(Tổ Quốc)- Vì quan tâm đến phát triển kinh tế mà nhiều năm nay có những địa phương ít quan tâm đến xây dựng văn hoá. Sự thiếu hụt của đội ngũ sáng tạo kế thừa là lẽ tất nhiên…
(Tổ Quốc)- Văn học là bộ phận quan trọng hình thành một nền văn hoá. Văn hoá xuống cấp dẫn đến đạo đức xuống cấp, gây nên bao hệ luỵ cho xã hội. Vì quan tâm đến phát triển kinh tế mà nhiều năm nay có những địa phương ít quan tâm đến xây dựng văn hoá. Sự thiếu hụt của đội ngũ sáng tạo kế thừa là lẽ tất nhiên…
Cuối tháng 7/2016, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai vừa mở trại sáng tác trẻ. Các bạn trẻ yêu thích sáng tạo trên các lĩnh vực VHNT được quy tụ về đi tham quan mô hình nông thôn mới, các di tích lịch sử, văn hoá, thắng cảnh trong tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và giao lưu với đoàn nhà văn trẻ đến từ TP.HCM. Đây là một nỗ lực đáng khích lệ của những người tổ chức trong điều kiện khó khăn về kinh tế và lực lượng sáng tác trẻ.
Đoàn nhà văn trẻ TP.HCM giao lưu với Trại Sáng tác VHNT trẻ tỉnh Đồng Nai 7/2016
Đồng Nai là tỉnh rộng lớn nhất miền Đông Nam Bộ, từng được biết đến với nhiều tên tuổi trên văn đàn như Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn... Sau năm 1975, Đồng Nai cũng lần lượt xuất hiện nhiều cây bút trẻ đáng chú ý, có người trụ lại trong tỉnh, có người về TP.HCM sống và tiếp tục sáng tạo. Nhờ sự nhiệt tình của nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải, nhiều lớp sáng tác văn học dành cho thiếu nhi cũng được mở ra hơn 20 năm qua, phát hiện và ươm mầm được một số cây bút học trò có năng khiếu và “nâng cánh” cho họ trở thành những nhà văn, nhà thơ đích thực.
Tuy nhiên, những năm gần đây VHNT Đồng Nai ngày càng thiếu hụt lực lượng sáng tác trẻ, nhất là văn học. Nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hoà - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đồng Nai cho biết việc mở trại sáng tác trẻ này được chuẩn bị công phu từ mấy năm nay nhưng gặp rất nhiều khó khăn về đội ngũ. Hơn 100 giấy mời đã gửi về các cơ quan, trường học địa phương và đích thân cán bộ Văn phòng Hội cũng đi tìm những bạn trẻ có năng khiếu, nhưng chỉ tập hợp được 32 bạn để mở trại sáng tác VHNT.
Trong số này, các bạn trẻ yêu thích văn học chiếm khoảng một nửa, nhưng chủ yếu mới tốt nghiệp phổ thông trung học, một vài bạn vừa tốt nghiệp đại học, mới chập chững viết, chưa có tác phẩm đáng kể. Tham gia trại duy nhất có một cây bút đáng chú ý là nhà văn trẻ Hạnh Vân đã xuất bản 1 tập thơ và 1 tập truyện, nhưng cũng không còn trẻ nữa vì đã 36 tuổi. Hạnh Vân là sự nối tiếp đàn chị Trần Thu Hằng, tác giả tiểu thuyết Đàn đáy nổi tiếng, nay đã ở tuổi tứ tuần và đang là Chánh văn phòng Hội. Tuy nhiên, cả nhà văn Trần Thu Hằng và Hạnh Vân cũng tâm sự rằng, vì lo công việc mưu sinh cho gia đình, mấy năm gần đây hai chị cũng không có nhiều thời gian dành cho sáng tác, nên không có tác phẩm mới.
Đồng Nai là tỉnh duy nhất ở miền Đông Nam Bộ hiện nay còn tồn tại một nhà xuất bản. Thời bao cấp, có nhiều sách văn học của các tác giả trẻ được NXB này đầu tư in ấn, góp phần động viên khuyến khích mạnh mẽ đời sống sáng tác văn học. Bước vào cơ chế thị trường, NXB Đồng Nai ngày càng “thu mình” lại, nay chỉ còn là một phòng của Sở Thông tin và truyền thông, phải tự chủ kinh phí, việc chủ động đầu tư xuất bản sách rất ít, sách văn học càng hiếm hơn, nên tác phẩm các tác giả trẻ trong tỉnh cũng khó “chen chân” vào.
Với một tỉnh có truyền thống văn học như Đồng Nai còn thiếu hụt lực lượng sáng tác văn học trẻ, các tỉnh còn lại ở miền Đông Nam Bộ cũng chẳng mấy lạc quan. Đời sống văn học ở hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước thường im ắng, hiếm thấy các cây bút trẻ xuất hiện để lại dấu ấn. Sôi động hơn một chút là Tây Ninh, với những cố gắng mở trại sáng tác và ra mắt cho các tác giả trẻ, nhưng số lượng và chất lượng vẫn chưa cao, có thể kể đến hai cây bút nữ Phạm Thuỳ Trang và Trần Nhã My nhưng tuổi đời cũng gần 40.
Đáng kể hơn là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mấy năm qua xuất hiện một số cây bút trẻ đáng chú ý như Vũ Thanh Hoa, Hoa Níp, Văn Thành Lê, Trịnh Sơn, Đoàn Trọng Hải, Bùi Đế Yên, Châu Hoài Thanh… nhưng có người tuổi đã xấp xỉ trên dưới 40, nghĩa là không còn trẻ nữa. Trong đó, hai cây bút ở lứa tuổi 30 là nhà thơ Trịnh Sơn đã rời quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu ngược ra xứ Nghệ quê vợ là nhà thơ trẻ Võ Thị Phương Thuý để mưu sinh, còn nhà văn trẻ Văn Thành Lê cũng vừa lên TP.HCM đầu quân cho NXB Kim Đồng chi nhánh phía Nam. Một cây bút tài năng khác vừa bước qua tuổi 30 là Hoa Níp thì bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời cuối tháng 5/2016 vừa qua, để lại những trang bản thảo chất lượng được bạn bè tập hợp xuất bản thành tập thơ Bao giờ đến được cánh đồng và tập truyện ngắn Nàng là nước Mỹ.
Nhà thơ Lê Huy Mậu - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trăn trở rằng việc tìm những cây bút trẻ có năng lực để kế thừa rất khó. Có người vừa làm được vài bài thơ hay viết vài truyện ngắn đọc được thì bỗng dưng biến mất, lao vào cuộc mưu sinh. Có lẽ cái danh nhà văn, nhà thơ thời kinh tế thị trường không còn thu hút giới trẻ bằng các thế hệ cha anh. Tình yêu sâu nặng và sự bền bỉ với con đường văn chương ngày càng hiếm hoi.
Ai cũng biết VHNT nói chung và văn học nói riêng không thể trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng những tác phẩm thực sự có giá trị chính là tài sản văn hoá vô giá của một địa phương, đất nước. Văn hoá xuống cấp dẫn đến đạo đức xuống cấp, gây nên bao hệ lụy cho xã hội. Vì quan tâm đến phát triển kinh tế mà nhiều năm nay có những địa phương ít quan tâm đến xây dựng văn hoá. Sự thiếu hụt của đội ngũ sáng tạo kế thừa là lẽ tất nhiên. Muốn văn hoá phát triển, ngoài năng khiếu và nỗ lực tự thân của người sáng tác thì còn cần sớm có sự quan tâm của các cơ quan chức năng bằng những chương trình hành động cụ thể về đầu tư, hỗ trợ khuyến khích sáng tác, xuất bản và quảng bá tác phẩm. Miền Đông Nam Bộ với hạt nhân là Đồng Nai vốn giàu truyền thống văn hoá, nhất là văn học, hy vọng sẽ sớm có đội ngũ sáng tác trẻ đủ mạnh để nối tiếp các thế hệ cha anh.