• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vấp "đòn chí mạng" từ Mỹ: Đế chế Huawei rẽ ngoặt lối riêng

Kinh tế 22/05/2019 15:06

(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ, cáo buộc Huawei có hoạt động gián điệp, đã nhiều lần cảnh báo các đồng minh châu Âu không sử dụng công nghệ của tập đoàn này trong mạng di động 5G tương lai.

Thậm chí có một số tiếng nói từ Washington đe dọa sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo với họ.

Phát biểu tại Trung tâm minh bạch an ninh mạng Huawei hôm thứ ba, ông Abraham Liu, đại diện chính của công ty tại EU, đã tái khẳng định cam kết của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc sẽ triển khai mạng điện thoại di động 5G "theo phong cách châu Âu", theo Sputnik.

"Mạng 5G của Huawei đã được người châu Âu hợp tác phát triển và phù hợp với nhu cầu và thách thức của châu Âu. Giải pháp 5G của Huawei không chỉ là tốt nhất trên thị trường mà nó còn là một sản phẩm lớn của châu Âu, và nó được thiết kế riêng cho nhu cầu của châu Âu ", ông nói.

Quan chức này tiếp tục bằng cách nói rằng công ty này đã tôn trọng tất cả "luật pháp và quy định hiện hành", và giờ đây đang trở thành "nạn nhân của sự bắt nạt" của Hoa Kỳ, mà ông mô tả là "không chỉ là một cuộc tấn công chống lại Huawei", mà là một "cuộc tấn công vào trật tự tự do, dựa trên quy tắc".

Vấp đòn chí mạng từ Mỹ: Đế chế Huawei rẽ ngoặt lối riêng - Ảnh 1.

Dư luận đang lo ngại các lệnh cấm của Mỹ sẽ tác động mạnh đến Huawei. (Nguồn minh họa: Reuters)

"Chúng tôi hài lòng rằng châu Âu sắp đưa ra cách tiếp cận phối hợp với 5G. Liên minh châu Âu đã chứng minh khả năng đưa các nước châu Âu cùng nhau phát triển một số đạo luật tiên tiến và toàn diện nhất như GDPR (Quy định bảo vệ dữ liệu chung). Châu Âu nên tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự đó", Liu giải thích.

Châu Âu không loại trừ sử dụng công nghệ Huawei

Tuyên bố trên được đưa ra khi người đứng đầu cơ quan quản lý viễn thông Pháp ARCEP Sebastian Soriano xác nhận kế hoạch của Paris sẽ triển khai mạng 5G thương mại theo kế hoạch vào năm 2020, bất kể các vấn đề mà Huawei đang phải đối mặt sau quyết định của Washington cấm công ty và 70 công ty Trung Quốc khác tiếp cận được công nghệ sản xuất tại Mỹ.

Theo quan chức Pháp, căng thẳng Mỹ-Huawei đang diễn ra sẽ có "tác động ở mức hạn chế" đối với việc xây dựng mạng 5G. Soriano tin rằng các công ty viễn thông luôn có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác nếu Huawei gặp phải rắc rối.

Đồng thời, ông không loại trừ việc sử dụng thiết bị Huawei, bất chấp cảnh báo trước đó của Washington rằng họ sẽ "đánh giá lại" các chính sách chia sẻ thông tin tình báo của mình với các đồng minh châu Âu chọn sử dụng công nghệ của gã khổng lồ Trung Quốc trong mạng 5G của họ.

Pháp không phải là quốc gia châu Âu duy nhất có thể cho phép sử dụng các công nghệ 5G của Huawei: tháng trước, Jochen Homann, giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức - Bundesnetzagentur, nói với tờ Financial Times rằng cơ quan của ông sẽ không loại trừ bất kỳ nhà cung cấp thiết bị nào, kể cả công ty Trung Quốc trong việc triển khai mạng 5G tốc độ cao.

Quan chức Đức này cũng nhấn mạnh rằng Bundesnetzagentur đã không nhận được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh rằng Huawei đã có hoạt động gián điệp thay mặt chính quyền Trung Quốc. Mặc dù Mỹ cảnh báo rằng họ sẽ giảm quy mô hợp tác tình báo với Đức nếu Berlin bật đèn xanh cho Huawei tham gia phát triển mạng 5G, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nhấn mạnh rằng quốc gia này không bao giờ có thể bị đe dọa như vậy.

Theo Sputnik, vào tháng Tư, có nhiều thông tin nổi lên cho rằng Vương quốc Anh đã quyết định cho phép Huawei đấu thầu những cơ sở hạ tầng 5G "không cốt lõi". Thông tin này chưa được xác nhận chính thức, nhưng vẫn dẫn đến sự rạn nứt giữa Anh và Mỹ, đồng thời thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc của nó. Điều này cũng được cho là đã dẫn đến việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson về vai trò bị cáo buộc của mình trong vụ rò rỉ các cuộc thảo luận bí mật.

Danh sách trừng phạt và các cáo buộc của Mỹ

Tuần trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Huawei vào danh sách trừng phạt về thương mại, cấm công ty Trung Quốc mua lại công nghệ hoặc linh kiện từ các công ty Mỹ mà không có sự đồng ý của chính phủ Hoa Kỳ. Theo Reuters, ngay sau đó, các hạn chế đã được dỡ bỏ theo giấy phép chung tạm thời, kéo dài đến ngày 19 tháng 8.

Động thái này đã khiến Google đình chỉ việc cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm, ngoại trừ những dịch vụ công khai thông qua cấp phép nguồn mở. Điện thoại Huawei, chạy trên hệ điều hành Google Android, cũng được cho là sẽ mất quyền truy cập vào các bản cập nhật cho một số ứng dụng phổ biến, nhưng các thiết bị hiện tại vẫn được bảo đảm trước các hạn chế sắp tới.

Huawei đã cam kết sẽ bắt đầu các thủ tục tố tụng pháp lý đáp trả gã khổng lồ Mỹ Google. Lệnh cấm này được cho là cũng cắt đứt sự liên kết giữa công ty công nghệ Trung Quốc và các nhà sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ, như Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom.

Trong vài tháng qua, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã phải đối mặt với cáo buộc rằng họ đã gián điệp và đánh cắp thông tin thương mại cho chính phủ nước này. Bản thân công ty đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc, khẳng định rằng họ hoạt động độc lập với chính quyền và không thấy có lý do gì trước các hạn chế đối với các hoạt động 5G của mình ở bất kỳ quốc gia nào.

Hoa Kỳ, New Zealand và Australia đã cấm Huawei phát triển mạng 5G của họ, với lý do lo ngại các mối đe dọa về bảo mật.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ