sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương, hi sinh cho con cái, tôn trọng, hiếu đễ với cha mẹ, anh em… Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hóa đã tạo ra nề nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Từ đó hình thành những thói quen ứng xử căn bản trong đời sống xã hội.
Văn hóa ứng xử có vai trò rất quan trọng trong đời sống và được hình thành từ rất sớm, trở thành nét văn hóa truyền thống được lưu giữ, trao truyền từ đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác. Dân gian cũng từng đúc kết bằng những câu nói thể hiện văn hóa ứng xử: Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Hay chị ngã em nâng/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con… Văn hóa ứng xử giúp cho mối quan hệ con người với gia đình, với xã hội tốt đẹp hơn và đem lại những giá trị tích cực của cuộc sống.
Nhưng để có được văn hóa ứng xử thì sự hình thành đó phải được bồi đắp từ mỗi gia đình. Gia đình là nơi đầu tiên hình thành văn hóa ứng xử nền tảng cơ bản cũng như những tiếp biến cho mỗi người. Không thể nói rằng mỗi chúng ta có được văn hóa ứng xử tốt đẹp nói chung trong xã hội mà không bắt nguồn từ văn hóa ứng xử trong gia đình. Hoặc ngược lại một người được đánh giá là có văn hóa ứng xử trong xã hội không thể là người không có văn hóa ứng xử từ gia đình.
Văn hóa ứng xử trong gia đình được chú trọng quan tâm
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong gia đình, Năm 2017 Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với các mối quan hệ cơ bản trong gia đình ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm bồi đắp các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, củng cố ý thức pháp luật, nâng cao ý thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Bộ tiêu chí này đã được thí điểm tại một số địa phương từ năm 2019, 2020 được nhiều nơi hưởng ứng tích cực và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định.
Ngày 10/1/2020, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh trong năm 2020, ngành VHTTDL tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử, góp phần nhân lên cái tốt, đẩy lùi, ngăn chặn cái xấu, chống xuống cấp đạo đức xã hội.
Việc tiếp tục triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử gia đình cùng chủ đề văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình được chọn làm chủ đề trong ngày Gia đình Việt Nam năm 2020 là những hoạt động cụ thể, thiết thực thể hiện sự quan tâm, chú trọng vào văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa ứng xử trong gia đình nói riêng của ngành Văn hóa trong năm 2020.
Đề cập về một trong những giải pháp để xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình, theo TS. Lê Thị Bích Hồng, đó là xây dựng nên văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trong đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có thể có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình, giá trị cốt lõi của gia đình vẫn tồn tại. Trong đó những chuẩn mực về văn hóa ứng xử gia đình vẫn còn giá trị và tiếp tục được giữ gìn, phát huy, trao truyền cho các thế hệ sau. Gia đình vẫn là tế bào quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.