• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Về đất Tổ dự ngày hội bóng đá SEA Games 31 và trải nghiệm những điểm đến hấp dẫn

Thể thao 19/04/2022 10:27

(Tổ Quốc) - Tỉnh Phú Thọ sở hữu nền văn hoá rực rỡ từ lâu đời và được đánh giá là một trong những trung tâm văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Tại SEA Games 31 tới đây, tỉnh Phú Thọ đã được lựa chọn là sân nhà của U23 Việt Nam tại vòng bảng. Để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho đại hội, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án cải tạo, sửa chữa Sân vận động Việt Trì. Dự án được khởi công từ giữa tháng 8/2021. Sau 2 lần tu sửa, nâng cấp vào năm 2019 và năm 2021, Sân vận động Việt Trì hiện đang là một trong những sân vận động có mặt sân được trồng cỏ hiện đại, đạt tiêu chuẩn nhất tại Việt Nam với sức chứa gần 20 nghìn chỗ ngồi.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định, việc đăng cai vòng bảng môn môn Bóng đá nam tại SEA Games 31 không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển thể dục thể thao của tỉnh Phú Thọ, mà còn quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh, con người, tiềm năng, thế mạnh cũng như văn hóa đặc sắc của miền Đất Tổ. Qua đó, góp phần vào việc phát triển ngành dịch vụ, du lịch của tỉnh.

Tỉnh Phú Thọ sở hữu nền văn hóa rực rỡ từ lâu đời với những di chỉ khảo cổ văn hóa Sơn Vi, Đồng Đậu, Làng Cả và nhiều đình, chùa, lăng, tẩm... được đánh giá là một trong những trung tâm văn hóa của dân tộc Việt. Dưới đây là một số địa điểm du lịch du khách có thể trải nghiệm tại Phú Thọ.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Phú Thọ: Về đất Tổ dự ngày hội bóng đá SEA Games 31 - Ảnh 1.

Đền Hùng là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng - thuộc đất Phong Châu - vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây, có độ cao 175m so với mặt nước biển. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ.

Toàn khu di tích Đền Hùng xưa kia là rừng già nhiệt đới, đến nay chỉ còn núi Hùng là rậm rạp xanh tươi với 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ, trong đó còn sót lại một số cây đại thụ như chò, thông, lụ,…và một vài giống cây cổ sơ như kim giao, thiên tuế,..

Từ chân núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lần lượt các di tích kiến trúc như: Cổng đền, Đền Hạ, Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), Đền Thượng và Lăng Hùng Vương, Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh), Đền Tổ mẫu Âu Cơ, Bảo tàng Hùng Vương.

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức vào ngày 10/3 (Âm lịch), đây là dịp phù hợp để đến Phú Thọ tham quan Đền Hùng.

Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Tam Giang, Chùa Đại Bi

Phú Thọ: Về đất Tổ dự ngày hội bóng đá SEA Games 31 - Ảnh 2.

Chùa Đại Bi

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm có: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam.

Đền Tam Giang thờ nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước là thần Thổ Lệnh, ông là thần làng - thần sông Bạch Hạc đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa trị tật bệnh cho muôn dân. Chùa Đại Bi, ngôi chùa cổ do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng từ đời Trần (năm 1328) đã có gần 700 năm tuổi.

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đón tiếp hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm bao gồm cả khách nội địa và du khách Quốc tế.

Cọn nước - Biểu tượng văn hóa độc đáo miền sơn cước

Một trong những biểu tượng làm nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) là những chiếc cọn nước, nét đặc trưng riêng có của miền sơn cước. Để làm được những chiếc cọn nước, người làm đòi hỏi phải có sự công phu, cẩn thận, tỉ mỉ và khả năng tư duy khá chính xác.

Theo thống kê, hiện nay Thanh Sơn có khoảng 50 cọn nước. Tất cả tập trung chủ yếu ở bản Hắm, bản Chuôi, bản Ngán, Bãi Lau (xã Khả Cửu)...

UBND huyện Thanh Sơn hỗ trợ một phần kinh phí đối với bản Hắm, bản Chuôi để biến đây trở thành địa điểm du lịch cộng đồng. Cùng với sự đồng lòng, góp công, góp sức của người dân địa phương, từ năm 2018, riêng ở bản Hắm đã có trên 20 chiếc chạy dọc con suối.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ