• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vẻ đẹp kiến trúc đời nhà Minh

Du lịch 01/03/2009 23:13

(Toquoc)-Ngay tại Việt Nam bạn cũng đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp của kiến trúc đời nhà Minh.

(Toquoc)- Bắt đầu từ đời nhà Minh (năm 1368-năm1644), Trung Quốc đã bước vào thời kỳ cuối xã hội phong kiến, hình dáng kiến trúc thời kỳ này phần lớn kế thừa đời nhà Tống không có biến đổi rõ rệt nào, nhưng về quy mô thiết kế kiến trúc thì có đặc điểm chính là quy mô to lớn, cảnh tượng hùng vĩ.

 Quy hoạch thành thị và kiến trúc cung điện thời kỳ này đều được người đời sau tiếp tục sử dụng: Thủ đô Bắc Kinh và Nam Kinh, thành cổ có quy mô lớn nhất hiện còn tồn tại ở Trung Quốc đều được quy hoạch và kinh doanh vào đời nhà Minh, cung điện đế vương đời nhà Thanh cũng đã được xây dựng thông qua việc không ngừng mở rộng và hoàn thiện trên cơ sở cung điện đời nhà Minh. Thủ đô Bắc Kinh trong thời kỳ này đã được xây lại trên cơ sở vốn có, sau khi xây lại chia làm ba phần ngoại thành, nội thành và hoàng thành.

Đời nhà Minh tiếp tục ra sức xây dựng Trường Thành - kiến trúc phòng ngự to lớn, nhiều đoạn tường thành quan trọng và thành luỹ Trường Thành đều xây bằng gạch, trình độ kiến trúc đạt tới mức cao nhất. Trường Thành đời nhà Minh phía Đông bắt đầu từ sông Áp Lục Giang, phía Tây đến Gia Dụ Quan Cam Túc, dài 5660 km. Các cửa ải nổi tiếng như Sơn Hải Quan, Gia Dụ Quan v.v... là kiệt tác mang phong cách riêng trong nghệ thuật kiến trúc Trung Quốc; Trường thành đoạn Bát Đạt Lĩnh, Trường Thành đoạn Tư Mã Đài v.v... Bắc Kinh còn có giá trị nghệ thuật khá cao

Thời kỳ này, trang trí, tranh màu, tô điểm kiến trúc kiểu cung đình ngày càng có xu thế định hình hoá; bày biện trong trang trí cũng để lại nhiều tác phẩm với vật liệu khác nhau như gạch đá, chất men, gỗ cứng v.v... gạch đã đươc̣ dùng phổ biến trong xây dựng kiến trúc nhà ở.

Đời nhà Minh, bố trí cụm kiến trúc Trung Quốc đã chín muồi hơn. Minh Hiếu Lăng Nam Kinh và Thập Tam Lăng Bắc Kinh là ví dụ thực tế xuất sắc của việc khéo lợi dụng địa hình và môi trường tạo nên bầu không khí trang nghiêm và kính trọng ở lăng mộ.

Điều đáng nhắc đến là, thuật phong thuỷ đã đạt tới mức cực thịnh ở đời nhà Minh, hiện tượng văn hoá thời cổ đại đặc biệt trong lịch sử kiến trúc Trung Quốc này, ảnh hưởng kéo dài đến tận cận đại. Ngoài ra, gia cụ đời nhà Minh cũng nổi tiếng thế giới.

Không cần phải đi du ngoạn Trung Quốc, ngay tại Việt Nam bạn cũng đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp của kiến trúc đời nhà Minh. Nhà hàng Ming Dynasty- một nhà hàng có thiết kế mô phỏng cung điện của triều đại nhà Minh, chuyên phục vụ món ăn Hoa là một ví dụ.

Nhà hàng Ming Dynasty có 20 phòng lớn nhỏ hướng ra một khu vườn tuyệt đẹp, mỗi phòng được lấy niên hiệu của một vị vua nhà Minh.

Ming Dynasty là sự kết hợp tinh tế giữa gỗ - gạch - đá. Tất cả các tác phẩm được trang trí cho nhà hàng như tranh, thảm, các bức tượng chiến binh lớn từng thấy trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, gạch xây dựng... đều được chủ nhân kỳ công mang về từ Trung Quốc. Mọi chi tiết đều được chắt lọc tạo nên một không gian toát lên sự tao nhã, thanh thoát, du dương theo nền nhạc cổ Trung Hoa êm dịu.

Theo chủ ý của chủ đầu tư, thực khách không chỉ đơn thuần ăn và uống, mà phải được cảm thụ nghệ thuật ẩm thực với sự chăm chút trong cách thực hiện món ăn của các đầu bếp trứ danh, trong sự chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ nhất của cảnh quan và quan trọng hơn hết là tạo dựng một bầu không khí thư thái, yên bình.

Giữa những hàng cây xanh rì đổ bóng xuống con đường nhỏ tĩnh lặng, giữa những ngôi biệt thự nhỏ nhắn, giữa những bãi cỏ và ghế đá tràn đầy cảm xúc, hiển hiện một chốn bình yên, nơi khiến người ta cảm giác thời gian ngưng lại.

Người ta thường nói thời gian là khái niệm trừu tượng và vô hình, nhưng đôi khi cái vô hình đó có thể hiện hữu, có thể kể tên, có thể cảm nhận trực diện.

Bạn cũng sẽ có cảm giác như vậy khi đẩy cánh cổng gỗ, bước qua bức tường ô gạch xám lặng lẽ, và bắt gặp tiếng nhạc của dàn nhạc dây văng vẳng. Đó chính là nơi mang lại cảm nhận rõ rệt nhất về bước chuyển của bốn mùa.

Con đường dẫn vào sảnh chính xôn xao bước mùa hè, với những tán cây xanh mướt, con đường lát gạch đá xanh mài nhẵn, ánh lên trong nắng, và những chú cá rực lên trong làn nước trong vắt. Đã nghe gió hè, đã nghe mát lạnh trong từng tiếng quẫy đuôi.

Màu vàng đặc trưng của mùa thu được sử dụng lặp lại một cách tiết chế trên những chi tiết trang trí nơi cánh cửa, ghế ngồi, trên những họa tiết nho nhỏ... đủ để gợi cảm giác một không gian đậm chất thu nhưng không làm người ta ngộp thở vì sắc vàng quá chói.

Những bức tường dày khiến không khí trong phòng luôn mát lạnh, ánh sáng trầm mờ len qua cửa kính, những ánh đèn vàng ấm cúng... tất cả điều đó lại nhắc tới mùa đông.

Thêm vào đó là những giỏ tỏi khô, ngũ cốc, gia vị... có thể bắt gặp trong bất cứ một căn bếp mùa đông nào của các gia đình Trung Quốc. Chính những chi tiết nhỏ ấy đã thổi luồng sinh khí của cuộc sống vào không gian được bày đặt khá lộng lẫy.

Và bạn có thể đón nhận không khí mùa xuân ngập tràn, với những dàn hoa phù dung ngũ sắc đang quấn quýt, nở rộ, rực rỡ và căng tràn nhựa sống. Tưởng như sắp có một cánh hoa khẽ rung rinh và rụng xuống tay bạn; tưởng như đang nghe cả thấy tiếng chao nghiêng của cánh én nhỏ.

Đó chính là những cảm xúc khi sống cùng kiến trúc cổ Trung Hoa.

KTS. Trí Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ