• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn, thơ “trắng giải” nhưng Hội Nhà văn khẳng định không mất mùa

Văn hoá 04/02/2018 17:00

(Tổ Quốc) -Đây là khẳng định của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam tại Lễ trao Giải thưởng và Kết nạp Hội viên năm 2018 diễn ra sáng 4/2 tại Hà Nội.

Thơ “trắng giải” dù số lượng tác phẩm dự xét đông nhất

Theo đó, năm 2017 có 75 tác phẩm văn xuôi của 75 tác giả được đọc xét trong vòng sơ khảo. Trong đó có 3 tác phẩm được lựa chọn đưa lên Ban chung khảo.

Thơ có tác phẩm gửi dự giải đông nhất, với 88 tác phẩm, nhưng lại chỉ có 1 tác phẩm có  có số phiếu quá bán được đưa lên Ban chung khảo.Còn dịch thuật có số lượng tác phẩm gửi về ban sơ khảo chỉ 13 tác phẩm nhưng lại có đến 2 tác phẩm vượt qua vòng loại được xét tiếp ở chung khảo.Cũng giống như dịch thuật, khi lý luận phê bình có 2 tác phẩm được xét tiếp ở chung khảo từ 20 tác phẩm của 19 tác giả ở vòng sơ khảo.

Kết quả cuối cùng, có 2 tác phẩm thuộc thể loại lý luận, phê bình (Bóng người trong bóng núi - Lê Thành Nghị; Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây - Phùng Văn Tửu) , 1 tác phẩm văn học dịch (Khổ vì trí tuệ, kịch thơ của Aleksandr Griboedov, bản dịch của dịch giả Lê Đức Mẫn) được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài ra Hội cũng trao Giải thưởng sự nghiệp văn học cho bộ tác phẩm viết cho thiếu nhi (gồm 18 cuốn) của nhà văn Vũ Hùng trong dịp này.

Nét mới trong việc xét giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay là nếu tác giả có tác phẩm tham dự Giải thưởng mà ở các Hội đồng chuyên môn thì sẽ rời khỏi các Hội đồng ngay từ đầu mùa giải, không tham dự ở bất cứ cuộc họp nào, không tham gia việc gì ở bất cứ khâu nào, trong suốt quá trình xét giải.

Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải cho nhà văn Vũ Hùng

Đặc biệt năm nay, để thật sự khách quan, ở Hội đồng chung khảo, ngoài 7 thành viên là các ủy viên Ban chấp hành, Hội Nhà văn còn mời thêm hai nhà văn đọc phản biện là nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Đây được coi  là hai nhà văn tinh nghề, có uy tín và đã được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Không những thế, trước khi xét giải Hội đồng chung khảo còn có phiên họp mở rộng mời 4 chủ tịch của 4 hội đồng trình  bày để bảo vệ những tác phẩm, tác giả mà mình đã đề xuất- đại diện Ban chung khảo Hội Nhà văn cho biết.

Với việc Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017 không có giải thưởng dành cho thơ và văn xuôi, Hội Nhà văn cho rằng đây là điều “rất lấy làm tiếc”. Tuy nhiên đại diện Ban chung khảo Hội Nhà văn cho rằng: Nếu ai nói chúng ta mất mùa vì không có tác phẩm xứng đáng thì cũng không phải. Nhưng khi đưa tác phẩm vào xét, đối chiếu với những tiêu chí hiện hành, thì tác phẩm đó vi phạm điều này, không thỏa đáng điều kia, dù tác phẩm đó vẫn thực sự gây được những ấn tượng nghệ thuật đáng trân trọng, ít nhất là trong thời gian một năm khi tác phẩm đó ra đời. Ví như có tác phẩm trước đó một năm đã được in ở một nhà xuất bản khác. Cũng có tác phẩm hấp dẫn và sâu sắc nhưng có người phát hiện trùng motip với một nhà văn ở nước ngoài.

Ngoài việc đáng tiếc như đã nói ở trên, Hội Nhà văn Việt Nam muốn các nhà văn khi có tác phẩm cần xét giải lưu ý để tránh những điều đáng tiếc tương tự xảy ra trong mùa giải tiếp sau.

Vẫn kiên trì giấc mộng văn chương với 30 năm làm đơn xin vào Hội

Chuyện làm đơn xin vào Hội Nhà văn lâu nay đã trở thành “giai thoại” dở khóc dở cười của không ít người cầm bút cả ở Hội Trung ương lẫn Hội địa phương.

Có người viết hàng ngàn trang sách, sở hữu không ít giải thưởng lớn, bé, thậm chí cả giải thưởng Nhà nước, làm đến Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hai khóa liền nhưng cũng mới trở thành Hội viên Hội nhà văn địa phương (Hội Nhà văn Hà Nội) như trường hợp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Có người thì viết đơn xin vào Hội từ khi tóc còn xanh, đến khi tóc đã bạc, trí nhớ đã xuống dốc không phanh, không còn nhớ mình từng viết đơn vào Hội, bỗng một ngày tên mình được kết nạp lại… ngẩn ngơ.

Toàn cảnh Lễ trao giải

Có người thì cứ cần mẫn chờ, không quên mình từng viết đơn xin vào Hội để hàng năm cứ đến ngày công  bố lại ngóng đợi vẫn chẳng có tên mình đâu. Hỏi ra mới hay hóa ra những người “cầm cân nảy mực” xét chọn lại cứ tưởng họ đã được vào Hội từ lâu rồi nên thấy tên xuất hiện thì dùng quyền “bỏ qua”. Vì thế mới có chuyện, riêng Hội Nhà văn có 5 mùa, 4 mùa theo thời tiết và 1 mùa kết nạp Hội viên.

Năm nay, Hội Nhà văn cho biết, tính đến tháng 2/2018 có đến gần 700 ứng viên, có người đã có đơn từ 30 năm trước. Tuy nhiên, với tình trạng Hội Nhà văn ngày càng có nguy cơ “già hóa” trầm trọng, đến mức nhà văn 40 tuổi vẫn thuộc dạng hiếm và thuộc nhóm trẻ nhất, nên năm nay Hội Nhà văn Việt Nam quyết cứu vãn tình trạng này bằng cách đặc biệt ưu tiên cho các tác giả trẻ. Vì vậy số lượng tác giả trẻ năm nay được Hội kết nạp đã cao hơn mọi năm.

Hội Nhà văn cũng nhấn mạnh việc xét kết nạp Hội viên căn cứ hàng đầu vào chất lượng tác phẩm, đồng thời kết hợp chặt chẽ với địa phương, với các Liên Chi hội và Chi hội trong việc xem xét các yêu cầu khác. Những tác giả được Chi hội, Liên Chi hội giới thiệu thì được tính thêm một phiếu.

Trong số danh sách các Hội viên được kết nạp mới có tác giả Nguyễn Trần Thiên Lộc là trẻ nhất, thuộc thế hệ 9x. Ngoài ra tác giả này cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình văn chương với cả bố, mẹ đều là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhìn nhận chung về việc kết nạp Hội viên trong những năm gần đây, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết các tác giả gần đây được kết nạp có mặt bằng văn chương không bằng các tác giả đi trước. Tuy nhiên, việc này đã kéo dài từ khoảng 30 năm nay rồi nên để “khắc phục” được, e rằng phải mất đến 15 năm.

 

 

 

 

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ