(Tổ Quốc) - Nằm bên dòng sông Thu Bồn Thanh bình, làng gốm Thanh Hà Hội An với hơn 500 năm hình thành và phát triển đã làm nên tên tuổi một vùng đất. Hội An đẹp và thu hút du khách không chỉ bởi những khu phố cổ trầm mặc mà còn bởi những làng nghề truyền thống. Mời đây "Nghề gốm Thanh Hà" được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, cách khu phố cổ Hội An hơn 3km về hướng Tây. Sử cũ kể rằng, đầu thế kỷ 16, các cư dân từ vùng Thanh Hóa di cư vào xứ Quảng mang theo nghề gốm dựng làng, xây lò, sản xuất những mặt hàng gốm gia dụng như nồi, bát, đĩa, ấm chén phục vụ cả một khu vực miền Trung Trung Bộ rộng lớn.
Nguyên liệu chính để làm ra những sản phẩm gốm Thanh Hà là đất sét nâu dọc sông thu Bồn. Đất sét lấy về được nhào nhuyễn rồi dùng kéo xén đất, cắt mỏng 3 đến 4 lần.
Trải qua năm thế kỷ, đến nay gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không dùng khuôn.
Công đoạn chuốt đất (tạo hình sản phẩm) phải có hai người (thường do phụ nữ đảm nhận), một người đứng 1 chân còn chân kia đạp bàn xoay trong khi đó 2 tay nhào đất.
Gốm Thanh Hà thịnh vượng nhất vào khoảng TK 17 – 18 gắn với thương cảng Hội An. Các sản phẩm của làng gốm được lên thuyền đi khắp vùng xứ Quảng, Thừa Thiên, rồi lên cả tàu biển vượt đại dương đến Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha…
Nghệ nhân Lê Thị Chiến (90 tuổi) ở làng gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) là một trong số ít những người theo nghề gốm truyền thống của cha ông từ thế kỷ XV chia sẻ " So với các nghề khác, bây giờ làm nghề gốm rất vất vả mà thu nhập chẳng được là bao. Bình quân một ngày làm cật lực cũng chỉ được từ 30 đến 40 ngàn đồng/người.
Tuy vất vả là thế nhưng khi được hỏi về chuyển đổi nghề, cụ Chiến nói: "Thế hệ tôi sinh ra hai bàn tay quen với đất sét, nghề truyền thống của cha ông thì mình cần phải có trách nhiệm giữ gìn và truyền lại cho con cháu giữ gìn nghể tổ của cha ông".
Những sản phẩm gốm cứ lần lượt ra đời từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của những người thợ gốm Thanh Hà.
Chị Bình chia sẻ, giờ làng tôi còn khoảng gần 100 người làm nghề gốm truyền thống, còn lại chuyển qua làm dịch vụ du lịch rồi.
Từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của những nghệ nhân trong làng, những sản phẩm từ đất nung như bình vôi, bùng binh, bình rượu, những chiếc ấm, chum, vại và cả những con vật gần gũi, thân thương hàng ngày cũng ra lò từ đó.
Gốm Thanh Hà được nung hoàn toàn bằng lò củi truyền thống. Ban đầu nhóm lửa khoảng 7-8 tiếng đồng hồ sau đó mới bắt đầu đốt thật lớn cho đến độ thì nghỉ lửa.
Làng nghề hiện có 33 hộ sản xuất với khoảng 80 lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và 1 thợ giỏi. Sản phẩm có hai dòng là gốm sành nâu (đồ xanh), được nung với độ lửa cao từ 800 đến hơn 1.000 độ C và dòng gốm đỏ (đồ đỏ), được nung với nhiệt độ thấp từ 300 độ C trở xuống.
Ngày nay, sản phẩm làng gốm chủ yếu phục vụ dân dụng và du lịch với các sản phẩm nhỏ gọn, tinh xảo. Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được sản xuất để phục vụ xây dựng kiến trúc và các công trình khách sạn, nhà hàng…
Ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch hằng năm, giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của người dân trong làng và du khách.
Du khách nước ngoài thích thú với nghề gốm Thanh Hà.
Điều đặc biệt, du khách còn được các "nghệ nhân" hướng dẫn tự tay "sáng tác" các sản phẩm theo óc tưởng tượng của mình.
Với những giá trị đặc sắc đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký chứng nhận "Nghề gốm Thanh Hà - phường Thanh Hà - thành phố Hội An - tỉnh Quảng Nam" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.