(Tổ Quốc) - Hai di tích Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn sắp được trùng tu lớn sau khi được điều chỉnh lại quy mô đầu tư.
Ngày 10/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp phiên thường kỳ cuối năm và xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó, có các Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh Thành Huế và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (giai đoạn 1).
Trước đó, tại Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 14/10/2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh Thành Huế. Dự án với quy mô gồm: Bảo tồn, tu bổ các hạng mục công trình trong khuôn viên tổng thể di tích như: Tam Quan; Nữ tường bao 4 mặt; Di Luân Đường; 2 nhà Học tả hữu; 2 nhà ở của các Giám sinh tả hữu và 2 Kiều gia tả hữu kết nối giữa nhà Học và 2 nhà ở của các Giám sinh; Nhà trù.
Bên cạnh đó, tôn tạo thích nghi với các hạng mục: Sửa chữa, nâng cấp nhà trực, bảo vệ; Sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh; Xây dựng Bãi đỗ xe cho cán bộ nhân viên; Sân đường, cảnh quan; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Phòng cháy chữa cháy; Chống sét. Tổng mức đầu tư dự án là gần 60,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác lập dự án, khảo sát, đánh giá chất lượng hiện trạng các công trình; các đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư dự án đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư với các nội dung: Thay đổi phương án tu bổ công trình Di Luân Đường từ tu bổ cục bộ sang tu bổ tổng thể; Bổ sung các hạng mục nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh và nội thất của Di Luân Đường, 2 nhà học Tả Hữu; Điểu chỉnh giảm hạng mục chống sét…
Với các nội dung trên, tổng mức đầu tư của dự án sau khi được điều chỉnh là hơn 108,6 tỷ đồng, tăng hơn 48 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã phê duyệt trước đó. Dự án sẽ được thực hiện trong năm 2025 và dự kiến hoàn thành sau 4 năm.
Trong khi đó, tại Nghị quyết số 102/NQ-HĐND ngày 26/10/2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 66 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Dự án có quy mô gồm: Phục hồi thích nghi toàn bộ công trình Văn Miếu chính điện rộng 830m2, với hệ tường móng xây gạch và các bậc cấp; Cân chỉnh hệ thống chân táng đá Thanh hiện trạng, mặt nền hoàn thiện lát gạch Bát Tràng men; Phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách cửa bằng gỗ; Phục hồi mái lợp ngói liệt men vàng và toàn bộ hệ thống giao giống trang trí;... Bên cạnh đó, tu bổ, phục hồi sân miếu, Đại Thành Môn, Kim Thanh Môn, Ngọc Chấn Môn, Văn Miếu Môn, bến thuyền; Tôn tạo cây xanh, cảnh quan cùng hạ tầng kỹ thuật liên quan.
Quá trình triển khai công tác lập dự án, khảo sát, đánh giá chất lượng hiện trạng các công trình; các đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư dự án cũng đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư với các nội dung như: Bổ sung hạng mục thiết bị nội thất, đồ thờ tự, nhà vệ sinh – hướng dẫn; Đề xuất cập nhật lại chi phí xây lắp đối với các hạng mục chính như Văn Miếu chính điện, Văn Miếu Môn trên cơ sở cập nhật lại đơn giá, định mức, khối lượng và suất đầu tư các công trình tương tự để đảm bảo tính khả thi của dự án…
Với các nội dung kể trên, tổng mức đầu tư của dự án sau khi được điều chỉnh là hơn 132,1 tỷ đồng, tăng hơn 66,1 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã phê duyệt trước đó. Việc trùng tu dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2025 và hoàn thành sau 3 năm.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là các dự án quan trọng, cấp thiết cần bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Ban thống nhất với nội dung UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, cân đối bố trí nguồn lực sớm triển khai thực hiện.
Được biết, Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn là những công trình tiêu biểu trong Quần thể kiến trúc Cố đô Huế. Việc sớm trùng tu đối với hai di tích này sẽ góp phần Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.