(Tổ Quốc) - Thượng nguồn sông Cu Đê – nơi sẽ cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên (Đà Nẵng) sau khi hoàn thành, đang bị đe dọa ô nhiễm môi trường khi trên núi các đối tượng tiếp tục lén lút khai thác vàng trái phép.
Vào "lãnh địa" vàng trái phép
Thời gian qua, tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực Khe Đương (Tiểu khu 27, 29) xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng "vàng tặc" rất manh động, tinh vi. Chúng lập lán trại, tập kết lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… cùng nhiều máy móc để phục vụ khai thác vàng trái phép trên khu vực này.
Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra, truy quét nhưng cứ vắng bóng lực lượng chức năng thì tình trạng khai thác vàng trái phép lại tái diễn, gây mất an ninh trật tự, đe dọa an ninh nguồn nước thượng nguồn sông Cu Đê.
Để đến được khu vực Khe Đương thì phải "vật lộn" hàng tiếng đồng hồ đi bộ và xe máy trên con đường đầy đá nham nhở, dốc hiểm trở. Sau nhiều lần cải trang, tìm cách tiếp cận, chúng tôi cũng đã tới được bãi vàng trái phép ở tiểu khu 27, 29.
Khi biết có "người lạ" xâm nhập vào "lãnh địa", các đối tượng "vàng tặc" đã báo cho nhau tháo chạy lên núi ẩn náu. Một người dân cho biết, chỉ cần có "người lạ" xuất phát từ dưới chân núi đi lên khoảng nửa đường, thì ở khu vực "lãnh địa" vàng Khe Đương các "vàng tặc" sẽ biết ngay.
"Các đối tượng rất tinh vi, cắt cử người canh gác. Hễ "có động" là chúng báo tin nhau lên núi ẩn nấp, chờ khi nào "yên tĩnh" rồi mới quay trở lại tiếp tục khai thác vàng trái phép", người này nói.
Sau khi vất vả tiếp cận được hiện trường, trước mắt chúng tôi là nhiều máy móc, thiết bị…mà "vàng tặc" dùng để khai thác vàng bỏ lại ở lán trại để trốn chạy. Tiếng khét lẹt của máy móc, những can dầu đang dở dang, cùng những xe rùa, máy phát điện…tại hiện trường cho thấy chúng chỉ vừa mới hoạt động cách đây vài phút.
Lần sâu vào hầm khai thác vàng trái phép cạnh một lán trại, nhiều dây điện, bóng điện cùng máy bơm khí vào hầm, các dụng cụ khai thác vàng…nằm ngổn ngang cũng vừa được các đối tượng "vàng tặc" bỏ lại. Bên trong hầm vàng, có một số đoạn được "vàng tặc" dùng gỗ và sắt gia cố lại để tránh việc hầm khỏi bị sập. Điều này chứng tỏ việc khai thác vàng trái phép diễn ra rất quy mô, có sự tính toán.
"Có động là các đối tượng liền cắt điện trong các hầm rồi tháo chạy lên núi ngồi nghe ngóng. Chừng nào thấy không còn ai "lạ" thì chúng lại kéo nhau xuống làm vàng, rất khó để "bắt tại trận" những đối tượng này. Thời gian gần đây có khoảng 20 người lén lút khai thác vàng cả ngày lẫn đêm tại khu vực này", chỉ tay vào hầm vàng tối om, sâu hun hút, một người dân cho biết.
Nhiều lần truy quét, phá hủy máy móc thiết bị nhưng "vàng tặc" vẫn lộng hành
Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực Khe Đương đã âm ỉ nhiều năm nay. Thời gian gần đây, các lực lượng từ huyện đến xã rất quyết tâm đẩy lùi các đối tượng khai thác vàng trái phép này.
"Đối với xã, tần suất đi kiểm tra hiện trường khoảng 10 ngày/1 lần, lần gần nhất là vào ngày 4-5/9 và đã phá hủy lương thực, thực phẩm cùng một số máy móc của các đối tượng tập kết tại đây", ông Nam nói, đồng thời cho biết trong quá trình truy quyét lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, vì đối tượng ở khu vực đó nhiều năm nên có kinh nghiệm nhằm "qua mắt" lực lượng chức năng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng bằng những biện pháp nghiệp vụ tiếp tục tăng cường theo dõi, xử lý tình trạng này", ông Nam cho biết.
Trong lúc đó, trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng Trần Viết Phương cho biết, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và UBND xã Hòa Bắc phối hợp để tổ chức kiểm tra, đặc biệt đối với khu vực Khe Đương.
Theo ông Phương, trong mùa dịch Covid-19, một số đối tượng lợi dụng việc chống dịch đã vào khu vực Khe Đương để tập kết lương thực, thực phẩm cùng máy móc thiết bị để chuẩn bị cho việc khai thác vàng trái phép.
"Chúng tôi cũng đã chỉ đạo, kiểm tra, truy quét. Trong tuần qua, đoàn truy quét cũng đã phá hủy hơn 200 lít dầu diesel, 3 tạ gạo và một số thiết bị phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép ở khu vực này", ông Phương nói và cung cấp báo cáo của lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng trước đó đã nhiều lần kiểm tra, truy quét "vàng tặc" tại khu vực này.
Lần gần đây nhất là vào ngày 4-5/9, lực lượng chức năng phát hiện tại khoảnh 8, Tiểu khu 29 có 3 hầm vàng đang trong quá trình nạo vét để phục vụ việc khai thác. Đây là các hầm mới, chưa được kiểm tra phát hiện và báo cáo trước đây.
Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện 1 lán trại, 2 xe rùa cùng nhiều lương thực thực phẩm, nhiên liệu, dụng cụ phục vụ việc khai thác vàng trái phép. Riêng máy móc, thiết bị đã được các đối tượng tháo dỡ, tẩu tán khỏi hiện trường. Ngoài ra, phát hiện 1 đối tượng tại lán trại, tuy nhiên lợi dụng thời tiết mưa gió, đêm tối, đối tượng này đã bỏ trốn.
Clip phóng viên đi sâu vào bên trong hầm vàng trái phép.
Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Cu Đê, cần nhanh chóng "xóa sổ" nạn khai thác vàng trái phép
Theo ghi nhận, những ngày này, Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 (có tổng mức đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng) đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành như dự kiến là vào cuối tháng 6/2021. Vị trí lấy nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên được đặt ở thượng nguồn sông Cu Đê – cách khu vực khai thác vàng Khe Đương khoảng vài km.
Trong khi đó, với quy trình khai thác vàng của các đối tượng "vàng tặc", chúng luôn sử dụng hóa chất độc hại và tàn phá, hủy hoại môi trường. Nếu không nhanh chóng ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép này thì khi Nhà máy nước Hòa Liên đi vào hoạt động hậu quả sẽ khó lường.
Theo ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, hiện thành phố đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên ở sông Cu Đê – nguồn nước này cung cấp cho phía Bắc thành phố rất quan trọng và quy mô. Nếu ở khu vực đó (Khe Đương - PV) khai thác vàng thì dưới này chắc chắn ảnh hưởng tới nguồn nước, dù khai thác vàng bằng công nghệ gì đi chăng nữa.
"Đề nghị thành phố xem xét lại sự tác động cũng như những ảnh hưởng về an ninh trật tự, môi trường, về kết quả kinh tế đem lại cho thành phố, cần cân nhắc việc này", ông Toại nói.
Clip nước đục ngầu từ việc khai thác vàng trái phép theo các con suối chảy về xuôi.
Còn Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng Trần Viết Phương thì cho rằng: "Chúng tôi xác định khu vực ở phía Tây Bắc của Đà Nẵng là khu vực cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên. Do đó, việc tổ chức kiểm tra, truy quét "vàng tặc" tại khu vực Khe Đương phải tổ chức thường xuyên. Sau đợt truy quét vừa qua, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức chốt chặn tại các điểm cần thiết để kịp thời ngăn chặn, không cho các đối tượng quay trở lại vào rừng để tiếp tục khôi phục chuyện khai thác trái phép.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề nghị UBND TP Đà Nẵng và các ngành chức năng khẩn trương tổ chức đánh phá sập các lò, hầm khai thác vàng này. Đồng thời, thành lập tổ liên ngành để tiếp tục chốt chặn lâu dài, đảm bảo an ninh nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Hòa Liên sau này khi đi vào hoạt động".
Theo dự báo, Đà Nẵng sắp bước vào mùa mưa bão, các đối tượng "vàng tặc" sẽ lợi dụng thời tiết xấu, địa hình hiểm trở, các tuyến đường bị sạt lở, chia cắt... để tiếp diễn hành vi khai thác vàng trái phép. Vì thế, thành phố Đà Nẵng cần nhanh chóng "xóa sổ" các lò, hầm khai thác vàng trái phép này để các đối tượng không có điều kiện để tái diễn hành vi vi phạm. Có như vậy, an ninh nguồn nước thượng nguồn sông Cu Đê mới được đảm bảo.
Trước đó, như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, vào đầu tháng 6/2020, trước tình trạng nhiều hầm sử dụng vào mục đích khai thác vàng trái phép trên địa bàn, UBND huyện Hòa Vang đã kiến nghị UBND TP Đà Nẵng cho phép các cơ quan chức năng địa phương dùng thuốc nổ để đánh sập 21 hầm khai thác vàng trái phép trên địa bàn.
Trong những ngày cuối tháng 5/2020, lực lượng chức năng đã thành lập 2 tổ kiểm tra tại khu vực rừng ở tiểu khu 27, 29 (Khe Đương) và tiểu khu 39 cùng thuộc xã Hòa Bắc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 21 hầm (có chiều rộng từ 1m-1,5 m, dài từ 50m đến 100m) sử dụng vào mục đích khai thác vàng trái phép.
Đơn cử như tại tiểu khu 27 có 6 hầm, tiểu khu 29 có 13 hầm và tiểu khu 39 có 2 hầm. Trong đó, khu vực thuộc quản lý của UBND xã Hòa Bắc có 10 hầm. Khu vực thuộc quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có 2 hầm. Khu rừng thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng có 9 hầm. Đa số các hầm khai thác từ lâu đã cũ. Đặc biệt, quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số hầm có dấu hiệu khai thác mới tại khu vực Khe Đương và tại tiểu khu 39, có lán trại nhưng đã bị tháo dỡ, không có con người và máy móc. Ngoài ra, tại khu vực của Công ty Bông Sen Vàng, phát hiện 2 lán trại được dựng bằng khung thép, lợp tôn diện tích 90m2 và 240m2.