• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn xuôi Lữ Thị Mai giàu hình ảnh

25/06/2010 16:19

Lữ Thị Mai sinh năm 1988, hiện là sinh viên năm thứ 3, Khoa Sáng tác - Lí luận - Phê bình Văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Là một gương mặt thơ trẻ mạnh bạo, có nhiều tìm tòi thể nghiệm, thơ Lữ Thị Mai có cái nồng nàn mê mải của người yêu tìm chữ, có cái lo âu của người sợ gặp một bình minh rỗng nghĩa, một mùa nhàn nhạt nào đó trở lại.

Lữ Thị Mai cũng bước đầu thể hiện được cái duyên riêng, cách nhìn riêng trong những câu văn xuôi giàu hình ảnh của mình. Truyện ngắn, tản văn của Mai có thể xem như một góc tạo nghĩa khác cho cuộc sống, một cách định nghĩa về cái tôi nội cảm của chị. Cũng có thể nghĩ đến một điệu khác, giọng khác của một người giàu suy tư, nhạy cảm giữa nhịp sống hối hả ồn ào.

Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu chùm tản văn, truyện ngắn mới của cây bút trẻ này.

Ban biên tập


Đường đến Phiêng Lằm


Bóng đêm tràn xuống. Thung lũng Phiêng Lằm trở nên lặng lẽ hơn. Trên đám rẫy đầy gianh cỏ khô, tiếng lục lạc của trâu, của ngựa ăn đêm vẳng lại những thanh âm “lục khục” đều đều, tẻ nhạt. Người già thì ngồi mãi bên bếp lửa chập chờn, trẻ con túm năm tụm ba ngồi học dưới ngọn đèn được đốt bằng nhựa trám rừng khen khét, lúc tỏ lúc mờ. Chúng tôi đến Phiêng Lằm trong một đêm như thế.

Phiêng Lằm cách thị xã Bắc Kạn hơn 90 km đường rừng. Đến được đó phải vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, những khúc cua hiểm trở, những vực đá trắng lốp dựng ngược trong đêm, những tàng cây u oa tiếng chim lạ… Có lúc tai ù đặc, toàn thân tê cứng, mỏi nhừ mà “con chiến mã” vẫn ì ì kháng cự. Cứ đi mãi, đi mãi đến độ hụt hơi, cảm giác cả người cả xe bị đẩy xuống một vũng đen lặng ngắt. Đó cũng là khi chúng tôi ngơ ngác nhận ra thấp thoáng những nếp nhà gỗ tin hin lọt thỏm giữa lòng thung hoang vắng. Nơi đây, người Dao đỏ sống trong những nếp nhà gỗ đơn sơ, thoang thoảng hương rừng. Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên trời phú thì trong lòng thung lũng hoang vu có trên 30 nóc nhà này còn ẩn chứa nhiều bản sắc văn hoá dân tộc vùng cao vô cùng độc đáo như lễ “cấp sắc”, lễ hội “cầu mùa”, lễ “lập tịch”...

Mới sau tết âm lịch gần một tháng, vậy mà người dân nơi đây đã lại phải bắt nhịp với cuộc sống thường ngày đầy long đong chật vật. Ngày ngày, đàn ông thì lên rừng đốn củi, đàn bà thì quẩy gùi đi hái măng từ sớm tinh mơ đến tận lúc tối trời. Những đứa trẻ bản từ lâu đã không còn vận đồ dân tộc Dao nữa nhưng những bộ quần áo mua dưới chợ phiên cũng không đủ ấm, đủ lành. Dưới cái nôi đại ngàn này, chúng đã được sinh ra và lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ. Bố mẹ lên rừng, trẻ con chăm chút lẫn nhau, đứa lớn trông nom, bảo ban đứa nhỏ. Trên gương mặt ngây thơ nhem nhuốc củi than ấy chỉ có đôi mắt là trong veo, những đôi mắt như biết nói rất dễ gợi lên trong lòng người một niềm trắc ẩn.

Trường học của các em nằm cheo leo trên sườn đồi trọc ngay trên đoạn đường về bản. Gọi là trường nhưng thực tế đó chỉ là một căn nhà nền đất, ván ghép trông còn nhỏ bé hơn cả nhà dân. Lớp học thì lưa thưa vài chỏm đầu hoe vàng, học sinh ít đến mức cô giáo phải ghép 5 bạn lớp một với 2 bạn lớp hai vào chung một phòng học. Đứng ngoài hiên, nghe tiếng trẻ ê a tập đọc, nhìn những ngón tay cầm cây bút chì to quá cỡ vẫn miệt mài trên trang vở chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chẳng biết đến khi nào các em mới được học tập trong một môi trường tiện nghi hơn để mưa không đến mặt, nắng không đến đầu?

Cuộc sống vật chất khó khăn là vậy nhưng cộng đồng người Dao đỏ nơi đây lại có một đời sống tinh thần và tâm linh hết sức phong phú, độc đáo. Phải chăng, chính lòng tín ngưỡng đã giúp họ gây dựng niềm tin để đời này qua đời khác bám trụ với đất, với rừng?

Chính nơi đây, đất và người Phiêng Lằm đón tiếp chúng tôi bằng cả tấm lòng rộng mở, chan hòa như nước suối đầu nguồn, với những măng rừng, rau dớn, với nắm xôi nếp nương được nướng trên than củi quế thơm nồng, với món quà mộc mạc của núi rừng ấp iu trong tàu lá dong xanh và bằng cả mùa lễ hội tâm linh vô cùng độc đáo. Giữa lòng thung hoang vắng này, chúng tôi đã hòa mình vào nhịp sống cùng với những người Dao đỏ, những ngày không có điện sáng, không sóng điện thoại, không mạng Internet… Thế mới hay sức sống mãnh liệt và niềm tin của những con người đời đời bám rễ sâu vào rừng núi.

Lại băng qua nẻo đường đất ngoằn ngoèo, chúng tôi đã nghĩ về ngày mai và thấy thấp thoáng những khuôn mặt lam lũ của họ bừng lên một niềm tin vô hình dưới ánh đèn được đốt lên bằng nhựa trám rừng leo lét đỏ.


Hương sen đầu hạ


Cuối tuần, sau những giờ học trên lớp, những buổi tối bươn bả đi làm thêm, lại rủ rê mấy đứa bạn cùng nhau rong ruổi trên những con đường hun hút gió bụi Hà Thành với chất ngất niềm riêng tư, mỏi mệt thông thường của lũ sinh viên tỉnh lẻ. Qua hồ sen lá xanh nõn nà, hít hà mùi hương trong gió mơn man bất chợt thấy lòng mình trĩu lại. Ăm ắp nhớ thương.

Mới đầu mùa hạ, hồ sen vùng ngoại ô hãy còn nguyên vẹn một sắc màu non xanh như lòng trẻ dại cứ thoảng lên hương thơm rất đỗi mơ hồ. Một thứ hương thơm thanh khiết hoang vu tỏa ra từ những chiếc lá còn cuộn lại như phong thư sáng sáng mở bung khi ánh mặt trời loang trên hồ lấp lánh; hương thơm của từng búp sen mới nhú màu phớt hồng pha lẫn sắc xanh dè dặt mà mê man như cô gái quê vừa chớm tuổi dậy thì. Chẳng biết lòng mình có nhạy cảm quá hay không mà nhận ra hương thơm hồ sen đầu hạ mới thật lạ lùng. Cứ chập chờn như sương như mây, trong veo và mỏng mảnh.

Ngày xưa, trong câu chuyện mỗi buổi sáng mùa hạ của ông tôi thấp thoáng bóng dáng những linh hồn trinh nguyên trốn biệt dưới lá sen, mỗi khi người hái sen buông tay khỏa nước lại thảng thốt giật mình, chìm nghỉm. Thỉnh thoảng bắt gặp long lanh dưới đáy hồ. Ông tôi có thể ngồi với mấy người bạn già suốt buổi kể lể rất nhiều câu chuyện li kì hư hư thực thực về bí mật hồ sen lớn bên làng, về thú vui thưởng thức trà sen tao nhã, đòi hỏi sự cầu kì và tĩnh tâm…

Sao thấy luyến tiếc cho ngày ấy mình còn quá nhỏ chỉ ham đánh chắt chơi chuyền mà không mấy để tâm tới lời ông kể. Giờ đây, hồ sen quê tôi không còn là chung của cả làng. Hàng năm, người ta đua nhau đấu thầu nuôi cá. Rồi có kẻ mang những mảnh ván từ hòm người chết thả xuống hồ. Sen dần dần tàn lụi. Tháng ngày ấu thơ ngụp lặn thỏa thích dưới hồ mỗi trưa nắng gắt chỉ còn trong trí nhớ, ông tôi cũng ra đi mang theo câu chuyện dở dang như một bản nhạc chiều ngân nga, buồn rưng rức.

Trong bầu kí ức thoáng một chiều cuối đông, ở phòng có đứa bạn đi làm thêm về gặp mưa sốt hầm hập trong cơn mê sảng cứ đòi ăn món cháo giải nhiệt nấu bằng lá sen tươi cùng với gạo tẻ và bí xanh thái sợi. Khi cháo chín thêm chút đường và nhúm cốm xanh ngọc như vầng trăng khuyết nhỏ xinh rắc lên trên trông thật hấp dẫn. Lũ sinh viên nhìn nhau mà ngậm ngùi. Chưa đến mùa hạ biết tìm đâu ra lá sen với cốm bây giờ.

Hương sen đầu hạ trong veo thoang thoảng như một nỗi nghi ngờ, báo hiệu cho mỗi chúng ta nhất là những người sống xa quê mùi hương cốm mới. Để rồi hễ cứ thấy thấp thoáng bóng dáng người quê với chiếc đòn gánh cong vút lại xúm xít rủ nhau mua bằng được những gói lá sen xanh mươn mướt nhỏ xinh bao bọc những hạt cốm làng Vòng dẻo thơm. Cùng ngồi lại bên nhau dốc bầu kí ức, cùng lục tìm trong ánh nắng giòn tan một hương thơm quen thuộc khi nỗi nhớ quê trào ra khóe mắt từ khi nào không hay.


Người đi câu sóng Tây Hồ

“Người đi câu sóng Tây Hồ

Lan man mây nước vỗ bờ nghìn năm”

Có những buổi chiều, sương giăng trên Tây Hồ rất sớm. Từng dải sương như sợi tơ trời rớt xuống mặt hồ khiến cảnh vật nơi đây đẹp mà buồn u uất. Và dường như, trên khuôn mặt những con người đang tản bộ kia vẫn còn hằn nguyên bao nếp nghĩ suy thường nhật. Không biết đã bao lần ngồi lại nơi đây, chụm đầu vào tách cà phê không đủ sưởi ấm lòng tay, không biết đã bao lần, cứ lan man nhìn từng đợt sóng Tây Hồ mà chẳng thể gọi tên một góc khuất yêu thương nào đó.

Người Hà Nội, ai cũng có một thoáng thả hồn theo gợn sóng Hồ Tây như thực, như mơ, đôi khi không phân định ban mai hay hoàng hôn, hoàng hôn hay đêm trăng thanh vắng. Nhìn chiếc phao câu leo lét xanh rập rờn trên sóng nước, bất chợt nghĩ đến những kiếp người nặng nợ mưu sinh. Chiều chiều, họ buông câu để rồi chờ đợi. Nhìn đăm đăm vào từng con sóng nhấp nhô họ cũng đủ biết trời còn sáng hay đã tối. Khi thì họ câu lên những con cá dưới đáy lòng sâu bày la liệt, giãy đèn đẹt trắng xóa chợ chiều, cũng có lúc, cần câu lại eo sèo trở về nguyên vẹn, không dính một dấu vết cạm bẫy nào. Những con người ấy, những cuộc đời ấy, lặng lẽ bước qua hết cuộc mưu sinh này đến cuộc mưu sinh khác giữa lối đời bươn bả. Từng giờ khắc trôi đi, Hồ Tây phủ sắc cầu vồng lên mặt nước, lên cỏ cây và cả những kiếp người.

Người dạo mát đẩy đưa vài ba câu chuyện phiếm. Trong câu chuyện bên hồ, lại có người nhắc tới “thủ lĩnh” nổi tiếng trong giới câu cá Tây Hồ với câu: “Trước khi thả mồi hãy đặt mình vào địa vị con cá mà suy xét”. Hơn 20 năm nay, anh ta không nhớ nổi đã tóm được bao nhiêu “khủng long Hồ Tây”. Đêm đêm, “thủ lĩnh” ấy vẫn lôi lên bờ cả đống chép, trôi, rô phi, chim trắng, có những con cá chép cụ nặng đến 10kg. Nhưng vài năm gần đây, có khi anh ta ôm cần cả tháng cũng chẳng được con nào.

Trong tâm thức tôi lại dội về nhiều câu hỏi vu vơ. Chỉ một cái rùng mình cũng đầy ắp hồ nghi, quen thuộc cứ như đã từng bắt gặp trong một cơn mơ nào đó. Có khi nào, Tây Hồ chỉ còn sóng là sóng, liệu rằng lúc ấy có kiếp người nào đứng bên bờ buông câu nữa không?. Nếu ông tôi còn sống, ông sẽ lặng lẽ kể cho tôi nghe câu chuyện Lã Vọng câu cá ở bờ sông Vị chưa ra giúp việc đời.

Nhịp ca trù nghìn xưa như vọng về hòa nhịp vào muôn trùng sóng nước Tây Hồ: “Thả hồn mình bồng bềnh về cõi Phật, ta khói hương để khỏi chơi vơi. Hồn ta tĩnh lặng bên chiều vắng. Gió Tây Hồ thổi mãi rêu phong. Chiều như chậm rơi, chậm rơi, sóng bồng bềnh, bồng bềnh, Phủ Tây Hồ bâng khuâng huyền thoại. Chiều như cơn mơ vỗ về hồn ta bơ vơ”.

Chiều buông trên Tây Hồ như bản nhạc không lời da diết, muốn tự mình xếp lại một không gian, tự mình xây nên một tâm trạng đầy nhạc, một khoảng không gian tự do... giúp con người tìm về với đời sống tâm linh để cầu sự an tịnh trong tâm hồn. Có người dạo bên hồ đắm đuối một giấc mơ, những chiếc cần câu giật lên bờ những chùm sóng xanh rập rờn, lơi lả.


Khói rạ đồng quê

“Ai làm cho khói lên giời

Cho mưa xuống đất cho người biệt ly”

(Ca dao)

Tôi sinh ra trong buổi chiều tháng mười hút gió. Cha cõng mẹ tất tả băng qua cánh đồng ngun ngút khói rạ sau mùa gặt. Màu xanh bàng bạc của khói sương như làm con đường phía trước càng thêm xa xôi và mờ mịt, hơi khói hiu hắt bốc lên trời quyện vào hơi gió cay nồng phả ngược vào mắt cha. Rồi tôi cất tiếng khóc chào đời, hồn nhiên như cỏ cây mà lớn giữa những tháng ngày tuổi thơ quanh năm lam lũ với ruộng đồng, tôm tép.

Ngày ấy, khói rạ thân thuộc với những đứa trẻ quê mùa tới mức, sau những buổi chiều thả trâu ngoài đồng bãi và nhào lộn, lăn lê chơi trò đuổi bắt, hít hà quần áo mình, lại thấy mùi ngun ngún của rạ rơm, ngay cả mái tóc vàng hoe, cháy nắng cũng thoảng lên hương thơm ngai ngái của những ngọn cỏ khô, của những con muồm muỗm, cào cào vùi lẫn trong rơm rạ, trong veo bao tiếng cười trẻ quê không hề lo toan, vụ lợi.

Bà ngoại tôi vẫn ngồi bậc thềm gỡ từng hạt cỏ may ở gấu quần và lưng áo cho tôi. Tới lúc tối trời, mắt không còn nhìn rõ, bà bảo tôi đem cái quần dính đầy cỏ may vứt xuống gầm giường cho…con cóc tía nó nhặt giúp. Rồi đêm đêm, trong giấc ngủ khờ khạo của tôi lại ngun ngún khói đồng chiều. Mơ mãi về những trò rồng rắn lên mây, những hang chuột đồng, những con cào cào áo đỏ áo xanh, cả những lúc sơ ý trượt chân xuống vũng lầy mà trong giấc mơ cứ giật mình thon thót.

Từng mảng khói xao xác hồn quê hương sinh ra sau mùa vụ, báo hiệu những ngày không phải lo tới miếng ăn. Còn các cụ xưa cho rằng, khói rạ sẽ hun chết bớt một phần chuột bọ, sâu bệnh và tro rơm rạ cũng thành dưỡng chất chăm bón cho cây lúa vụ sau. Cái dư vị cay cay mà ấm nồng của những làn khói đồng ruộng theo thời gian bồi đắp thêm cho người dân quê niềm vui cày bừa, gặt hái để rồi ngay cả khi những giọt mồ hôi tuôn ra nhễ nhại cũng mặn mà một nỗi đợi mong, hi vọng.

Lại nhớ tới bóng dáng tảo tần của bà, của mẹ ta mỗi mùa rạ rơm:

“Mẹ ta chỉ có bếp ngồi

Lửa rơm khói rạ một đời lấm lem”.

Trong gian bếp vách đất ngày xưa, mỗi khi gặt hái xong lại líu ríu tiếng cười trẻ nhỏ, lại nghe tiếng nổ lép bép của những hạt thóc vàng còn sót lại trong mớ rơm mẹ đun bếp. Như bầy sẻ non, chúng tôi lụi cụi nhặt nhạnh gom vào vạt áo, đó mãi là một món quà kí ức tuổi thơ mà bây giờ, muốn ước ao có được, thậm chí chỉ trong giấc mơ, hình như cũng thành… xa xỉ!

Tuổi thơ ta đã lớn dần lên mà khói rạ thì ngày càng thưa vắng. Bỏ qua trò rồng rắn lên mây để chơi trò “con trai, con gái”, bỏ qua những con muồm muỗm cào cào béo ngậy để gom đầy tay những bông cỏ may tím ngát cuối mùa. Con đường làng như dải lụa vắt ngang qua cánh đồng nâng niu bước chân học trò nhảy lò cò chân sáo, nâng niu và luyến tiếc cả những vòng xe mải miết hướng về phố thị.

Bây giờ, đôi khi thấy nhớ quay quắt những củ sắn củ khoai vùi dưới lớp tro rơm rạ, chia năm sẻ bảy, cầm lên thổi “phù phù” ấm nóng cả lòng tay, trong lớp tro than hun đúc hồn vía quê mùa, khoai sắn ngả sang màu nâu và dậy mùi thơm lựng chứ không quá sạch sẽ tinh tươm một cách đáng ngờ như khoai sắn người ta rao bán ở phố xá bây giờ.

Ai mang về cho ta những sợi khói vương vít trong ráng chiều cháy đỏ, ai mang về mùa cỏ may lay lắt tháng mười? Giữa đô thị, mỗi khi nghe người ta “kết tội” khói rạ rơm bỗng thấy…chạnh lòng! Những sợi khói chân chất của đồng quê muôn đời cứ thật thà thế thôi, chẳng biết “ranh mãnh” lên một chút mà “bay cao bay xa” như…khói công nghiệp cho thiên hạ bớt lời ca thán, dèm pha!


Đầu làng có cây vông...

“Hoa vông rụng suốt đêm rằm

Tình là sợi mắc chim giăng ngang trời…”(*)

Anh bảo: “Em đừng nhặt hoa vông nữa”. Tôi vẫn bướng bỉnh: “Em nhặt hết lần này thôi, mở đường rồi người ta sẽ chặt cây vông...”. Đêm nay rằm, trăng soi sáng cả những đoạn đường làng mấp mô để lại những đốm đen lỗ chỗ trên mặt đất. Hoa vông rụng nhiều như chưa bao giờ rụng nhiều như thế. Anh thở dài. Anh cố đợi. Tôi vẫn dán mắt vào những cánh hoa đỏ thẫm xoè ra như những ngón tay.

Mẹ tôi giờ ở đâu? Tôi không biết. Chị tôi ở đâu? Đứa con trong bụng chị tôi ra sao? Tôi không biết. Tôi bình thản nhặt hoa vông không một mảy may.

Anh là người của đoàn kĩ sư giám sát việc thi công làm đường, có lẽ cây vông cổ thụ đầu làng chỉ làm chướng mắt anh. Anh muốn chặt nó sớm ngày nào hay ngày ấy. Mặc kệ! Tôi mặc kệ tất cả. Những cánh hoa vông nặng đi trên tay tôi. Tôi không sao hiểu nổi. Có thể đó chỉ là cảm giác. Bàn tay tôi như bị ghì xuống mặt đường, đầu óc bị thôi miên trong sắc đỏ. Hình như có máu, có máu đang rỉ ra qua kẽ tay tôi.

“Em đừng nhặt hoa vông nữa”. Anh nắm ghì lấy bàn tay tôi. Đôi mắt anh quắc lên như muốn nhắc tôi đó là mệnh lệnh. Tôi bướng bỉnh xòe rộng bàn tay hơn để nắm giữ những bông hoa…

Anh đi. Bóng anh khuất dần trên con đường dẫn về nhà ông trưởng thôn. Anh không đủ kiên nhẫn để đợi tôi. Anh bỏ mặc tôi với những cánh hoa định mệnh. Gió thổi mạnh hơn, thấy có cảm giác lành lạnh vuốt dọc sống lưng, mơn trớn bầu ngực căng tròn của tôi sau lớp áo cánh mỏng... “Ngày rằm chớ nhặt hoa vông, ma nó theo về nhà đó”, lời nói của nội tôi vẳng lại bên tai nghe ù ù buốt nhói.

Mặc kệ! Tôi vốn bướng bỉnh.

Trở về nhà, trên tay tôi không cầm một bông hoa vông nào nhưng tôi biết mình đã nhặt hết số hoa rụng trên mặt đường làng. Chỉ mình tôi biết. Tôi cất nó vào đâu. Không biết! Có thể cất trong cái gọi là bướng bỉnh kia.

*

Cha tôi ngồi ngoài hiên nhìn trân trân vào khoảng không trước mắt, chỉ có nắng, chỉ có gió và những sợi khói thuốc lào vất vưởng. Ông không nói gì cả. Chị Thu tôi đã đi rồi. Chị đi tìm người đàn ông ấy. Tôi nhớ lắm buổi chiều mùa hạ nhá nhem cha tôi cầm cái đòn gánh dứ dứ vào mặt chị mà đay nghiến: “Quân lăng loàn, mày lăng loàn hệt con mẹ mày. Cút!”. Bên kia hàng rào cúc tần có những cặp mắt xoi mói, những tiếng xì xào bàn tán. Rồi chị đi. Chị không mang theo gì ngoài mấy bộ quần áo cũ gói trong chiếc túi vải nhàu ố. Tôi đưa chị đến đầu làng nơi có cây vông đang trổ hoa đỏ như lửa.

- Chị định đi đâu?

- Không biết...

Tôi nhìn vào mắt chị, cặp mắt ướt át có những sợi lông mi dài và cong, nội tôi vẫn bảo: đó là cặp mắt đa tình và cả tin. Chị tôi đẹp, khuôn mặt chị đầy đặn, đôi môi hồng khi nào cũng như ấp iu điều gì lý thú lắm, mái tóc chị buông qua vạt áo hững hờ. Chị giống mẹ tôi, nhất là đôi mắt. Còn nhớ, ngày nhỏ hai chị em tôi dẫn nhau đi chơi người trong làng thường nhìn chị thở dài. Kẻ hiền lành bảo: “hồng nhan bạc phận”, cũng có người nguýt dài cạnh khoé: “Mẹ nào con nấy, đĩ một vành”.

Buổi chiều ấy, đôi mắt chị như có lửa, ôi chao là buồn. Lửa như cháy rần rật trong mắt chị. Như ngày còn bé thơ, chị dang rộng vòng tay choàng qua cổ tôi, hôn lên mái tóc vàng hoe khét nắng của tôi (câu phán đoán hội). Chị khóc. Từ nhỏ, hiếm khi tôi thấy chị khóc bao giờ. Gió từ cánh đồng thổi hun hút vây lấy tán vông bứt rụng những cánh hoa đỏ thắm. Chúng chao đảo rồi đáp xuống mặt đất và cuộn mình trong lớp bụi đường.

- Bao giờ chị về?

- Không biết...

Tôi nhìn xuống bụng chị. Cái bụng đã lộ rõ sau lớp áo màu xanh cánh trả. Cách đó hai hôm, nếu cha tôi không kéo tấm vải chị quấn quanh bụng xé toạc thì chắc tôi sẽ không thể biết cái thai nằm trong bụng chị đã được hơn bốn tháng. Tôi không mấy để tâm dù đôi lần bắt gặp chị đi từ bờ ao vào với dăm quả khế trên tay hay có những hôm đang may vá chị chạy nhoài ra giếng nôn thốc, nôn tháo. Chị đi, đôi chân chị nặng nề kéo lê trên mặt đường đất, gót chân nhuốm phèn vàng cạch, rạn nứt của chị hất lên những cánh hoa vông. Buổi chiều ấy sao mà nhiều gió...

*

Còn mồ ma nội tôi, bà nhai trầu chậm rãi rồi nhìn xoáy vào từng nét trên mặt chị tôi chép miệng lắc lắc mái đầu bạc trắng: “Thằng Lập nhà này vô phúc”. Lớn lên chút nữa, tôi mới biết chị không hề mang dòng máu của cha. Mấy gã hàng xóm đặt cho cha tôi cái biệt danh là “Lập ngố”, người ta bảo cha tôi ngố tới mức có hai đứa con gái không biết đứa nào là con mình. Quanh năm cha chỉ quần quật lo làm ăn, cha theo chuyến bè ông Tính đi buôn gỗ, mùa màng lại quay về đỡ đần vợ con. Mấy chuyện hàng xóm láng giềng đồn đại không phải cha không biết. Cha biết nhưng im lặng. Chiều chiều, ông lại nhâm nhi nỗi buồn với cút rượu suông, dăm điếu thuốc lào. Ông là người khó hiểu. Ngày mẹ tôi bỏ nhà đi theo người đàn ông hay đi cân gạo làng bên, cha cũng chỉ thở dài. Hai chị em tôi chạy ra đầu làng ngóng mẹ. Cha đứng sau lưng chị em tôi giọng nói chùng xuống nặng như chì: “Con Thu dẫn em về, con mẹ mày nó không về nữa đâu.”

Chị em tôi khóc đỏ mắt.

Ngay tối hôm ấy, cha lục dưới đáy chiếc hòm gỗ cũ một cái áo. Đã có lần mẹ tôi mang cái áo ấy ra hong nắng, mẹ kể đó là chiếc áo cưới mà bà nội dẫn mẹ đi bộ mất nửa ngày lên tận chợ huyện đo vải. Chiếc áo của mẹ màu đỏ hoa vông. Tôi chưa nhìn thấy mẹ mặc lần nào nhưng các cô tôi vẫn kể lại ngày cưới mẹ mặc chiếc áo ấy tôn lên nước da trắng bóc, trông mẹ lộng lẫy lắm…

Tôi đứng nép bên vách nhìn cha cầm chiếc áo trên tay, ông miết những ngón tay lên mặt vải, lên từng đường kim khâu. Rồi ông ấp chiếc áo lên lồng ngực trần đen bóng của mình mà khóc. Cha tôi khóc vụng về. Ông đưa những ngón tay thô kệch lên chùi nước mắt.

Ông tẩm dầu đốt cái áo cháy khét lẹt một góc sân. Tôi trở vào căn buồng ngột ngạt tối om, nhìn qua cửa sổ. Dưới ánh trăng sáng lạnh, bóng cha đổ dài trên mặt sân đất.

*

Tôi vẫn đi học. Trường cấp ba cách nhà gần hai mươi cây số. Từ ngày mẹ tôi theo người đàn ông ấy, chị Thu chửa hoang phải bỏ làng đi, tôi vẫn lủi thủi một mình đạp xe đi học trên con đường đất dẫn lên phố huyện. Mùa này hoa vông nở nhiều vô kể. Cây vông đầu làng tôi chẳng biết có từ bao giờ chỉ biết thân nó to đến mấy người ôm. Trên huyện người ta cũng trồng nhiều vông lắm nhưng chẳng cây nào to và rực rỡ như cây vông làng tôi. Cánh vông xoè ra hệt những ngón tay, khi hoa vông nở chẳng thấy lá đâu chỉ có những cành cây già nua sừng sững. Toàn hoa là hoa. Hoa như bén duyên trời cứ đỏ lay lắt trong ánh chiều chạng vạng. Đi học về, tôi thường dựng xe bên đường nhặt hoa vông.

Người trong làng vẫn rỉ tai nhau: Cây vông cổ thụ có ma đó. Ngày còn ở làng, mẹ cấm chị em tôi đi một mình qua cây vông vào giữa trưa nắng hay lúc đêm khuya. Mẹ sợ con ma tóc dài bắt mất hồn con gái. Lũ trẻ con chúng tôi lại thích kéo nhau sang nhà ông Muôn nghe chuyện ma trên cây vông. Ông Muôn không có vợ con. Đêm đêm ông xách đèn đi soi ếch. Ông kể, có đêm sáng trăng, ông đi qua đầu làng thấy cái gì nhồn nhột vướng víu trước mặt rất khó chịu. Ngẩng đầu lên xem thì đó là mớ tóc con gái đen nhánh xoã từ ngọn vông xuống chạm đất. Hoảng quá ông vứt cả đèn và giỏ ếch toan chạy thì nghe tiếng cười khanh khách vẳng ra. Sáng tinh mơ hôm sau, người trong làng đi chợ thấy ông ngủ gục dưới gốc vông mặt mũi tái nhợt, hai mắt mở trừng trừng nhưng gọi mãi không thưa. Mấy bác đi cày thuê đưa ông về nhà. Bà Nhung “đồng bóng” mặc áo cô hầu xanh đỏ, miệng i ỉ hát, tay cầm cành dâu vụt tới tấp lên khắp người ông Muôn. Căn nhà vốn chật chội của ông đông nghịt người và ngàn ngạt mùi nhang khói. Rốt cuộc ông cũng tỉnh. Người làng kháo nhau: Đêm ấy ông Muôn ngủ cùng con ma tóc dài. Sự tò mò tuổi ấu thơ dẫn dụ lũ trẻ quê nhem nhuốc trốn nhà men theo ngõ nhỏ hút sâu dẫn vào căn nhà rách nát xiêu vẹo của ông nghe kể chuyện.

Có lần cha tôi say rượu, ông vào buồng nhìn thấy mấy bông hoa tôi đặt trên bàn học mắt ông trợn ngược, vằn lên tia nhìn dữ tợn: “Mày vứt ngay cái thứ hoa vong tình ấy đi”. Tôi không đáp lại, mắt tôi nhìn xoáy vào mấy chiếc hoa vông mình nhặt ban chiều. Tôi muốn lật tung những cánh hoa đỏ lần vào lớp nhụy bên trong. Muốn xới cái nhìn để hiểu sao mình mê nhặt hoa vông đến vậy.

“Con kia, mày điếc hả?”. Ông quờ tay với cái phích nước ở góc nhà ném choang, nghe những âm thanh đổ vỡ, tôi biết ông đã ném tất cả những gì ông vớ được. Ông xông vào bóp mạnh hai bờ vai tôi lắc lắc. Bàn tay hộ pháp của cha giật mái tóc tôi quấn mấy vòng quanh cánh tay. Miệng ông gào lên: “Quân vong tình, quân phản bội...”. Trong cơn say, ông gọi tên mẹ tôi bằng cái giọng chát bứ hẫng hụt. Tôi chỉ biết lặng im. Chỉ biết đau đớn hứng trọn những cái tát của ông. Ông cầm tóc tôi giật mạnh về đằng sau để mặt tôi ngửa lên, rồi bàn tay ông lại vơ nắm hoa vông nhét vào miệng tôi. Tôi không thấy đau. Tôi không gào khóc, chỉ thấy đắng ngắt trong miệng. Ừ! Hoa vông có vị đắng, lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra hoa vông đắng thật. Vị đắng như chảy tràn xuống tận cuống họng tôi. Hồi lâu như đã mệt, ông loạng choạng đổ người vào xó nhà bỏ mặc tôi ngồi lặng trong bóng tối. Những cánh hoa vông đã nát, vị đắng tan loãng trên môi. Về sau chính tôi cũng không hiểu sao buổi tối hôm ấy mình không khóc.

*

Cha cấm tôi mang hoa vông về nhà. Ông cấm tôi nhặt hoa vông nhưng không thể cấm tôi đi qua đầu làng khi đi học hay lúc làm đồng. Tôi bướng bỉnh. Phải! Có ai cấm được tôi làm mọi việc theo ý mình vì tôi mang dòng máu của mẹ tôi, giống chị Thu tôi.

Cây vông vẫn còn đó. Gió vẫn thổi bạt trên tán cây. Mười bảy tuổi, tôi vẫn nhặt hoa vông trên tay như để thỉnh cầu.

Kể cũng lạ, từ đời này qua đời khác con gái làng tôi nếu không chửa hoang, không theo trai, không hư hỏng chắc khó lòng bước chân ra khỏi cổng làng, bước qua những cánh hoa vông đỏ lửa. Lời nói người trong làng truyền tai nhau cay nghiệt và độc đoán.

Ngày rằm chớ nhặt hoa vông ma nó theo về nhà đó”. Tôi mặc kệ lời nội. Nội tôi đi xa đã mấy năm rồi, tôi cũng để lời nội tan cùng với gió...

Tôi vẫn nhặt hoa vông ngay cả ngày rằm. Tôi nhặt hoa cho mình, nhặt cả phần cho mẹ, cho chị Thu, hai người phụ nữ đi qua đời tôi bằng nỗi đau đớn.

Đẩy cánh cửa cổng làm bằng mấy thanh tre, tôi dắt xe đạp vào khoảng sân hẹp phơi đầy củi xoan khô. Cha tôi đang ngồi hút thuốc lào. Bao giờ cũng thế, ông tiễn chiều qua bằng khói thuốc. Bà Nhài láng giềng đứng bên hàng rào vẫy tôi lại khẽ thủ thỉ:

- Này! Cô Thu hẹn cô tối nay ra đầu làng đấy!

- Sao! Bà nói sao cơ? Chị Thu cháu về đây à? Bà gặp chị Thu cháu khi nào?

- Khẽ thôi chứ! Tối qua lúc trời giông to, tôi đi làm đồng về thấy cô ấy vẫn ngồi ở gốc vông cho con bú. Ôi chao! Người ngợm xanh như tàu lá ấy. Tôi mới nói dại miệng: Giông gió thế này ôm con về đi chứ, dưới gốc cây cổ thụ là hay có sét lắm đấy…

- Vậy còn đứa bé? Nó thế nào hả bà?

- Cô ấy bọc con trong tã trắng, mà tôi nào có nhìn rõ mặt. Rõ khổ, đúng là khôn ba năm dại một giờ…

Bà Nhài bỏ dở câu nói ở đấy, nhìn trước ngó sau rồi đi vào nhà. Tôi đã khóc từ lúc nào. Chị không về gặp tôi. Chị sợ cha tôi. Mẹ con tôi không có duyên gặp gỡ, chị em tôi cũng không có duyên gặp gỡ. Chị Thu không trở về vào những đêm tôi mải miết nhặt hoa vông.

Tôi trốn cha ra đầu làng. Tôi đứng đợi chị Thu. Muốn xem đứa nhỏ giờ ra sao. Nó là trai hay gái. Nó giống chị Thu hay không?. Đêm cuối thu thanh vắng và hơi lạnh. Cái lạnh báo hiệu một mùa đông hanh hao gió rét. Mùi bùn dưới cái ao tù đọng nước xanh lét gần đó xông lên tanh tưởi. Gió vẫn vây lấy tán vông như cơ duyên từ tiền kiếp. Trên thân cây sừng sững vươn ra những cành già nua u oa tiếng chim lạ… Tiếng loài chim tôi nghĩ mình chưa nghe thấy bao giờ. Tiếng kêu thít chặt không gian tĩnh lặng rồi như giận dỗi trút hết nguồn cơn lên những cánh hoa vông. Những cánh hoa giờ thành những ngón tay xoè ra chống đỡ. Hoa vông rụng. Chỉ rụng một chiếc hoa duy nhất, chiếc hoa cuối cùng còn sót lại trên cây. Cúi xuống định nhặt lên thì nghe tiếng gọi thì thầm khe khẽ. Tiếng gọi sẽ sàng không dám chạm vào đêm. Tôi bất giác nghĩ tới những câu chuyện người làng vẫn rỉ tai nhau, câu chuyện ngày bé thơ tôi nghe ông Muôn kể… Ma trên cây vông bắt mất hồn con gái. Muốn bỏ lại tất cả mà chạy về, cho dù đợi tôi có là chị Thu, là đứa nhỏ hay bông hoa sót lại cuối mùa…

Cố tìm cảm giác mảy may để mà trốn chạy.

“Oe! Oe!” Nghe tiếng khóc trẻ con. Nghe có người gọi tôi giọng van lơn mời mọc. Biết đâu trước mặt tôi đang có một dòng tóc đen nhánh buông từ đỉnh ngọn vông chạm đất. Tôi ngẩng phắt đầu lên. Con đường trước mặt quét thành một vệt dài sáng trắng. Thấy có bóng người phía trước. Bóng người bồng con tất tả chạy ngược chiều gió thổi. Chị Thu! Đó là chị Thu. Tôi cố chạy thật nhanh đuổi theo chị và đứa nhỏ chị càng chạy vội vã, chị biết có người đuổi theo mình. Đường làng mấp mô toàn đá sỏi. Tôi hình dung ra mười đầu ngón chân, đôi gót chân chị bị đá quẹt qua tứa máu.

Chị không muốn gặp tôi.

- Chị Thu ơi! đứng lại em bảo đã.

Bóng người dừng lại vài giây xốc lại đứa trẻ rồi chạy miết không hề ngoái lại.

- Chị Thu ơi! Em đây mà! Chị ơi…

Bóng người càng chạy quáng quàng.

Hồi lâu, tôi dừng lại thở dốc. Thấy đau quặn lồng ngực và bụng dưới. Chị Thu muốn tránh mặt tôi. Tôi không đuổi theo chị nữa. Tôi nhìn xuống đôi chân to bản lấm đất và cảnh vật bên đường để biết được mình đã chạy theo mẹ con chị một đoạn đường khá xa. Bên vệ đường, trên thảm cỏ đẫm sương đêm là cái miếu hoang ùa ra đám dơi đập cánh loạn xạ. Tôi không tin hơi thở mình làm thức giấc lũ dơi. Dưới chân, thấy nổi lên một màu thẫm đỏ. Bông hoa cuối cùng trên tán cây. Tôi bỏ mặc bông hoa lặng lẽ quay về.

Tôi không nhận được thêm tin tức nào của chị Thu.

*

Những sợi khói thuốc xanh bạc vẽ vòng trong buổi chiều nằng nặng, oi oi cuối hè. Mắt cha đăm đắm nhìn xuống những ngón chân thô kệch của mình ông nói vợ chồng tôi: “ Nghe cô Đôn xóm bên bảo con Thu đã lấy chồng, đứa nhỏ ngày ấy cũng không giữ được nữa, hai vợ chồng mày sang hỏi cô ấy xem thực hư thế nào rồi thu xếp đi thăm nó một chuyến.” Cha nhìn tôi, tôi quay đi tránh cái nhìn của ông đùng đục, hình như có nước...

Ba năm, con đường đổ xong, tôi tốt nghiệp phổ thông rồi lên tỉnh học may và trở thành vợ anh, người đàn ông chưa khi nào đủ kiên nhẫn đợi tôi nhặt hoa vông mỗi đêm hò hẹn. Cũng lạ, hò hẹn với anh mà tôi không biết làm gì ngoài việc nhặt hoa vông. Có đêm, tôi chôn chân ngồi miết dưới gốc vông, thấy vẳng bên tai lời ru của mẹ:

Hoa vông rụng suốt đêm rằm

Tình là sợi mắc chim giăng ngang trời..

À ơi…

Tình là sợi mắc, chim giăng ngang trời...

Ngẩng đầu lên thì đã không thấy anh đâu. Tôi toát mồ hôi. Mẹ tôi, những người phụ nữ quê tôi vẫn ru con bằng câu hát ấy. Dưới ánh trăng, hai bàn chân tôi trắng toát, rõ ràng chân mình tôi vẫn tưởng chân ai. Đám hoa vông vây kín đôi chân, như có một lớp keo vô hình nào gắn chặt đôi chân khiến tôi không bước đi được. Bãi hoang giữa cánh đồng đen kịt nổi lên những đốm trắng của mồ mả. Nội nằm ngoài kia. “Ngày rằm chớ nhặt hoa vông, ma nó theo về nhà đó”. Tôi chạy một mạch về nhà. Anh vẫn còn đợi tôi trước ngõ, anh nhìn tôi đăm đăm, mắt anh như đựng gió khuya qua cái nhìn xa lắc. Sau đêm ấy tôi không ra gốc vông đầu làng nữa.

*

Đứa nhỏ da đen bóng dắt con nghé bên vệ đường chỉ cho vợ chồng tôi nhà chị Thu:

- Đó! Cái nhà lợp ngói đó cô.

Tôi vuốt tóc nó rồi cười. Anh đưa tay lau những giọt mồ hôi đọng trên trán tôi. Tôi và anh đi về phía thằng nhỏ chỉ. Qua một bức tường dài mới xây xong còn sặc mùi vôi vữa bao quanh căn nhà nhỏ. Khu vườn ken dày những búi cỏ mọc hoang. Có tiếng võng đưa kẽo kẹt. Tôi chờ đợi tiếng ru mê mải buồn vắt qua song cửa sổ.

Tiếng chó sủa ong óc làm vợ chồng tôi giật mình. Một gã đàn ông gầy gò, đen đủi từ trong nhà bước ra nhìn chằm chặp vào tôi và anh hất hàm:

- Hỏi ai?

- Dạ! Anh làm ơn cho hỏi chị Thu.

Chồng tôi nhanh nhảu đỡ lời.

- Không có ai là Thu cả.

Vừa nói gã vừa lăm lăm cái gậy trong tay đe con chó.

Tôi cố nhướng mắt ngó vào căn nhà chừng hơn chục mét vuông bừa bộ quần áo, xoong nồi… Tôi nắm chặt tay anh. Trên chiếc giường đôi ọp ẹp bốc lên mùi khai khai của nước tiểu trẻ con lẫn mùi tanh tanh ẩm mốc phát lợm. Một người phụ nữ ngoài bốn mươi luộm thuộm nằm gác chân lên ngủ. Đứa trẻ xanh xao chừng no sữa nằm gọn lỏn trong lòng thị. Giật mình vì đó hoàn toàn không phải chị Thu tôi. Tôi không tìm được nét nào của chị Thu ngày xưa. Người phụ nữ trước mặt tôi xa lạ quá. Không phải người con gái có cặp mắt đa tình cả tin lỡ dại ăn trái cấm ngày nào, càng không phải người phụ nữ đêm hôm ấy bồng con chạy ngược chiều gió thổi… Nhưng còn đứa trẻ, cái miệng bé xíu xinh xắn dẩu như ra hờn dỗi, như trách thán cuộc đời. Đôi mắt nó khép lại nhưng tựa hồ chỉ cần một cơn gió lùa se sẽ cũng khiến đôi mắt ấy choàng giấc mở to, đọng nước. Hai bàn tay đứa nhỏ nắm chắc lại. Một luồng điện rần rật chạy dọc cơ thể tôi, tôi giật mình khi thấy trên bàn tay trái của nó dị dạng có tới sáu ngón tay đỏ rực như tô son. “Ngày rằm chớ nhặt hoa vông, ma nó theo về nhà đó!”. Trước mắt tôi là hoa vông đấy. Những cánh hoa xòe ra đỏ lửa. Chiếc hoa vông cuối mùa sót lại vào cái đêm tôi đuổi theo bóng người tất tả bồng con. Phẫn uất và ma mị, mấy ngón tay quá cỡ gắn chặt vào nhau tựa như ngọn lửa cháy lan chực thiêu đốt tất cả mọi thứ quanh mình. Một sợi dây vô hình nào đó buộc hờ giữa tôi và đứa trẻ. Nếu đứa trẻ ấy là cháu tôi thì chị Thu tôi đâu. Tôi đứng chôn chân nhìn như thôi miên vào bàn tay kì lạ của nó.

- Mình về thôi, em!

Chồng tôi đã phải nhắc đi nhắc lại câu ấy tôi mới nghe nổi. Con chó xù đám lông hôi hám ra và ngoan cố sủa, gã đàn ông bị mất giấc ngủ ban chiều nên khó chịu cau mặt nhìn vợ chồng tôi từ đầu đến chân.

“Mình về!”. Tôi nói rồi chúi mũi bước về phía trước, tôi bước nhanh như cố chạy trốn điều gì. Mùi khăn khẳn trong căn nhà ấy còn theo gió bám riết lấy tôi.

“À ơi!

Hoa vông rụng suốt đêm rằm

Tình là sợi mắc chim giăng ngang trời”

Lời ru xưa nhói lên tan loãng trong nắng chiều vàng vọt làm tôi buốt cứng ngay sau gáy.

Mắt tôi ngấn đầy nước. Lời ru níu chân tôi trầy trật. Tôi sẽ phải nói gì cùng cha. Nói rằng đứa trẻ ấy chắc chắn là con chị Thu vì bàn tay nó dị dạng giống bông hoa vông cuối mùa sao? Hay nói rằng chị Thu bỏ đi đâu mất để con lại cho người dưng nuôi… Những cánh hoa vông như phủ lên ngập bước chân tôi. Màu đỏ tươi chảy lan trong mắt. Bóng tôi và anh đổ dài trên mảnh ruộng rì rào sóng lúa.

*

Từ đời này qua đời khác con gái làng không chửa hoang, không theo trai, không hư hỏng khó lòng bước chân ra khỏi cổng làng, bước qua những cánh hoa vông đỏ lửa…

Lời nói người xưa buồn hơn gió. Giá ở nơi nào đó, mẹ tôi, chị Thu tôi biết được: Ngày mai, tôi theo anh về miền xa.

---------

(*): Lời ru của những người đàn bà quê tôi.

NỔI BẬT TRANG CHỦ