(Tổ Quốc) - Ngày 12/2 (tức mùng 8 âm lịch), lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm lại được tổ chúc tưng bừng tại sân đình Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Làng Thị Cấm thuộc phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm). Hội Kéo lửa thổi cơm thi là niềm tự hào của người dân Thị Cấm về truyền thống văn hóa lâu đời.
Những vật dụng thô sơ được sử dụng trong hội thi được dân làng truyền từ đời này sang đời khác
Lễ hội thổi cơm bắt nguồn từ việc tưởng nhớ công của tướng quân Phan Tây Nhạc. Tương truyền, ông là tướng quân của Vua Hùng thứ 18, từng đóng quân ở làng Thị Cấm. Ông thường tổ chức cho quân lính thi thổi cơm. Sau khi ông mất, dân làng đã tôn ông làm Thành hoàng làng và hàng năm vào ngày mùng 8 Tết, thường mở hội thổi cơm thi để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ đến công ơn xưa
Mỗi đội được phát 1 kg thóc để tham gia phần thi.
Hội thi gồm 4 đội (dân làng thường gọi là giáp), mỗi giáp được cử 10 người dự thi bao gồm cả nam lẫn nữ không phân biệt tuổi tác.
Sau khi được phát trang phục cùng đồ đạc, nguyên liệu, các nam thanh niên đem thóc vào cối giã.
Sau đó, những người phụ nữ khéo tay sẽ sàng trấu để loại bỏ hạt thóc và sạn.
Cùng với đó, mỗi đội sẽ có 4 người nam tham gia kéo lửa, đòi hỏi phải có sự mưu trí và nhanh nhẹn.
Họ mang theo một nắm rơm vò nát làm bùi nhùi mồi lửa.
Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co cho cật giang cọ sát vào tre nhiều lần.
Chỉ sau vài chục giây,ngọn lửa đã bùng cháy ở bó rơm. Đội nào phát khói và tạo ra lửa sớm nhất sẽ giành chiến thắng trong phần thi này.
Tiếp đó, những người phụ nữ khéo tay và có kinh nghiệm nhất sẽ được lựa chọn cho phần thi thổi cơm
Trong khi nấu cơm người thi phải lấy que đè vung nồi để cơm tránh bị trào ra do lửa rất to
sau khi cơm sôi, các đội thường phải ủ bằng tro rơm khoảng 20 phút cho cơm chín đều.
Đến trước giờ chính ngọ (12h trưa) các bô lão trong làng sẽ đi vòng quanh sân đình xem xét các nhóm thổi cơm, chuẩn bị mang ra chấm điểm.
Để chọn được niêu cơm ngon nhất, các bô lão trong làng căn cứ vào mùi thơm, độ trắng và độ dẻo của hạt cơm.
Nồi cơm ngon nhất sẽ được đưa lên cúng Thành hoàng.
Sau khi kết thúc hội thi, các đội chia cơm cho dân làng để cầu mong một năm no đủ, an lành.
Cùng nhau dọn dẹp lại sân đình.