• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn học Việt Nam năm 2017, nhìn từ giải thưởng và sự kiện

Văn hoá 15/02/2018 11:02

(Tổ Quốc) -Nếu coi sự kiện văn học là “bề nổi” thì giải thưởng văn học phần nào phản ánh chất lượng bên trong của văn học năm 2017. Vì vậy, với điểm nhìn văn học Việt Nam năm 2017 từ giải thưởng, sự kiện hi vọng sẽ mang đến một góc nhìn cho độc giả bức tranh văn học năm đã qua.

Nhìn từ Giải thưởng

Riêng về giải thưởng văn học, một năm có rất nhiều giải, từ giải của các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương đến Hội Văn học nghệ thuật địa phương, giải của Hội xuất bản, giải của Bộ, ban, ngành, giải của các tạp chí chuyên ngành văn học… Nhưng tựu chung lại, có 3 giải thưởng văn học từ 3 Hội Nhà văn được dư luận chú ý hơn cả, đó là giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội và giải thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do để dư luận quan tâm nhất đển 3 giải thưởng của 3 Hội kể trên bởi đây là những Hội văn học có ảnh hưởng lớn nhất, có sự bao quát lớn nhất, có số lượng nhà văn đông nhất cả nước. Không những thế, giải thưởng của “hội chuyên ngành” quy tụ nhiều nhà văn nổi tiếng làm nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” lâu nay được đánh giá là nơi uy tín, có trọng lượng để đánh giá chất lượng văn học.

Hội Nhà văn Việt Nam tổng kết và trao giải thưởng văn học năm 2017

Điểm lại các giải thưởng văn học năm 2017 thì thấy, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tác phẩm Bóng người trong bóng núi của Lê Thành Nghị, cuốn Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây của Phùng Văn Tửu đều thuộc thể loại lý luận phê bình. Và cuốn Khổ vì trí tuệ, kịch thơ của Aleksandr Griboedov, bản dịch của dịch giả Lê Đức Mẫn thuộc thể loại văn học dịch. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao giải sự nghiệp văn học, giải cống hiến.

Còn giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017 gồm: Tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân; Phê bình, đối thoại văn học: Trang sách mạch đời của Phạm Khải; Tác phẩm dịch: tiểu thuyết Búp bê của Boleslaw Prus, văn học Ba Lan, Nguyễn Chí Thuật dịch. Cùng với đó Hội Nhà văn Hà Nội cũng trao tặng thưởng cho tác phẩm đầu tay.

Sang đến Giải thưởng của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh thì chỉ có duy nhất một tác phẩm được trao giải chính thức cho tập nghiên cứu lý luận phê bình “Văn chương phương Nam một vài bổ khuyết” của hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy. Cũng dịp này, một số tác phẩm được trao tặng thưởng.

Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh trao giải thưởng. Ảnh: nhavantphcm.com.vn

Như vậy, nhìn vào các giải thưởng văn học kể trên có thể thấy những điểm chung của văn học năm nay là sáng tác "lép vế" nhất so với các chuyên ngành khác. Không có bất cứ một tập thơ nào được giải chính thức, dù trong các chuyên ngành của văn học: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và văn học dịch thì dường như thơ là thể loại có số lượng xuất bản nhiều nhất. Điều này có thể do Hội đồng chấm giải khắt khe hoặc do chất lượng của thơ chưa đáp ứng được tiêu chí giải thưởng.

Còn văn xuôi thì trong cả 3 Hội kể trên cũng chỉ có một tác phẩm được giải.

Các tác phẩm được Hội Nhà văn Hà Nội vinh danh trong mùa giải 2016-2017

Một số năm gần đây, nhiều người nhận định lý luận phê bình có phần “lép vế” so với sáng tác. Tuy nhiên, nhìn vào giải thưởng văn học năm 2017 thì lý luận phê bình đã được đánh giá khá cao với sự hiện diện ở giải thưởng của 3 Hội Nhà văn lớn của cả nước.

Bên cạnh các giải thưởng chính thức thì các tặng thưởng hoặc giải thưởng (giải thành tựu, cống hiến, sự nghiệp...) không nằm trong hệ thống giải thưởng thường niên với mục đích ghi nhận cổ vũ, động viên người cầm bút cũng không hẹn mà gặp đều được xuất hiện trong mùa giải văn học năm 2017.  Đây là điều không quá mới trong các mùa xét giải, nhưng điều này thể hiện sự “có trước có sau” của người làm văn nghệ. Việc vinh danh giải thưởng thường niên không chỉ dừng lại ở một năm cố định với những tiêu chí khắt khe mà còn vinh danh tác giả để lại thành tựu trước đó và ghi nhận sự cố gắng của tác giả  trẻ, tác giả chỉ thiếu một chút nữa là được giải thưởng.

Nhìn từ sự kiện

Năm 2017, cùng với các chuyên ngành khác, các nhà văn, nhà thơ của chuyên ngành văn học đã được trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tại đợt này, các nhà văn nhà thơ như: Nguyễn Xuân Thiều, Trần Hữu Mai, Xuân Quỳnh, Thu Bồn, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý… và một số nhà văn, nhà thơ khác đã được vinh danh trong Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là một giải thưởng lớn ghi nhận những đóng góp của giới văn nghệ sĩ cho văn học nghệ thuật nước nhà. Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh sau khi trao cũng sẽ gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhà văn.

Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đã được trao trong năm 2017

Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức trong năm 2017 là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, văn nghệ sĩ nắm bắt thực tiễn, nhận diện các xu hướng vận động của văn học nghệ thuật hiện nay.  Hội thảo góp phần xây dựng luận cứ khoa học để đánh giá thực trạng, tìm định hướng đối với sự phát triển văn học, nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay, để từ đó có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành có cơ chế chính sách phù hợp trong công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Năm 2017 cũng đã diễn ra cuộc gặp mặt “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” với hơn 100 nhà văn tiêu biểu trong nước và các nhà văn Việt Nam sống tại 12 nước tham dự. Đây là sự kiện đề cao trách nhiệm xã hội, giúp gắn kết cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước, nhân văn, hướng thiện trong tinh thần đoàn kết dân tộc. Tạo cơ chế phối hợp gắn bó các nhà văn nước ngoài với Hội Nhà văn Việt Nam về sáng tác, công bố tác phẩm.

Cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”

Sau một thời gian gián đoạn, cùng với không ít “lời ra tiếng vào” dẫn đến nhiều hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội bị ảnh hưởng, cuối cùng năm 2017 Đại hội Nhà văn Hà Nội đã diễn ra. Đại hội Nhà văn Hà Nội đã thành công với sự đồng thuận cao khi các Hội viên đã bầu nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ làm Chủ tịch Hội. Các Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội hi vọng nhiệm kỳ mới hoạt động của Hội sẽ có thêm nhiều khởi sắc.

Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội. Đây là dịp để các nhà văn, bạn đọc, những người quan tâm đến văn học nước nhà có cơ hội nhìn lại một chặng đường 60 năm văn học đã đi qua. Nhiều thế hệ nhà văn đã trưởng thành gắn với các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, các dòng văn học ra đời, các khuynh hướng văn học xuất hiện... tất cả đã đóng góp vào nền văn học Việt Nam cả về số lượng và chất lượng. Dịp nhìn lại này cũng là để chỉ ra những thiết sót, hạn chế và những mong mỏi kỳ vọng của độc giả đối với văn học đương đại nước nhà.

Những câu thơ hay được thả lên trời trong Ngày thơ Việt Nam năm 2017

Cùng với các hoạt động kể trên, không thể không kể đến nhiều cuộc ra mắt sách, tọa đàm, hội thảo, các Hội sách, Ngày thơ… nhằm tôn vinh văn học, đời sống sáng tác, văn hóa đọc. Các hoạt động này đã góp phần giúp độc giả hiểu hơn về công việc, cũng như những chia sẻ của người cầm bút, để đến gần với tác phẩm hơn.  

Văn học năm 2017 đã khép lại, giải thưởng đã trao, các sự kiện đã đi qua. Mỗi người có một điểm nhìn khác nhau, còn đọng lại trong bức tranh văn học năm qua như thế nào là tùy ở cảm nhận, đánh giá của mỗi người. Tuy nhiên có lẽ điều quan trọng của một tác phẩm văn học là chịu được thử thách với thời gian và đáp ứng kỳ vọng của độc giả.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ