• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Vang mãi giai điệu Tổ Quốc“: Dư âm còn vang mãi

Văn hoá 07/01/2018 09:29

(Tổ Quốc) - Khép lại chương trình, những cảm xúc còn vang mãi như chính tình yêu với Tổ Quốc, với Mẹ không bao giờ vơi trong mỗi con người.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Vang mãi giai điệu Tổ Quốc 2018 diễn ra tối 6/1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và đông đảo khán giả đã đến thương thức chương trình.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến tham dự chương trình. Ảnh: Nam Nguyễn

Khán giả của chương trình nghệ thuật đặc biệt Vang mãi giai điệu Tổ Quốc đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong những giây phút đắm mình trong những ca khúc đi cùng năm tháng. Day dứt, ám ảnh, buồn, yêu thương, tự hào, hạnh phúc…đó là tất cả những cảm xúc chung của khán giả sau khi thưởng thức chương trình.

“Tổ Quốc và Mẹ”- chủ đề của chương trình tạo sức hút đặc biệt bởi những tác phẩm đã đi cùng năm tháng, chạm vào sâu thẳm trái tim của mỗi con người. Với phong cách dàn dựng, hòa âm phối khí công phu, mới mẻ của tập thể nghệ sỹ và ekip thực hiện đã truyền cảm xúc của mình đến với tất cả khán giả của Vang mãi giai điệu Tổ Quốc.

Vang mãi giai điệu Tổ Quốc đem đến cho khán giả những giây phút xúc động, bồi hồi nhưng cũng rất đỗi tự hào về lịch sử đất nước qua những tiết mục: Hoạt cảnh thơ múa Tiếng vọng lời ru; Đất nước; Đất nước lời ru; Tình ca; Hà Nội niềm tin và hy vọng qua chương I: Đất nước lời ru.

Tổ Quốc và Mẹ gợi nhiều cảm xúc cho người xem. Ảnh: Minh Khánh

"Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi. Đất nước có trong cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể..." câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua chất giọng trữ tình, da diết của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trở thành điểm nhấn đặc biệt cuốn hút khán giả. Trong không gian chỉ có âm nhạc ấy, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về lịch sử văn hóa 4.000 năm âm thầm mà mãnh liệt lan tỏa.

Như một lẽ tự nhiên nhất, hình ảnh người Mẹ luôn gắn với quê hương, đất nước. Hình tượng người mẹ cũng là một trong nhưng biểu trưng đẹp nhất, thiêng liêng nhất song cũng rất đỗi thân thương khi nghĩ về Tổ Quốc. Bởi vậy, trong thi ca hay âm nhạc, Mẹ và Tổ Quốc không thể tách rời. Khán phòng Nhà hát Lớn như lặng đi trong những ca khúc về Mẹ của chương II: Người mẹ Việt Nam. Người mẹ Việt Nam tảo tần, lam lũ, người mẹ Việt Nam “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, người mẹ Việt Nam “che từng căn hầm nhỏ, xóa sạch bước con về, mẹ ngồi dưới cơn mưa”…

Chùm tác phẩm: Lời ru, Quê Mẹ, Huyền Thoại Mẹ, Chào anh giải phóng quân - chào mùa xuân đại thắng, Người mẹ của Tôi, Bài ca thống nhất và Mẹ Việt Nam anh hùng đã lan tỏa đến mỗi người tất cả niềm kính yêu và lòng biết ơn với Mẹ.

Những nghệ sĩ hàng đầu tham gia Vang mãi giai điệu Tổ Quốc. Ảnh: Minh Khánh

Tiết mục gây ấn tượng đặc biệt trong lòng công chúng là hòa tấu phức hợp Huyền thoại Mẹ. NSND Quang Vinh đệm ghita, NSND Ngô Hoàng Quân kéo cello để NSND Thái Bảo cất giọng tôn vinh người Mẹ Việt Nam anh hùng qua ca khúc “Huyền thoại Mẹ”. Tiết mục càng tạo cảm xúc đặc biệt bởi hình ảnh những người mẹ Việt Nam đã đi vào lịch sử như Mẹ Suốt và những người Mẹ vô danh khác, hy sinh những đứa con và cả bản thân mình vì Tổ Quốc.

Không ít khán giả lau nước mắt khi sân khấu diễn hoạt cảnh “Người mẹ của tôi”. Tiễn những đứa con ra đi, có đứa chẳng trở về, mẹ gạt nước mặt lặng lẽ, nhưng có những đứa trở về lại như biến thành trẻ thơ bởi ảnh hưởng của bom đạn, mẹ vẫn bao dung như thế, âm thầm chăm sóc những đứa con bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến.

Sau phút giây trầm lắng và xúc động, chia sẻ cùng những đau thương, mất mát của người Mẹ Việt Nam là những niềm vui, tình yêu, tin tưởng trước thềm mùa xuân mới. Nhưng sự tinh tế của những người làm chương trình là ở chỗ, không để khán giả đang ở trạng thái trầm lắng xúc động bỗng vút ngay lên những cung bậc tươi mới, vui vẻ.  “Trở về” ngọt ngào và sâu lắng qua giọng ca của Lê Anh Dũng như một chiếc cầu nối hai bờ cảm xúc đó. Từ những đau thương, mất mát, hy sinh đến với mùa xuân mới, bởi đất nước đã trọn vẹn niềm vui.

Vang mãi giai điệu Tổ Quốc được dàn dựng công phu.

Chương 3 “Mùa xuân trên quê hương” với những ca khúc: Trở về, Mùa xuân trên quê hương, Tình ca mùa xuân, Thương quê, Miền quê tôi, Mùa xuân ơi em đã về, Hoa cỏ mùa xuân, Khát vọng mùa xuân, Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, Đất nước trọn niềm vui, Mùa xuân dâng Đảng...đem đến cảm xúc tươi vui, đầy tin tưởng vào mùa xuân mới. Mùa xuân là mùa của tình yêu lứa đôi, mùa của đoàn tụ... những ca khúc như lời gửi gắm đến những người con dù nơi đâu trên thế giới cũng cùng chung một tiếng gọi trở về với Mẹ, trở về Tổ Quốc và chung một khát vọng được góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương.

Vang mãi giai điệu Tổ Quốc lần thứ 2 đã khép lại. Khép lại một bữa tiệc nghệ thuật đầy ấn tượng và giàu cảm xúc, nhưng trong mỗi người sẽ còn lắng đọng mãi dư âm về tình yêu với quê hương đất nước, với mẹ. Từ tình yêu ấy, sẽ có những người con “biết gắn bó và san sẻ, hóa thân cho dáng hình xứ sở để làm nên Đất Nước muôn đời…”- như câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm nhắn nhủ.

Một số tiết mục trong Vang mãi giai điệu Tổ Quốc:

 
 
 

Hoàng Nguyên- Ảnh: Minh Khánh

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ