• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

VĐV học Đại học: Hướng tương lai sau khi giải nghệ

Thể thao 07/10/2020 14:26

(Tổ Quốc) - Không ít VĐV đã lựa chọn con đường theo học Đại học để tăng thêm lựa chọn ngành, nghề sau khi giải nghệ.

Không giống như những ngành nghề khác, tuổi nghề của các vận động viên (VĐV) thường khá ngắn ngủi, đặc biệt là những môn thể thao thành tích cao. Nếu không gặp chấn thương nặng đến mức phải từ giã sự nghiệp sớm, tuổi nghề VĐV thể thao đỉnh cao vào khoảng 28 tuổi. Ở độ tuổi lưng chừng "không quá già mà cũng không còn trẻ" này, các VĐV sẽ phải tìm một phương án khác để lo cho cuộc sống sau khi giải nghệ.

Có không ít trường hợp VĐV sau khi giải nghệ tiếp tục gắn bó với môn thể thao mình đã từng thi đấu trên cương vị huấn luyện viên và đạt được nhiều thành công như trường hợp của HLV đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Minh Sang hay như HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Mai Đức Chung...

VĐV học Đại học: Hướng ra cho tương lai sau khi giải nghệ - Ảnh 1.

Có rất ít VĐV thành công trong việc theo đuổi con đường làm HLV sau khi giải nghệ. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, con số có thể tiếp tục theo con đường HLV là rất ít, đa phần VĐV sau khi giải nghệ sẽ lựa chọn công việc kinh doanh như làm nails, bán đồ thể thao, mở quán ăn hay quán cafe... những công việc đơn giản đủ để phục vụ nhu cầu "cơm, áo, gạo, tiền".

Trong thời gian gần đây, có không ít VĐV lựa chọn con đường theo học Đại học. Sau những giờ tập luyện, họ nhanh chóng trở thành những cô, cậu sinh viên. Đây đang là hướng đi nhận được đánh giá là tốt nhất đến thời điểm hiện tại.

"Tôi nghĩ rằng với bất kì VĐV nào chứ không riêng gì các cầu thủ, việc học không bao giờ là thừa cả. Vào Đại học cũng là sự chuẩn bị rất tốt cho tương lai của chúng tôi. Khi đó, sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho các cầu thủ trong việc định hướng nghề nghiệp khi không còn chơi bóng nữa" - Cầu thủ CLB Viettel Quế Ngọc Hải chia sẻ.

Đồng quan điểm với Quế Ngọc Hải, VĐV Điền kinh nội dung chạy Việt dã, Hà Văn Nhật cho rằng, việc học đại học có rất nhiều lợi ích, có thể giúp bản thân nâng cao được trình độ và hiểu biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích. Lựa chọn phương án học Đại học sẽ giúp VĐV có nhiều sự lựa chọn hơn sau khi giải nghệ.

Đặt lên bàn cân so sánh giữa việc lựa chọn phương án học hay không học Đại học, Hà Văn Nhật cho rằng, có không ít VĐV sau khi giải nghệ phải vật lộn với cuộc sống. Nếu VĐV còn duy trì được đam mê sau khi giải nghệ thì việc học có thể mở mang thêm kiến thức, hiểu biết sâu hơn nội dung môn thể thao đã tập, hiểu thêm về sức khoẻ và tâm lý trong thể thao. Quan trọng nhất vẫn là cơ hội có được một công việc ổn định trong tương lai.

Mang lại cách nhìn tổng quan hơn từ việc học

Khó khăn lớn nhất đối với các VĐV trong việc theo học Đại học là thời gian bởi VĐV phải tập luyện và thi đấu hầu như liên tục trong năm, nên nếu học trình của VĐV như sinh viên bình thường sẽ rất là khó.

VĐV học Đại học: Hướng ra cho tương lai sau khi giải nghệ - Ảnh 2.

"Thông qua việc học đại học, bản thân tôi sẽ có được cái nhìn tổng thể hơn về thể thao, đôi khi là cả góc nhìn của một người thầy với học trò" - Quế Ngọc Hải chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, đa phần các VĐV sẽ lựa chọn phương án học xen kẽ các buổi tập để tiết kiệm thời gian, đảm bảo hoàn thành sớm nhất công việc học tập. Bên cạnh đó, các trường Đại học thể thao cũng có chương trình đào tại dành riêng cho các VĐV, sắp xếp thời gian học vào các chu kỳ tập luyện duy trì và khi thi đấu xong các giải của VĐV, thời gian rất linh hoạt.

"Việc học đại học với các VĐV chuyên nghiệp nói chung và cầu thủ nói riêng đương nhiên cũng có rất nhiều đặc thù. Chúng tôi vẫn phải thuân thủ lịch sinh hoạt, tập luyện nên việc học phải được bố trí một cách khoa học nhất và tận dụng mọi thời gian trống. Cá nhân tôi cũng đang cố gắng cùng các giảng viên sắp xếp để đảm bảo tiến độ cho việc học. Học sư phạm thể dục thể thao là điều rất hay" - Quế Ngọc Hải chia sẻ.

Cũng theo Đội trưởng Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, thông qua việc học đại học, bản thân anh sẽ có được cái nhìn tổng thể hơn về thể thao, đôi khi là cả góc nhìn của một người thầy với học trò để trong tương lai có thể hướng đến việc làm huấn luyện viên hoặc đơn giản là một thầy giáo thể dục./.

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ