• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn học Ấn Độ ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XXI

04/09/2016 08:21

(Tổ Quốc)- Từ trước đến nay, nhiều tác phẩm văn học Ấn Độ đã được dịch, nghiên cứu, giới thiệu với đông đảo công chúng bạn đọc và được giảng dạy rộng rãi trong nhà trường các cấp.

 

(Tổ Quốc)- Từ trước đến nay, nhiều tác phẩm văn học Ấn Độ đã được dịch, nghiên cứu, giới thiệu với đông đảo công chúng bạn đọc và được giảng dạy rộng rãi trong nhà trường các cấp. Trên cơ sở tổng kết lại chặng đường 15 năm đầu thế kỷ XXI tiếp nhận, dịch thuật, nghiên cứu, nhấn mạnh các chủ điểm tiếp xúc Đông - Tây và quá trình hiện đại hóa văn học Ấn Độ, giới nghiên cứu có thể tập trung xác định các mối liên hệ, so sánh và đối sánh những tương đồng giữa Việt Nam - Ấn Độ khi nền văn học hai nước cùng từ quĩ đạo văn hóa - văn học phương Đông gặp gỡ với phương Tây và tiến tới phát triển trong xu thế toàn nhân loại. Việc khảo sát một cách hệ thống lịch sử quá trình dịch, giới thiệu, nghiên cứu, giảng dạy và học tập văn học Ấn Độ ở Việt Nam sẽ giúp bạn đọc hiểu biết và tiếp cận đầy đủ hơn những nẻo đường hợp tác và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt - Ấn trên nhiều lĩnh vực văn hóa - văn học khác nhau.



Một trang diễn tả Trận chiến Kurukshetra trong Mahabharata (ảnh wikipedia)



Nhiệm vụ xác định thành tựu, diện mạo và đặc điểm tiến trình tiếp nhận văn hóa - văn học Ấn Độ ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI chí ít cần bao quát được hai nội dung cơ bản: Xác định số lượng tác phẩm văn học đã được dịch và nhận diện các công trình giới thiệu, nghiên cứu văn học Ấn Độ ở Việt Nam qua 15 năm (2000-2015).

Trên thực tế, những người dịch văn học Ấn Độ gặp khó khăn lớn bởi đất nước có bề dày truyền thống văn hóa - văn học này hiện còn sở hữu tới 22 ngôn ngữ chính thức và tác phẩm được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, trong khi số người Việt Nam có thể trực dịch bằng ngôn ngữ bản địa lại không nhiều. Nối tiếp các mối quan hệ tốt đẹp trước đây, việc tăng cường giao lưu văn hóa - văn học và phát triển ngành Ấn Độ học đã giúp đội ngũ dịch thuật và nghiên cứu văn học Ấn Độ ngày một đông đảo, vững mạnh hơn.

Nhìn lại đoạn đường 15 năm có thể thấy việc dịch tác phẩm văn học Ấn Độ được triển khai trước hết từ việc tiếp nối, bổ sung, nâng cao qua việc tái bản cũng như dịch mới hai bộ sử thi vĩ đại Ramayana, Mahabharata. Từ nhiều thập kỷ trước, hai bộ sử thi này đã được dịch, giới thiệu rộng rãi và được giảng dạy trong nhà trường ở Việt Nam. Bước sang thiên niên kỷ mới lại xuất hiện thêm công trình dịch thuật Sử thi Ấn Độ vĩ đại Mahabharata và Chí tôn ca (2004), trong đó có phần giới thiệu nội dung và đặc trưng nghệ thuật… Điều đặc biệt là tác phẩm của Rabindranath Tagore (1861-1941), nhận giải Nobel văn học 1913, đã được dịch một cách hệ thống với đủ các thể loại thơ ca, truyện ngắn, kịch, luận thuyết… Ngoài ra, bên cạnh nhiều bản dịch và giới thiệu tác giả, tác phẩm in báo, tạp chí, bước đầu đã xuất hiện sưu tập Truyện cổ Ấn Độ (hai tập, 2001) và những hiện tượng đặc biệt như các tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swarup (2009) hay Ba chàng ngốc của Chetan Bhagat (2014) từng được chuyển thể thành phim ở Ấn Độ cũng kịp thời đến với bạn đọc Việt Nam… Toàn bộ hiện tượng dịch thuật trên cho thấy hoạt động dịch thuật văn học Ấn Độ đã có bước tiến mạnh mẽ nhưng cần được mở rộng hơn nữa, ở tất cả các phạm vi tác giả, tác phẩm, thể loại và các giai đoạn, từ thời cổ đại, trung đại đến hiện đại và đương đại.

Nếu như công việc dịch thuật là điều kiện tiên quyết, tạo nên phần “bột” thì hoạt động nghiên cứu lại có ý nghĩa là quá trình tiếp nhận, chuyển hóa “nên hồ” trong nhận thức của đông đảo công chúng bạn đọc. Có thể thấy các công trình nghiên cứu văn học Ấn Độ ở Việt Nam 15 năm qua thể hiện trước hết ở ngay các mục bài khảo cứu, tổng luận, giới thiệu ở đầu sách; chẳng hạn nhà nghiên cứu- dịch giả Đỗ Thu Hà trong phần mở đầu sách Truyện ngắn Ấn Độ (2004) đã nêu nhận định khái quát từ bình diện tác giả, nội dung và hình thức 28 truyện ngắn, mối quan hệ truyền thống và hiện đại, “tính chất giáo huấn và tình huống mang tính chất nhân văn”, “văn học ngôn ngữ bản địa và và văn học tiếng Anh”, cho đến các tiểu luận nghiên cứu, các chuyên luận, giáo trình và hệ thống các luận án, luận văn…; Phan Thu Hiền trong Thi pháp học cổ điển Ấn Độ (2006) nhấn mạnh ở phần kết luận: “Sáng tác văn chương nghệ thuật là để truyền đạt bản chất tinh thần ẩn khuất dưới thế giới hiện tượng. Nghệ sĩ, trong quá trình sáng tác, vì vậy, căn cứ vào trực giác hơn là chỉ quan sát hướng ngoại. Người nghệ sĩ phải tu dưỡng để trở thành trong sạch, vươn tới hòa nhập với bản chất tinh thần của thế giới và cuối cùng, thể hiện nó qua chất liệu nghệ thuật. Trong những điều kiện cơ bản cho thành công của nhà thơ, người nghệ sĩ thi pháp học Ấn Độ, do đó, nhấn mạnh Pratibha - tài năng, năng lực tưởng tượng sáng tạo, đặc biệt là tài năng thiên bẩm, cái gia tài tinh thần được tích luỹ qua những trải nghiệm, ấn tượng từ những kiếp sống trước… Thi pháp học cổ điển Ấn Độ toát yếu đặc tính của văn chương nghệ thuật Ấn Độ thời cổ điển nói riêng, văn chương nghệ thuật truyền thống phương Đông nói chung, (khác biệt so với phương Tây): nhấn mạnh xúc cảm, trữ tình chủ quan hơn là phản ánh “bắt chước” khách quan; nghiêng về khơi gợi, ẩn ý hơn là trình bày, miêu tả trực tiếp; và đặc biệt dụng công trau chuốt những hình thức diễn đạt”… Thêm nữa, nhà nghiên cứu Phạm Phương Chi trong chuyên khảo Cảm thức nghệ thuật trong sử thi Ramayana (2015) đã vận dụng lý thuyết thể loại sử thi và các khía cạnh cảm thức nghệ thuật hiện diện trong tác phẩm, từ đó đan kết thành tuyến vấn đề rồi phân loại và xác định tính chất, đặc điểm thế giới nghệ thuật trong tác phẩm sử thi đồ sộ và độc đáo của Ấn Độ. Ưu điểm nổi bật ở đây là tác giả sử dụng được những tài liệu gốc, cập nhật giới thiệu một cách hệ thống những vấn đề cơ bản, cốt lõi, tươi mới, còn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam, chú trọng khai thác và vận dụng nguyên lý lý thuyết “Cảm nghiệm thẩm mĩ” (Rasa), “Cảm nghiệm thẩm mĩ Bi thương” (Karuna) “Cảm nghiệm thẩm mĩ Tình yêu” (Srngara), “Cảm nghiệm thẩm mĩ An bình” (Santa) và “Khơi gợi” (Dhvani) để xác định đặc điểm tư duy sáng tạo chi phối, làm nên tảng nền "cảm thức nghệ thuật" ở sử thi Ramayana...

Xin nói thêm, thực tế tiếp nhận, dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu đã xa gần ảnh hưởng, tác động tích cực tới sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam. Đơn cử trường hợp nhà văn Hồ Anh Thái (người từng có sáu năm làm việc ở Ấn Độ, 1988-1994) với ba tác phẩm được đánh giá cao trên văn đàn Việt Nam: tập truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước (1998); tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi (2007) và tập du ký luận thuyết xuất sắc Namaskar! Xin chào Ấn Độ (2008)…

Thực tế tiếp nhận văn học Ấn Độ ở Việt Nam qua 15 năm đầu thế kỷ XXI đã có bước phát triển mạnh mẽ và đang đặt ra những yêu cầu mới về việc đào tạo lực lượng và tổ chức dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu, giảng dạy theo nhiều đối tượng và phạm vi khác nhau. Bên cạnh nhiệm vụ đáp ứng các hoạt động giao lưu, tiếp nhận văn học mang tính thời sự cũng cần kịp thời tổng kết lại tiến trình lịch sử tiếp nhận văn học Ấn Độ ở Việt Nam, bao quát những ảnh hưởng từ cội nguồn văn học cổ đại, từ hệ thống sử thi, từ văn học Phật giáo đến văn học giai đoạn trung đại, cận - hiện đại và đương đại. Định hướng tổng kết lịch sử tiếp nhận có ý nghĩa “nghiên cứu sự nghiên cứu” này không chỉ giúp ngành Ấn Độ học Việt Nam xác định rõ hơn qui luật ảnh hưởng, tiếp nối, tiếp biến, phát triển của quan hệ văn học giữa hai nước mà cũng giúp học giới Ấn Độ nắm bắt đầy đủ hơn nguồn tài liệu, bằng chứng mức độ lan tỏa và vai trò của “người môi giới văn học” Việt - Ấn…

Nguyễn Hữu Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ