(Cinet)- Trong 10 năm qua, bức tranh văn học, nghệ thuật Thủ đô khá đa sắc, sôi nổi, đổi thay từng ngày, cũ - mới đan xen, hòa nhịp với khu vực và thế giới. Nhưng, nhìn ở tầng sâu, chúng ta vẫn thấy sự bề bộn, dang dở, những hạn chế nhất định, đặc biệt là khi chiếu theo mục tiêu mà Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (Nghị quyết 23) đã đề ra như về sáng tạo tác phẩm đỉnh cao, xây dựng đội ngũ, quảng bá tác phẩm...
(Cinet)- Trong 10 năm qua, bức tranh văn học, nghệ thuật Thủ đô khá đa sắc, sôi nổi, đổi thay từng ngày, cũ - mới đan xen, hòa nhịp với khu vực và thế giới. Nhưng, nhìn ở tầng sâu, chúng ta vẫn thấy sự bề bộn, dang dở, những hạn chế nhất định, đặc biệt là khi chiếu theo mục tiêu mà Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (Nghị quyết 23) đã đề ra như về sáng tạo tác phẩm đỉnh cao, xây dựng đội ngũ, quảng bá tác phẩm...
“Đỏ mắt” tìm đỉnh cao
Năm 2009, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội phát động cuộc thi sáng tác điệu nhảy, múa cho cộng đồng, thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia. NSƯT Như Bình, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội khi ấy, xác định, đó là việc không dễ dù nước ta có truyền thống văn hóa đặc sắc. Cho đến nay, đã có những tiết mục được trao giải, được phổ biến trong trường học, công sở, câu lạc bộ, nhưng chưa điệu nhảy nào xứng đáng là đặc trưng của Việt Nam với sự sống động, gắn với sinh hoạt cộng đồng như Lăm-vông, Chachacha, Tango của các quốc gia khác…
Những tác phẩm văn học, tiết mục nghệ thuật tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc thường xuyên đến với công chúng. Ảnh: Anh Tuấn
|
Trong các lĩnh vực từ văn học, điện ảnh, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc, số lượng tác phẩm mới ra đời đều đặn, chất lượng đồng đều và có xu hướng đi lên. Theo Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật (VHNT) Hà Nội, mỗi năm, các hội viên cho ra đời hơn 3.000 tác phẩm, trong đó, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng của trung ương và thành phố. Tuy nhiên, đa số văn nghệ sĩ Thủ đô thừa nhận chúng ta có quá ít tác phẩm đỉnh cao cũng như tác giả tiêu biểu cho giai đoạn này. Đây không chỉ là nỗi trăn trở riêng của Hà Nội, mà là mối lo chung của cả nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng: “Nền VHNT muốn phát triển thì cần có tinh hoa. Người hội tụ được tinh hoa phải có tình yêu nước sâu đậm. Chúng ta có một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu, nhưng không có nhiều tác phẩm đỉnh cao, tinh hoa, vươn tầm thế giới”.
Một câu chuyện khác có thể kể ra đây, liên quan tới Hội Âm nhạc Hà Nội. Đó là hội chuyên ngành hiếm hoi duy trì buổi sinh hoạt chuyên môn hằng tháng với sự góp mặt của các nhạc sĩ tài năng như Phạm Tuyên, Nguyễn Tài Tuệ, Trương Ngọc Ninh, Nguyễn Cường, Đức Trịnh, Giáng Son, Lê Minh Sơn…
Tháng nào cũng có hơn chục ca khúc được thẩm định bởi những người có chuyên môn cao, nhưng không có nhiều tác phẩm tỏa sáng trong đời sống. Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT Hà Nội Nguyễn Văn Trực có lần tiếc nuối: “Chúng ta đang lãng phí những tài sản có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, trong khi lại để cho âm nhạc làng nhàng, thiếu chiều sâu, chạy theo thị trường lấn át”.
Cần phải thừa nhận là một số hạn chế đã được chỉ ra trong nội dung Nghị quyết 23 hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đâu đó vẫn xuất hiện những tác phẩm thiếu thẩm mỹ, ý thức; hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều vào chức năng giải trí. Trong âm nhạc ngày càng nhiều “thảm họa”, bài hát có ca từ nghèo nàn, nhảm nhí lan tràn. Lĩnh vực mỹ thuật vẫn còn những triển lãm gắn mác “đương đại” mà tác phẩm, màn trình diễn như “đánh đố” người xem. Công tác lý luận, phê bình vẫn vậy, chưa theo kịp sự phát triển của VHNT và chưa tương xứng với vị trí, vai trò quan trọng…
Nhìn từ yếu tố con người
Trước tiên là về đội ngũ văn nghệ sĩ, đa số chủ động, tích cực sáng tạo, đóng góp vào dòng chảy chung của đời sống VHNT. Nhưng, một số người còn hạn chế trong tiếp cận, nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận được ý nghĩa, chiều sâu, tính phức tạp trong bước chuyển của Thủ đô và đất nước giai đoạn hiện nay. Có văn nghệ sĩ xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo những đề tài nhỏ nhặt. Có người nhận thức cực đoan, chỉ tô đậm những mặt đen tối, tiêu cực, dễ bị thế lực thù địch lôi kéo, trở thành công cụ truyền bá tư tưởng sai trái…
Điều gây cảm giác day dứt là trong đội ngũ vẫn còn những người không muốn dấn thân vào đời sống đang từng ngày chuyển động, và vì thế, tác phẩm thiếu hơi thở thời đại, không thể hiện được tính dẫn dắt, dự báo.
Những năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý VHNT đã có tiến bộ rõ rệt về chuyên môn. Nhiều sản phẩm văn học, chương trình biểu diễn thiếu lành mạnh, phản cảm, có nội dung đi ngược với lợi ích chung của Thủ đô và đất nước đã được kịp thời ngăn chặn. Song, đôi khi, đội ngũ này thiếu sát sao, quyết liệt, để một số sản phẩm kém chất lượng lọt ra đời sống, ảnh hưởng đến sự thụ hưởng VHNT của công chúng.
Bên cạnh việc quan tâm phát triển số lượng, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ như tạo cơ chế tuyển dụng người tài, vinh danh văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến, đề nghị xét tặng các danh hiệu cao quý cho người làm nghệ thuật… Tuy nhiên, văn nghệ sĩ vẫn “cấn cá” khi hoạt động trong lĩnh vực mang tính đặc thù nhưng hưởng chế độ như cán bộ, công chức bình thường.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nêu vấn đề: Văn nghệ sĩ có mấy ai sống được bằng nghề, hầu như toàn “tay trái” nuôi “tay phải”. Họ hoạt động chủ yếu bằng đam mê và ý thức cống hiến, ghi dấu trong cuộc đời. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, nếu cứ để tình trạng này kéo dài, lực lượng văn nghệ sĩ sẽ hao mòn.
Vấn đề được nhấn mạnh trong Nghị quyết 23 là bồi dưỡng, đào tạo văn nghệ sĩ đã được thành phố quan tâm hơn. Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội liên tục đổi mới công tác đào tạo, tăng cường hoạt động thực hành cho học sinh, sinh viên qua các chương trình biểu diễn, triển lãm, giao lưu...
Tuy vậy, điều kiện để thầy và trò thực hành nghệ thuật như sân khấu, xưởng vẽ, thư viện… còn thiếu, lại chưa đạt chuẩn nên việc nâng cao chất lượng đào tạo chưa có bước tiến lớn. Nhiều sơ sở đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ khác của Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô tuy cũng rất cố gắng đổi mới giảng dạy, đào tạo, song cũng chưa "tiếp sức" được nhiều cho chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ của Thủ đô.
(Còn tiếp)
Theo hanoimoi.com.vn