(Toquoc)- Văn học Việt Nam lại “thỉnh thoảng” khơi lên đề tài “nữ quyền” rất rôm rả, nhất là các nữ nhà văn và các nhà phê bình trẻ. Thế nhưng, ngược lại, nhiều nhà văn lại tỏ ra không quan tâm tới cái gọi là văn học nữ quyền và cho rằng chúng ta chưa có văn học nữ quyền.
(Toquoc)- Văn học Việt Nam lại “thỉnh thoảng” khơi lên đề tài “nữ quyền” rất rôm rả, nhất là các nữ nhà văn và các nhà phê bình trẻ. Thế nhưng, ngược lại, nhiều nhà văn lại tỏ ra không quan tâm tới cái gọi là văn học nữ quyền và cho rằng chúng ta chưa có văn học nữ quyền.
Văn học viết về phụ nữ và văn học nữ quyền
Trước hết, văn học viết về phụ nữ, chọn phụ nữ làm trung tâm trong tác phẩm văn học là quyền của người cầm bút. Đây không phải là đặc quyền của riêng phụ nữ. Tất cả mọi người khi sáng tác, nếu muốn, nếu thấy phù hợp thì tự sắp đặt “giới tính” cho đứa con tinh thần của mình. Có chăng, nếu tác giả là phụ nữ thì phần nhiều trong sáng tác của họ các nhân vật chính là nữ. Bởi một điều dễ hiểu, tác giả viết về cái mình thuộc nhất, gần gũi, gắn bó với mình nhất. Thực tế, trong các tác phẩm văn học có không ít nhà văn nam viết về phụ nữ khá thành công, có thể kể đến như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều…
Trong các nghiên cứu về văn học được công bố cũng chỉ ra rằng; “Ở Việt Nam vấn đề phụ nữ được quan tâm từ khá sớm, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, năm 1907 trên Đăng cổ tùng báo đã có mục Nhời đàn bà như một diễn đàn của phụ nữ”.
Văn học Việt Nam, các giai đoạn, từ văn học truyền miệng đến văn học chữ viết cũng đều ghi nhận đối tượng được phản ánh và chủ thể sáng tạo là nữ. Theo nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp,cho dù là tiếng nói hồn nhiên nhất, ít bị áp chế bởi tính quy phạm nhất, văn học dân gian vẫn xác nhận vai trò kẻ mạnh của đàn ông so với đàn bà. Sang đến văn học trung đại “đã bắt đầu xuất hiện những tài danh văn học là nữ giới như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan và đặc biệt là Hồ Xuân Hương”. Đặc biệt bắt đầu từ sau 1986, cho đến nay, văn học xuất hiện đông đảo các cây bút nữ tên tuổi đóng góp cho văn học Việt Nam và được thừa nhận như: Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Ngọc Tư…
Nếu cho rằng, văn học viết về phụ nữ không phân biệt chủ thể sáng tạo và đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến phụ nữ như sự yếu đuối, uỷ mị, mơ mộng đến bùng nổ, nổi loạn…thì chắc hẳn văn học ở nước nào cũng có. Liệu những biểu hiện này có được coi là văn học nữ quyền không?. Hay đó chỉ là dấu hiệu, là sự manh nha của văn học nữ quyền? Và để được gọi là “văn học nữ quyền” phải có những đòi hỏi riêng?
Nhà phê bình Trần Thiện Khanh, trong “Kháng cự tình trạng mất tiếng nói” đã chỉ ra: “Chỉ khi nào nữ giới xuất hiện như một chủ thể ngôn từ, chủ thể thẩm mỹ, chủ thể trải nghiệm, chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn học thì khi đó mới có văn học nữ. Và chỉ khi nào phụ nữ sáng tác như một chủ thể - tác nhân chống lại sự tỏa chiết của nam quyền, sự đặt định, kiến tạo của nam giới về tính nữ; phủ nhận kiểu diễn ngôn giả tạo, gán ghép và thiên kiến “đàn bà là…”, công khai chống lại sự nhào nặn hình ảnh người nữ trong nền văn minh của đàn ông; đòi hỏi phải đặt đàn ông thành một vấn đề cần được nhận thức lại và diễn giải lại… thì khi đó mới có văn học nữ quyền…
Văn học nữ quyền là thứ văn học kháng cự lại tình trạng mất tiếng nói của nữ giới (trước nhiều vấn đề bị cấm kỵ, trong đó có vấn đề tình dục một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Nó cho thấy địa vị của nam giới không vững chãi và không thể cứ phủ mãi một lớp huyền thoại về nam tính; tính nữ không phải là cái gì tất định, tiên thiên, bất biến. Nó khẳng định nữ giới là một cá nhân tự mình, cần sống cho mình, tự công nhận mình như đàn ông đang sống, đang làm; thậm chí sống độc lập, tự chủ về mọi mặt và không cần đàn ông, chứ không phải sống vì người khác, cho người khác, theo người khác, phục vụ người khác, không thể sống mãi trong tư cách “là người đàn bà thực sự” như đàn ông đã kiến tạo, ấn định, tuyên truyền hoặc đợi đàn ông thừa nhận/ hợp thức hóa”.
Câu hỏi là liệu có một tiêu chí nào đặt ra, một nền văn học phải có bao nhiêu tác giả, bao nhiêu tác phẩm đề cập đến nữ quyền mới được thừa nhận là văn học nữ quyền?. Văn học nữ quyền ở Việt Nam có đặc điểm gì giống và khác với văn học nữ quyền trên thế giới. Đặc điểm nào nổi bật, có thể nhận ra ngay đó là văn học nữ quyền của Việt Nam? Thì hình như chưa có ai đề cập đến một cách thấu đáo và thuyết phục.
Tranh cãi về văn học nữ quyền
Nhiều nhà văn - những chủ thể sáng tạo tác phẩm văn học tỏ ra khá “buồn cười” với khái niệm “văn học nữ quyền”. Họ cho rằng chúng ta cứ kêu gọi bình đẳng giới trong xã hội nhưng lại chia ra thứ “văn học nữ quyền”. Không cẩn thận, việc phân chia này vô hình chung là một sự “phân biệt giới tính”. Cũng giống như việc định danh tên gọi công việc chung của những người làm nghề viết văn là Nhà văn, nhưng một số nhà văn là nữ giới lại được thêm chữ “nữ nhà văn” mà không hẳn nhà văn nào cũng hài lòng.
Nếu đã có “văn học nữ quyền” thì cũng phải có “văn học nam quyền” và ti tỉ thứ văn học gắn với các “quyền” khác. Văn chương, đơn giản chỉ có hay và không hay. Ngay cả nhà văn cũng vậy, ngay cả khi cầm bút viết tác phẩm, họ chỉ nghĩ làm thế nào để tác phẩm hay, lôi cuốn người đọc… từ đó xác lập nhân vật chính nên là ngôi thứ mấy, giới tính nào cho hợp lý, cho thuận, thậm chí là cho đa dạng, chứ không lẽ cả đời viết văn nhân vật trung tâm chỉ mãi… là phụ nữ/ hoặc đàn ông! Và không ai, hoặc có nhưng rất hiếm nghĩ đến chuyện phải viết thế này hay thế khác để được coi là văn học nữ quyền.
Như vậy tác phẩm được xếp vào thứ văn học nào là chuyện đến sau, là chuyện của các nhà lý luận phê bình, còn với nhà văn, có vẻ như là… không cần thiết lắm.
Còn về phía các nhà lý luận phê bình thì đưa ra các ý kiến có phần trái ngược nhau. Cuối năm 2012, Viện văn học có tổ chức toạ đàm Văn xuôi nữ trong bối cảnh Việt Nam đương đại, Trần Thiện Khanh cho rằng: “Ngày nay, có thể nói, là thời đại văn học nữ (quyền) bung ra, rộng khắp chưa từng thấy, là thời đại những tiếng nói đã mất bắt đầu trở lại, những tiếng nói trước kia bị đặt bên lề trở nên quan trọng, những tiếng nói của “kẻ Khác” vang lên giữa “thế giới của chúng ta”; thời đại phụ nữ bước vào văn học một cách tự tin, đàng hoàng và đầy thách thức: giờ đây tiếng nói trở thành một hành động (lựa chọn, chất vấn, phản kháng…) chứ không là một thân phận như trước kia. Bên cạnh những tiếng nói văn học nữ trong nước với sự tham gia của nhiều thế hệ còn có tiếng nói nhiều bè cộng hưởng của văn học nữ hải ngoại”.
Như vậy theo ý kiến của Trần Thiện Khanh, thì ít nhất tại thời điểm năm 2012, khi tổ chức Toạ đàm thì văn học nữ quyền đã xuất hi ện và đang trên đà phát triển, hiện nay là thời đại của văn học nữ.
Thế nhưng, trong bài trở lời phỏng vấn về liên quan đến văn học nữ quyền vào năm 2013, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái lại không ngần ngại đánh giá: “Trong nền văn học hiện đại thế giới, có một số nước có vấn đề nữ quyền rất rõ: Đấu tranh cho nữ quyền và những người phụ nữ khi viết văn thì họ ý thức về nữ quyền rất lớn và rất mạnh theo kiểu ý thức hệ phương Tây. Ví dụ như bà Simonne de Beauvoir - Pháp viết tiểu thuyết nhiều bộ mà bà đặt tên là “Nữ giới” tức là “Giới là phụ nữ”. Và trong tất cả tác phẩm của Mạc Ngôn viết về Trung Quốc thì phần ông viết day dứt nhất, kinh khủng nhất, khắc khoải nhất chính là số phận của người phụ nữ.
Nhưng ở Việt Nam, nền văn học Việt Nam hiện đại mặc dù được hiện đại hóa theo trào lưu của phương Tây và dùng chữ quốc ngữ để viết thì rõ ràng có một hiện thực không thể phủ nhận được là: có rất nhiều nhà thơ và nhà văn hiện đại nhưng việc thành công của họ không phải là thành công gắn chặt với ý thức nữ quyền”.
Mới đây, trên báo Văn nghệ số 14 năm 2014, trong bài: “Các lý thuyết nghiên cứu văn học và tính khả dụng” nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Dân đã đưa ra một luận điểm rất đáng lưu ý: “Ở phương Tây, phong trào nữ quyền thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, như việc đòi quyền tham gia chính trị của phụ nữ mà ở nhiều nước hiện nay vẫn chưa được quan tâm thoả đáng. Còn trong văn học, phong trào nữ quyền ở phương Tây hiện nay chủ yếu thể hiện ở việc phát hiện, phục hồi và quan tâm đến tác phẩm của các nhà văn nữ. Vậy ở Việt Nam thì sao? Chúng ta có vấn đề nữ quyền trong một số lĩnh vực xã hội, nhưng trong văn học thì như thế nào?... có phải cứ viết về phụ nữ thì là văn học nữ quyền không? Có phải cứ nghiên cứu về phụ nữ trong văn học thì là phê bình nữ quyền không?”. Nguyễn Văn Dân tiếp tục khẳng định: “Thực tế là phải có vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ thì chúng ta mới có thể nói tới nữ quyền trong văn học. Hiện nay ở nước ta mới chỉ có giới thiệu các bài viết của nước ngoài về nữ quyền mà chưa thấy nói văn học nữ quyền ở Việt Nam là gì. Phải chăng vì nó không có vấn đề nên người ta không nói ra được. Mà không có vấn đề thì không thể nghiên cứu được. Nếu không xác định được vấn đề thì việc nghiên cứu nữ quyền trong văn học cũng chỉ là gắn một cái nhãn mới cho những công việc vẫn làm lâu nay, hoặc là du nhập vấn đề nữ quyền của phương Tây vào nước ta một cách gượng ép. Cái đó trong khoa học người ta gọi là “nguỵ vấn đề”. Từ nguỵ vấn đề đến nguỵ khoa học chỉ là một bước nhỏ. Đó là điều rất cần cân nhắc kỹ lưỡng”.
Ý kiến thẳng thắn của nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Dân có thể sẽ khiến những nhà lý luận phê bình quan tâm đến văn học nữ quyền lâu nay nghiên cứu một cách cẩn trọng hơn, thực tế hơn.
Hiền Nguyễn (tổng hợp)