Về Ngọc Tiên, xem đàn ông nấu cơm thi
Thực hiện: Nam Nguyễn | 06/02/2023
(Tổ Quốc) - Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Giêng, người dân làng Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) lại mở hội làng truyền thống. Điểm đặc biệt là trò đánh lửa thổi cơm thi do các nam nhi trong làng thực hiện.
Lễ hội làng Ngọc Tiên gồm rất nhiều nghi thức và trò chơi độc đáo, lý giải vì sao người làng Ngọc Tiên luôn háo hức chờ đón và phải tham dự rồi mới chính thức bắt tay vào công việc đồng áng hay đi làm ăn xa...Tham dự hội làng năm nay có 6 giáp, được chia theo đơn vị xóm. Mỗi giáp phải có đủ 14 người đều là nam giới, tuổi từ 18 trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gia đình toàn vẹn, không vướng tang ma.
Trong đó có cuộc thi đánh lửa thổi cơm, thao diễn lại tài thao lược nuôi quân của ông cha thuở xưa, theo tướng quân Hoàng Văn Quảng (thời Hậu Lê) đi đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Điều đặc biệt là mâm cỗ thi này được thực hiện theo một chu trình từ A-Z và dựa vào sức người là chính. Phụ nữ ở làng Ngọc Tiên vẫn được coi là sướng nhất vùng vì cuộc thi hoàn toàn do nam giới thực hiện. Chính vì vậy mà trai làng Ngọc Tiên luôn nức tiếng là khéo léo. Ai lấy được trai làng Ngọc Tiên được coi là có “số hưởng” vì họ khá đảm đang trong vai trò “nam công gia chánh”.
Để chuẩn bị cho phần thi này, người dân đã phải lên kế hoạch và chuẩn bị trước đó nửa năm trời. Cuộc thi có 3 phần chính, gọi là địch thẻ (chạy từ chùa Ngọc Tiên ra đến đò Cựa Gà để lấy thẻ số thứ tự), địch thủy (cầm nậm nước chạy ra bến Cựa Gà, lội ra giữa dòng sông Ninh lấy đầy nậm nước) và địch hỏa (đánh lửa châm bếp).
Phần thi địch hỏa được coi là gay cấn, lôi cuốn không chỉ đối với người dự thi, dân làng mà còn cả với khách thập phương tham dự. Hàng năm, hội thi thu hút rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đến tham dự để ghi lại khoảnh khắc đẹp mắt.
Theo một số cụ cao niên trong làng kể về phần thi này mới thấy, người xưa nghĩ ra trò chơi không đơn thuần chỉ là trò giải trí, mà trong đó còn hàm chứa sự tài tình, khéo léo, ngoài sức người còn phải biết vận dụng quy luật của tự nhiên để mang lại chiến thắng.
"Việc đánh lửa chỉ diễn ra trong vòng chưa đến 1 phút, nhưng để đánh được lửa thì kỳ công vô cùng. Thanh tre để cọ lửa không phải là “tre thường” mà phải lấy từ cây tre chết bụi. Mang về ngâm nước rồi gác lên gác bếp hong trong vài tháng mới đạt. Còn bụi rơm để tiếp lửa cũng kỳ công không kém. Đó là bụi rơm được người dân dùng làm giẻ cọ chân mỗi khi đi làm nông về. Cọ lâu ngày nên túm rơm xơ ra. Sau đó đem vùi xuống bùn để hấp thụ khí phốt-pho. Sau đó mang phơi khô để chờ đến ngày mở hội thi. Phải có các công đoạn này thì khi đánh lửa mới nhanh lên"- Cụ Oanh - Thành viên ban tổ chức nói.
Ngọn lửa được tạo ra một cách rất nhanh với phương pháp thủ công.
Anh Bằng - người tham gia đánh lửa phe Đông Đoài cho biết: “Bí quyết chắc thắng trong phần thi này là dụng cụ địch lửa phải được làm từ cây tre chết bụi, lại phải gác bếp thêm ba tháng nữa mới sử dụng được".
Ngay khi có lửa các giáp nhanh chóng chạy đến đốt lá cờ có số 1 để giành điểm cao nhất.
Các đội đều sẽ phải hoàn thành phần thi này. Theo quan niệm năm mới phải lấy được lửa mới mong cả năm ấm no, sung túc.
Ngọn lửa tiếp tục được các giáp mang về thực hiện phần hấp dẫn nhất của lễ hội đó là nấu cơm thi.
Theo đó, phần thi này cũng "độc nhất vô nhị" không kém. Gạo phải được tuyển lựa 10 hạt như một và được nấu trong niêu đồng. Người chơi gánh chiếc cần trúc được uốn cong hình chữ S, vừa gánh vừa điều khiển lửa để nấu chín gạo.
Lý giải vì sao phần thi nấu nướng toàn đàn ông đảm nhiệm, phụ nữ không phải làm gì, Ban tổ chức thông tin: “Cuộc thi thực chất là phản ánh lại tài thao lược nuôi quân của tướng quân Hoàng Văn Quảng. Trên đường hành quân vốn không có nhiều thời gian nên phải vừa đi vừa nấu, mà tham gia đánh giặc thì chỉ có đàn ông. Sau này tái hiện lại, các cụ vẫn giữ nguyên tinh thần chỉ tuyển đàn ông tham gia”.
Đây cũng chính là nét độc đáo hấp dẫn làm nên đặc trưng của hội làng Ngọc Tiên so với các vùng quê khác.
Điều đặc biệt hơn nữa là các trò chơi này chỉ có nam giới mới được tham gia còn nữ giới chỉ đứng bên ngoài cổ vũ.
Bao đời nay, người làng vẫn giữ theo lệ cũ mà cha ông đã truyền lại.
Đôi bàn tay khéo léo của những người đàn ông làng Ngọc Tiên vừa đi vừa nấu cơm chín.
Rất đông người dân tham gia cổ vũ.
Qua giai đoạn khó khăn nhất là đến lúc cánh trai làng thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay ngày thường chỉ quen cầm cày cuốc và làm các công việc nặng nhọc để nấu cơm thi và làm cỗ cúng thành hoàng làng.
Quãng đường dài hơn 100m những người đàn ông Ngọc Tiên đã nấu cơm chín sẵn sàng cho mâm cỗ chay dâng lên Thành Hoàng.
Vì sự độc đáo này mà dẫu cho cuộc sống nhiều lo toan biến đổi nhưng nhiều năm trôi qua, người làng luôn bảo nhau rằng: “Dù ai đi khắp ba miền/Nhớ ngày lễ hội Ngọc Tiên thì về/Dù cho bận rộn tứ bề/Rằm Giêng mở hội thì về Ngọc Tiên”.