Với Huế, Tết là dịp tỏ lòng hiếu thảo. Cho nên có người suốt mấy ngày tết luôn khăn đóng áo dài bái lạy. Tết Huế có cỗ cúng sớm, cúng tối.
Với Huế, Tết là dịp tỏ lòng hiếu thảo. Cho nên có người suốt mấy ngày tết luôn khăn đóng áo dài bái lạy. Tết Huế có cỗ cúng sớm, cúng tối.
1
Mai chiếu thuỷ xứ Huế
Tính đến Tết Canh Dần này tôi đã ăn 33 cái Tết Huế. Tết năm 1975, tôi ăn Tết ở rừng Đồng Xoài bên sông Sài Gòn. Đang vui Tết thì được lệnh hành quân đi giải phóng thị xã Phước Long, rồi hành quân theo Chiến dịch Hồ Chí Minh mãi cho đến trưa 30-4 vô Sài Gòn.
Tết 1976, tôi ăn cái Tết Sài Gòn đầu tiên trong đời mình. Dù đang trong thời kỳ Uỷ ban Quân quản của tướng Trần Văn Trà, nhưng bà con đi chợ Tết rôm rả lắm. Cơ quan Ban chính trị chúng tôi đóng ở Hẽm Câp Điệp, đường Nguyễn Đình Chiểu được anh nuôi sắm Tết không thiếu thứ gì. Giò lụa, giò thủ, thịt heo quay, bánh chưng, bánh Tét, hạt dưa, mứt trái cây… nghĩa là Tết ba miền. Sau Tết vài tháng, tôi được ra quân về lại Trường Đại học Thương Mại.
Tôi là sinh viên giỏi toàn diện của trường, đi B, bây giờ về lại là anh bộ đội chững chạc, đảng viên, nên trường giữ tôi ở lại làm giảng viên. Nhưng tôi cứ khăng xin về Huế. Tôi mê Huế vì Huế - Sài Gòn - Hà Nội vang lên trong câu hát của Trịnh Công Sơn. Tôi đã ở Hà Nội, Sài Gòn, chỉ thiếu Huế. Tôi yêu Huế qua thơ Hàn Mạc Tử: Sao anh không về chới thôn Vỹ... Thơ Nguyễn Bính: Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày; tôi yêu Huế trong thơ Cao Bá Quát: Hương Giang như kiếm lập thanh thiên... Thời sinh viên tôi đã ăn 3 cái Tết ở Thủ Đô vì máy bay Mỹ bắn phá, không về quê được. Tôi muốn về Huế xứ thơ để làm thơ và để được thưởng thức hương vị Huế. Nhưng Trường Đại học quyết giữ. Trường cử anh bạn thân của tôi đang giảng dạy tại trường là Nguyễn Bách Khoa (người Hải Phòng- sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại) rủ rỉ thuyết phục tôi. Nhưng Huế đã hớp hồn tôi mất rồi. May có chị Phương Biên- trưởng Phòng giáo vụ- một người Huế chính hiệu, nên tôi mới được về Huế.
Thế là cuối tháng 9-1976 tôi được thành công dân của Huế. Tết 1977, lần đầu tiên tôi ăn Tết Huế. Lúc đó chưa vợ, ngày Tết tôi đi Đông Ba, Bến Ngự xem chợ Tết. Chiều 30 Tết qua cầu Trường Tiền gặp anh bộ đội dắt em bé đi chợ hoa về. Anh bộ đội vác một cành mai lớn, còn em bé cầm một cành mai nhỏ, tung tăng chạy theo. Một lát sau, em bé kéo lê cành mai dưới chân. Một bà cụ gánh hàng rong đi ngang nói nhỏ với anh bộ đội: Đừng để cháu kéo hoa mai như vậy, không nên! Tôi hiểu chữ không nên là phạm thượng. Tôi rùng mình. Trời ơi, đất Huế tâm linh ngay trong từng cành hoa, cây cỏ. Tết đó, tôi ăn Tết Huế đến sáng mùng hai Tết mới về làng biển Thượng Luật, Ngư Thuỷ với mạ.
2
Những năm tháng ấy, tàu xe đi lại vô cùng khó khăn, khi đã có gia đình, cả nhà tôi năm nào cũng ở lại ăn Tết Huế, chỉ về đằng nội ngoại khi nghỉ phép năm. Huế mấy trăm năm là thủ phủ Đằng Trong và Kinh Đô triều Nguyễn nên tết nhất nặng nhiều về tâm linh, rất hợp với tôi. Trước Tết thì đi thăm mộ. Cả thành phố già trẻ, trai gái dẫn nhau lên mộ. Ngày hai chín, ba mươi Tết, ăn mặc chỉnh tề, đem theo hoa chuối, nhang đèn, bánh trái... lên nghĩa trang làm cỏ, quét dọn, rồi bày mân cúng... Tôi có đứa con sinh thiếu tháng. Cháu là người ngoài cuộc đời/ Chỉ được nhìn Huế năm ngày qua lồng kính (NM). Nên Tết nào cũng đi thăm mộ cháu theo tập tục Huế. Sau đó về lo bàn thờ tiên tổ. Với Huế, Tết là dịp tỏ lòng hiếu thảo. Cho nên có người suốt mấy ngày tết luôn khăn đóng áo dài bái lạy. Tết Huế có cỗ cúng sớm, cúng tối. Gia đình tôi dần dần cũng quen nếp Huế. Đối với người Huế, các món thờ cúng ông bà và tiếp khách ba ngày Tết đều tự chế biến. Bí lắm mới mua ở chợ. Đối với người phụ nữ Huế, mâm cỗ ngày Tết là biểu tượng của văn hoá gia phong, là sự sum vầy, hạnh phúc. Nên Tết đến với họ trước cả tháng trời. Cả tháng trước Tết, vợ tôi tất tả chuẩn bị thực phẩm gia vị để chế biến hàng chục món ăn phục vụ các bạn bè nhà văn, nhà báo đến chúc Tết nâng ly. Mồi nhậu gồm các loại giò chả, thịt bò ngâm, thịt dầm dấm, thịt đông, nem, tré… Đồ ngọt là các loại mứt bánh. mút gừng, mứt bí, hàng chục thứ dưa món (củ hành muối, củ kiệu muối, dưa món chế biến bằng đu đủ, cà rốt, ớt v.v…) Rồi các loại thịt bò, thịt heo, đùi heo, thịt gà để chế biến các món như hấp, ninh, nướng... Ngay cả việc làm món mứt bí cũng phải chuẩn bị suốt cả tháng trời từ việc đi mua loại bí đao già có phấn trắng trên vỏ, không sâu, rồi bảo quản cho đến gần Tết mới chế biến. Lát bí phải phơi nắng ba ngày, vừa dội nước vừa phơi. Công phu lắm mới có được miếng ngon ở đời… Có lần sát Tết, vợ tôi bận đi làm cơ quan, nhà đang phơi mấy nia cà rốt, hành, củ cải thái... để làm dưa món. Trời bỗng đổ mưa. Mưa Huế là dai dẳng lắm. Mai đã là ngày 30 Tết rồi. Thế là tôi đốt bếp than, lấy cái mâm nhôm để sấy khô, mải đọc sách, đến khi nhớ ra mình đang sấy dưa món, chạy ra xem, thì đã tất cả thứ thì cháy xém, thứ thì chín nhừ hết!
Vợ tôi lo cái để thờ cúng ông bà trong ba ngày Tết hơn lo cái để mình ăn. Tết thực sự bắt đầu trong đêm 23 tháng Chạp, tiễn Ông Táo về trời. Một nải chuối, cây hoa vạn thọ, ba ông đầu rau, vàng mã, hai que bông vót từ que tre nhuộm đỏ, rồi xôi chè... Đúng nửa đêm hai vợ chồng thức dậy cúng dưa ông Táo. Cúng xong đưa ba ông đầu ra cái cột điện đầu phố gửi ở đó. Nhà nào cũng gửi ở đó. Nhiều năm thành một khém dày các loại đầu rau. Tuần giáp Tết là tuần lo chạy đi chạy lại kiếm hàng Tết mỏi rời cả chân. Đầu tiên là lo ra phố đánh bóng bộ ngũ sự, tam sự. Sau đó lo mua cát thờ mấy bà dưới Phú Lộc, Thuận An gánh lên bán ở cầu Bến Ngự. Rồi chuối thờ, nhang, nến, hoa giấy Thanh Tiên để cúng trang bà. Gia đình tôi năm nào cũng mua tới sáu bảy nải chuối thờ. Nghe nói có nhà phải mua tới vài chục nải. Rồi chuẩn bị nguyên liệu làm các loại bánh cúng như bánh ngũ sắc, bánh in.v.v… Sau đó là mua hoa. Tết nào cũng phải có một cành mai Huế, mấy chục cành hoa la-zơn, mấy chậu cúc, thược dược. Một thứ hoa mà gia đinh Huế nào cũng phải có là hoa vạn thọ. Vạn thọ vàng là thứ hoa cúng đầu bảng. Có lẽ do cái tên của hoa là VẠN THỌ, có ý nghĩa liên quan đến mong ước trường thọ. Gần Tết thì mua lá dong, thịt ba chỉ, đậu xanh để gói bánh chưng. Tôi bảo vợ phải gói bánh chưng, nấu bánh chưng đêm giao thừa để con lớn lên có ký ức về Tết gia đình. Thế nên năm nào nhà tôi cũng nấu bánh chưng. Tôi ra chợ Đông Ba mua hẳn một cái khuôn bằng gỗ để gói bánh. Sau đó có người bày cho cách bẻ lá dừa cũng thành cái khuôn bánh đẹp. Hai đứa con trai thức cùng gói bánh với ba mẹ, rồi thức đến giao thừa để chờ bánh chín. Có khi chúng ngủ quên nơi chiếc chiếu gần bếp. Từ khi hai đứa vào học đại học, vợ tôi không gói bánh chưng nữa, mà mua bánh chưng Nhật Lệ cho tiện.
Hương vị Huế tôi thích nhất là mứt gừng. Theo tôi, mứt gừng là mùi đặc trưng Tết Huế. Tết nào vợ tôi cũng tự chế biến lấy vài cân mứt gừng. Mứt gừng Huế vàng mà cay thơm hơn mứt gừng trong Nam ngoài Bắc. Trước Tết vài ngày, vợ tôi ra chợ Bến Ngự mua củ gừng non, về cạo sạch vỏ, ngâm nước phèn chua, rửa sạch sau đó thái thành lát, luộc hai ba lần cho giảm độ cay sau đó rim đường. Nhà văn Hà Khánh Linh, một Người Kinh Đô cũ, họ danh gia vọng tộc Nguyễn Khoa kể rằng, những gia đình giàu có ở Huế xưa chế biến mứt gừng rất công phu. Họ làm mứt gừng nguyên củ. Gừng non, gọt sạch vỏ, ngâm vào nước lạnh, lấy que nhọn xăm thật mềm, sau đó xả nước lạnh, vắt chanh vào gừng, phơi nắng khoảng hai tiếng đồng hồ, sau đó rửa cho hết vị chua của chanh, ép khô, luộc lần nữa, lại ép khô rồi mới rim đường. Công kỹ thật.
3
Đối với một nhà thơ như tôi, ấn tượng nhất là cứ qua mỗi mùa Xuân, hồn tôi lại thấm thêm một phần văn hoá Huế. Tôi đã được dự cúng giỗ vua Duy Tân, ăn tiệc chay với Hoàng Tộc Nguyễn, đi ăn chay ở các chùa với các anh Phan Thuận An, Bác sĩ Dương Đình Châu, Bửu Ý, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường... rồi vui thả thơ, đổ xăm hường, nghe ca Huế sa-lon... Là nhà văn, nhà báo như tôi, Tết về từ đầu tháng 10 âm lịch. Vì lúc đó là lúc tập trung cảm hứng để viết báo Tết. Để trang trải đủ một cái Tết phải in được vài chục bài trên các báo Trung ương, địa phương. Viết báo Tết cũng như đi nơm cá. Cứ gửi đại, không biết họ có in hay không. Đến gần Tết anh nhà văn nhà báo nào cũng chạm mặt nhau ở quầy bán báo bưu điện, vì ai cũng ra đó để đọc chùa, hồi hộp dò xem bài Tết mình có được in hay không. Các nhà văn Huế như Nhất Lâm, Ngàn Thương, Mai Văn Hoan.v.v... đều đứng suốt ngày ở quầy báo, hay ở Hội báo Xuân tỉnh để xem mình có bài nào in báo Tết. Đọc báo chùa mà không mua cô bán báo gắt gỏng, không vừa lòng. Nhưng biết làm sao? Với tôi đó là một kỷ niệm vui trong mỗi cái Tết.
33 cái Tết ở Huế, 33 lần cúng Tất Niên, 33 lần cúng đưa ông bà, những ngày đó ở Huế gia đình nào cũng đông vui nhất. Sáng mùng Một dặn con đừng vội đến nhà người khác đạp đất, lỡ năm đó họ làm ăn không nên thì gay. Rồi vợ chồng chở nhau lên Chùa xin xăm. Mùng Hai mới xuất hành đi thăm. Ra đường ngày Tết cũng là một niềm vui vì không khí từng bừng, màu sắc trang phục đẹp đẽ. Hồi nghèo, còn đi xe đạp, tôi đèo vợ đi chúc Tết. Thấy người ta chở nhau đi Tết bằng honda, áo dài tím bay phấp phới, vợ tôi ước: Khi mô mình được như rứa hè. Mới đó mà bây giờ xe máy đã là lạc hậu. Nhiều gia đình đi chúc Tết bằng ô tô xịn. Thế mới biết mức sống người dân Huế đã khá hơn trước nhiều.
Cúc vạn thọ
Đầu tiên là đi thắp nhang cho những người bạn đã quá cố, đi thăm mấy gia đình bà con họ Ngô ở Huế, sau đó là thăm anh em văn nghệ sĩ thân thiết như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Bằng, Mai Văn Hoan, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Khắc Thạch, Hồng Nhu, Hà Khánh Linh, Tô Nhuận Vỹ, Trần Vàng Sao, gia đình vợ con Nguyễn Trọng Tạo.v.v… Muốn đi thăm Tết phải chuẩn bị phong bao lì xì. Trước Tết vợ tôi đã nhờ bạn bè đổi tiền mới cứng. Lì xì là một phong tục đẹp. 33 cái Tết, cứ đến giờ ăn cỗ Giao Thừa, tôi bao giờ cũng mở chai sâm banh Nga, nâng ly với cả gia đình và tặng phong bao cho hai con trai, chúc con chăm ngoan, học giỏi, thành đạt. Nói chuyện lì xì Tết lại nhớ nhà thơ Hải Bằng. Hồi nhà thơ Hải Bằng còn sống, mùng Hai Tết vợ chồng tôi sang đường Nguyễn Chí Diễu chúc Tết gia đình anh trong khuôn viên của Công ty phát hành sách. Đến mục vợ tôi mở phong bao lì xì, nhà thơ khoát tay cười món mém bảo: Cậu có hai đứa con, tớ bốn đứa, thế thì cậu chỉ lì xì con tớ hai đứa thôi, khỏi thối lại ! Sau khi nhà thơ Hải Bằng mất, địa chỉ xuất hành Tết đầu tiên của vợ chồng tôi là đến thắp nhang cho nhà thơ Hải Bằng, chúc Tết chị Chiến và các cháu. Sau đó đến thắp nhang cho bác Hoàng Xuân Vượng, người đã ngồi cùng tôi một phòng làm việc đến 13 năm khi tôi công tác tại Sở Thương mại Bình Trị Thiên.
Vui nhất là đi thăm Tết và lì xì Hoàng Phủ Ngọc Tường. Năm ngoái Tết Kỷ Sửu, vợ tôi lì xì nhà văn hai tờ mười ngàn đồng mới cứng. Anh Tường cầm tờ tiền ngó lui ngõ tới rồi thốt lên với vẻ mặt nghiêm trọng: Sao nhiều thế này? Đến hai vạn đồng cơ à? Thì ra nằm một chỗ hơn 10 năm, trong anh không còn khái niệm tiền bạc...
Ngô Minh