• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn minh trong việc cưới, việc tang tại Hà Nội: Bài 1 – Cần những điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống hiện nay

Văn hoá 22/11/2022 17:11

(Tổ Quốc) - Việc cưới, việc tang (hay còn gọi là hiếu, hỉ) là một trong những nghi lễ quan trọng của đời người và gia đình nào cũng có dịp trải qua. Để làm sao những công việc lớn của mỗi gia đình hài hòa, văn minh, không trở thành gánh nặng cho chính mình và cộng đồng là điều rất đáng bàn.

Từ chuyện đám cưới (hỉ) xưa

Mấy chục năm về trước ở các huyện ngoại thành Hà Nội, khi cuộc sống của nhiều gia đình trong những làng quê còn có một số khó khăn, vì vậy nhà nào có công có việc lớn như hiếu, hỉ thường phải tự tay làm hết mọi việc. Anh em họ hàng sẽ cùng chủ nhà sắn tay áo lo liệu, giúp đỡ nhằm giảm bớt kinh phí cũng khá cần thiết, thiết thực. Bởi vậy phương án được nhiều gia đình lựa chọn khi có đám cưới là tự dựng rạp, nấu cỗ.

Văn minh trong việc cưới, việc tang tại Hà Nội: Bài 1 – Cần những điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống hiện nay - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Và để cảm ơn anh em giúp đỡ thì không thể không có mâm cơm mời lại được. Vào những dịp này, anh em họ hàng thường được gặp gỡ tụ tập, chuyện trò, hỏi han trong lúc vừa nấu cỗ. Nhiều hoàn cảnh gia đình cũng được chia sẻ hơn về vật chất và tinh thần vào những dịp này. Anh em họ hàng có dịp quan tâm đến nhau hơn. Mỗi lần gia đình có việc là máu mủ ruột thịt thu xếp gác lại hết công việc để xúm vào chu toàn. Ai vì bận không đến được hay lý do bất khả kháng còn có phần ái ngại và có thể bị... điểm danh. Trong nhiều năm, lối sống này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của không ít người. Thậm chí nó trở thành một nét đẹp, đáng trân trọng của mối quan hệ gia đình dòng tộc nhiều đời.

Đám cưới diễn ra ít nhất 2 ngày. Hôm trước là cỗ bắc rạp (hoặc áp rạp) ăn uống tuy chưa linh đình bằng cỗ chính nhưng cũng phải 10-20 mân tùy gia đình có họ to hay bé, và cũng phải 5-7 món, huy động một lượng người không nhỏ nấu cỗ.

Tuy nhiên, cuộc sống thay đổi chóng mặt. Nếp ăn cưới thời xưa không còn phù hợp với cuộc sống đô thị hóa hiện nay nữa. Ngày xưa phần lớn người dân làm nông, gắn bó với ruộng vườn. Ruộng vườn thì chỉ bận lúc thu hoạch. Còn lại là những công việc tự do, đồng áng đơn lẻ, không làm hôm nay thì mai làm cũng chẳng sao. Vì vậy khi trong họ hàng có đám cưới, việc có mặt đông đủ để đi giúp đám, đi nấu cỗ chẳng phải quá khó khăn.

Hiện nay, ruộng hầu hết bị thu hồi, lớp trẻ đi làm công nhân, viên chức, công chức ở các khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà máy hay các cơ quan nhà nước. Việc được nghỉ để giúp đám cưới không đơn giản như xưa, trừ khi đám cưới đúng vào ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng ngay cả ngày nghỉ cuối tuần, việc phải đi trọn 2 ngày giúp đám cưới cũng khiến nhiều người cảm thấy càng mệt mỏi sau một tuần làm việc đã quá căng thẳng. Chưa hết, đi giúp đám cưới 2 ngày cuối tuần, ăn quá nhiều cỗ, nên thành ra cỗ chính cũng chả thấy ngon. Hội chứng "sợ cỗ" không chỉ kéo dài trong hai ngày cuối tuần mà còn phải tới nhiều ngày sau. Không chỉ mệt mỏi, quá tải mà kinh tế cũng tốn kém. Vì đi cỗ nhiều ngày, đông người thì tiền mừng đám cưới cũng không thể theo mức sàn chung được. Thành ra đám cưới ở quê nếu không có những thay đổi thì thật sự là nỗi sợ của khá nhiều người.

Đến chuyện đám cưới nay

Chị Huyền (Đông Anh, Hà Nội) từng chia sẻ, tôi ở thị trấn không có lệ ăn cưới dài ngày, chỉ ăn một bữa trong một khung giờ nhất định. Nhà chủ đám cưới thuê hết nên dù có là họ hàng thì tôi vẫn cứ ăn mặc đẹp và đến đón tiếp khách, mời họ uống nước, sắp cỗ, hỏi han và vẫn xúng xính gặp được họ hàng để hàn huyên. Nhưng tôi vẫn có một số họ hàng ở một số xã của huyện. Mỗi dịp có đám cưới được mời, tôi rất sợ. Vì lời mời đính kèm đến trước một ngày "trông nom". Những lúc thế này tôi phải chuẩn bị một bộ quần áo vừa đẹp để mặc đi đám cưới, vừa tiện để có thể bưng bê hay dọn dẹp, nhặt rau cỏ bất cứ lúc nào. Giày dép cũng phải chọn đôi thấp để còn "chạy cỗ". Tôi nhớ có tuần phải trực cơ quan một buổi không đến làm giúp cỗ được thì hôm sau vừa đến đám đã có một bà trong họ "trách khéo" rằng "sao hôm qua không đến?". Chưa kể, mẹ tôi cũng thường dặn là phải nhớ ai đã từng giúp đám cưới mình thì cố gắng mà thu xếp đến giúp lại khi nhà họ có việc. Có những lúc bận việc một trong hai ngày nghỉ, hay đám cưới vào những ngày thường, tôi không nghỉ được tôi thấy cũng áy náy và thực sự muốn nhận được cảm thông. Cũng có những lần tôi đi giúp đám cưới mà đến đấy chỉ bóc 2 củ tỏi là hết việc vì nhiều người đến giúp quá. Có người thì nhặt xong 2 mớ rau. Làm xong mấy việc vặt lại được mời ăn cơm trưa mà thấy thật ngại.

Văn minh trong việc cưới, việc tang tại Hà Nội: Bài 1 – Cần những điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống hiện nay - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Anh Thành cũng ở một huyện ngoại thành Hà Nội chia sẻ, anh lấy vợ ở nội thành, vợ quen ăn cỗ ở nhà hàng hoặc được nấu sẵn, không biết nấu cỗ ở quê. Vì vậy mỗi lần đi giúp cỗ quê vào 2 ngày nghỉ cuối tuần cũng nhăn nhó mệt mỏi. Vì vậy đến khi nhà có đám cưới anh đã quyết tâm đi đầu thay đổi. Anh thuê nấu cỗ hết từ đầu đến cuối, kể cả rửa bát. Họ hàng làng xóm đến đám cưới mặc quần áo đẹp, tha hồ chụp ảnh, không phải làm gì liên quan đến cỗ bàn. Đến giờ đội nấu cỗ sắp mâm sẵn, người đến dự đám cưới chỉ việc ăn và hàn huyên. Tiệc cưới tàn, phần đông giới trẻ rất hào hứng và thích với cách tổ chức đám cưới nhà anh Thành. Thế nhưng bên cạnh đó cũng không ít lời phàn nàn, nhất là những người già, quen nếp sống cũ. Họ bảo cỗ thì nấu cũng ngon đấy nhưng ăn xong vẫn thấy nó "thiêu thiếu cái gì đó" hay "hụt hẫng" thế nào ý. Các bà chỉ nói chuyện với nhau được dăm câu ba điều, nhìn thấy họ dọn bàn sạch sẽ thì cũng phải biết ý về chứ ngồi tiếp người ta lại bảo muốn ăn bữa nữa, cũng phiền phức. Hay quen ăn cỗ cưới 2 ngày với khoảng tầm 4 bữa giờ ăn có một bữa, cảm giác cỗ không được to.

Tuy nhiên anh Thành cũng cho rằng, các bà các mẹ ban đầu không quen nhưng cũng dần phải thích ứng với nếp sống mới trong việc cưới xin. Không thể nào vì năm xưa cưới mình mọi người đến giúp mà mình phải làm y như thế để họ có dịp đáp lễ. Hơn nữa còn đời con mình, cháu mình chắc chắn chúng còn bận rộn hơn nữa, không thể áp cách sống hồi xưa vào mãi được. Mình phải quyết tâm thay đổi. Và nếu nhà anh có tổ chức đám cưới nữa cũng vẫn tiếp tục tổ chức theo hình thức này. Anh Thành cũng tin dần dần thế hệ trước cũng sẽ cảm thông và theo kịp.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ