Về địa chỉ "đỏ" Bảo tàng Côn Đảo
Thực hiện: Thế Công | 01/08/2023
(Tổ Quốc) - Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 với diện tích 1.700 m2, Bảo tàng Côn Đảo là địa chỉ “đỏ” gắn liền với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích cách mạng đặc biệt của quốc gia.
Đến thăm Bảo tàng Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về sự kiên cường bất khuất của các anh hùng trong những năm tháng lịch sử; sự tra tấn, bóc lột dã man của Thực dân - Đế Quốc; những hiện vật từng là công cụ đàn áp những người Cộng sản kiên trung hay hàng ngàn thẻ bài gắn theo từng hài cốt liệt sĩ được tìm thấy dưới tầng cát mỏng...
Mỗi chủ đề được trưng bày tại đây đều mang đến những cảm xúc khó tả, lấy đi không ít nước mắt của du khách tham quan mỗi lần có dịp đến thăm bảo tàng Côn Đảo.
Bảo tàng Côn Đảo chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013, với diện tích không gian trưng bày là 1.700 m2, nằm ở khu vực trung tâm của đảo chính Côn Sơn, quần đảo Côn Đảo.
Gần 2.000 hiện vật và tư liệu được trưng bày theo bốn chủ đề chính tại bảo tàng: Côn Đảo - Thiên nhiên con người, Côn Đảo - Địa ngục trần gian, Côn Đảo - Trận tuyến, trường học và Côn Đảo ngày nay, đã đem lại một bức tranh đầy cảm xúc về 113 năm lịch sử tại Côn Đảo, với sự đối lập rõ nét giữa một bên là tội ác của chế độ Thực dân - Đế quốc và một bên là tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam.
113 năm lịch sử cách mạng tại Côn Đảo được lấy dấu mốc từ năm 1862 khi thực dân Pháp tiến hành xây dựng nhà tù Côn Đảo để giam cầm các chiến sĩ cách mạng và người Việt yêu nước cho đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng và tất cả người tù cách mạng tại Côn Đảo được trả tự do.
Bảo tàng Côn Đảo là một địa chỉ “đỏ” gắn liền với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích cách mạng đặc biệt của quốc gia, và đây cũng là địa điểm không thể thiếu trong chuyến tham quan, du lịch về nguồn tại Côn Đảo.
Các phần trưng bày rất đa dạng, sâu sắc liên quan đến lịch sử phát triển Côn Đảo, tội ác dã man của chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Bản đồ Côn Đảo
Không những thế, du khách đến đây còn có cơ hội tìm hiểu thêm về người dân tại mảnh đất này, cuộc sống đời thường của họ qua những bức tranh sống động khắc nghiệt về sự man rợ của nhà tù nơi đây.
Trong 113 năm vùng này là địa ngục trần gian.
Du khách đến thăm Bảo tàng còn có cơ hội chiêm ngưỡng những bức tranh, chân dung của những người tù chính trị và chiến sĩ Côn Đảo, những hình ảnh chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và cán bộ chính trị bị giam giữ trong chế độ cực kỳ tàn bạo mà không từ ngữ nào có thể diễn tả được.
Trong thời thuộc địa của Pháp, khoảng 2.000 người đã bị bỏ tù ở đây. Trong thời gian Mỹ tham chiến, có 4.000 người vào năm 1960, 8.000 người từ năm 1967 đến năm 1969, 10.000 người từ năm 1970 đến năm 1972, có 7.448 người trong nhà tù, trong đó có 4234 người phạm tội chính trị và 3214 người là dân sự và quân sự.
Những hiện vật còn lưu lại tại Bảo tàng
Những tư liệu miêu tả bản án tử hình của nhiều chiến sĩ cộng sản trong đó có anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Các viên gạch in dấu số hiệu các tù nhân
Trong khi tham quan và nghe giới thiệu, du khách sẽ có cơ hội hiểu về lòng yêu nước của người Việt Nam và sự hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh liệt sĩ, ngày 19/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm Bảo tàng Côn Đảo
Cùng đi với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng...