Làng tăm hương Quảng Phú Cầu tất bật sản xuất sau giãn cách xã hội
Thực hiện: Nam Nguyễn - Trần Đoàn Huy | 02/10/2021
(Tổ Quốc) - Sau gần 2 tháng phải tạm dừng sản xuất do TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất làng nghề bắt đầu hồi sinh, nhịp sản xuất sôi động trở lại ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách.
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vốn được biết đến là làng nghề có truyền thống hơn 100 năm. Đây là nơi cung cấp nguồn hương lớn cho khu vực phía Bắc. Ban đầu nghề làm hương tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng với mô hình nhỏ lẻ. Tuy nhiên vài chục năm trở lại đây, khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm được xuất khẩu, nghề này đã phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lao động, khắp 6 thôn trong xã Quảng Phú Cầu.
Nếu như trước kia, bước chân đến Quảng Phú Cầu có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh với hai sắc màu đỏ và nâu của chân hương và thân hương được phơi khắp đường làng, thì nay dường những hình ảnh đó hoàn toàn “biến mất”. Sở dĩ vậy là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên mọi hoạt động sản xuất của bà con làng nghề này hoàn toàn bị đình trệ.
Nhiều cơ sở sản xuất tăm hương ở Quảng Phú Cầu phải đóng cửa để tuân thủ quy định của Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Những người thợ của làng nghề bỗng dưng mất việc và thu nhập gần như không còn, bởi đại đa số đều sống bằng thu nhập từ việc làm tăm, hương.
Từ ngày 16/9, TP Hà Nội cho phép 19 quận, huyện “vùng xanh” được nới lỏng một số hoạt động trở lại, trong đó có việc cho các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất, cửa hàng ăn uống được mở cửa. Tuy nhiên khi trở lại sản xuất, các chủ cơ sở đều phải ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, cũng như yêu cầu công nhân phải chấp hành thông điệp 5K, rửa tay khử khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế vào mỗi sáng khi đến nơi làm việc.
Tại xưởng gia công làm hương của chị Nguyễn Thị Bình, thôn cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu hiện có 8 công nhân đang làm việc.
Công việc hàng ngày của các công nhân ở đây là làm thân hương, phơi khô sản phẩm.
Sau gần 2 tháng tạm nghỉ, các công nhân tại cơ sở của chị Bình đã trở lại làm việc.
Theo chị Bình, trước khi vào làm việc, các công nhân đều phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay. Các công nhân ở đây hầu hết đều là bà con trong làng và đã được tiêm vắc xin mũi 1 để phòng dịch Covid-19. Việc trở lại sản xuất không chỉ đem lại niềm vui cho công nhân mà còn giúp họ có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Tăm hương sau khi được phơi khô sẽ được bó thành từng bó lớn rồi được chuyển đi khắp nơi để se thành hương thành phẩm.
Bột để se hương cũng mỗi nhà mỗi khác. Theo một chủ xưởng sản xuất hương cho biết, hương ở Quảng Phú Cầu có nét riêng thơm mùi mộc, không đậu tàn vì không dùng hóa chất. Mùi hương của mỗi nhà cũng đều là bí quyết riêng không nhà nào giống nhà nào.
Ngày nay, công nghệ làm hương đã được hiện đại hóa. Việc xe tay truyền thống được thay thế bằng máy móc, hương vừa đẹp lại đều, cho chất lượng và năng suất cao.
Ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, hiện xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn thì cả 6 đều là các làng nghề, công nhân trong các xưởng sản xuất này chủ yếu là người trong làng nên việc quản lý cũng không gặp nhiều khó khăn.
Ông Nhất cho biết thêm: “Hiện nay chính quyền xã vẫn tiếp tục tuyên truyền vận động bà con, trước hết cần thực hiện tốt việc vừa sản xuất, vừa chống dịch. Đặc biệt tại các cơ sở sản xuất tăm, hương, người dân thực hiện rất tốt công điện, chỉ thị các cấp, đặc biệt là các thông báo của UBND xã Quảng Phú Cầu. Sau giãn cách, các hộ sản xuất chủ động có phương án phòng dịch, đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế”.
Hương sau khi se xong sẽ được phơi dưới nắng để giữ được hương thơm tự nhiên thay vì sấy khô, bởi theo những người thợ ở đây, sấy khô tuy nhanh nhưng sẽ làm mất đi mùi hương đặc trưng.
Theo người dân Quảng Phú Cầu, sản phẩm hương truyền thống của địa phương không sử dụng hóa chất tạo tàn vòng nên an toàn cho sức khỏe.
Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người nông dân tranh thủ làm khi nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương đã phát triển mạnh, trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân ở Quảng Phú Cầu.
Những người dân địa phương cho biết, thời gian gần đây, Quảng Phú Cầu đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới khám phá về nghề làm hương truyền thống cũng như để ghi lại những hình ảnh đẹp ở nơi này.
Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 nên nguồn khách du lịch đã không còn
Người dân Quảng Phú Cầu mong muốn dịch bệnh được kiểm soát để yên tâm lao động, sản xuất và đón du khách đến tham quan làng nghề độc đáo này của Thủ đô