(Cinet)- Vượt lên những khó khăn chung, qua mỗi năm, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam lại có sự “thay da đổi thịt”, công tác quản lý, vận hành, khai thác trong điều kiện tiếp tục thi công gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt hiệu quả nhất định với những con số ấn tượng.
Điểm đến mới của Thủ đô
Nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang là một điểm đến du lịch thú vị, hấp dẫn đối với du khách. Điều đó được khẳng định rất rõ thông qua con số hàng trăm nghìn lượt khách đến với “Ngôi nhà chung”.
Những không gian văn hoá ấn tượng đang dần hiện hữu tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn |
Bên cạnh những sự kiện thường niên được tổ chức tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam như: Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” mừng Đảng, mừng Xuân; “Bản sắc văn hoá Việt Nam” nhân Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam 19/4; Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng chỉ đạo Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân và du khách, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Việc triển khai tổ chức khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc - “linh hồn” của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã thúc đẩy hiệu quả hoạt động của đồng bào dân tộc khi về với “Ngôi nhà chung” tại Thủ đô Hà Nội.
Các hoạt động văn hoá tại "Ngôi nhà chung" mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Ảnh: Phạm Lự, Hà Tuấn |
Du khách khi đến với Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn tìm thấy cho mình những điều mới mẻ. Thậm chí có những người đã nhiều năm gắn bó với Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhưng mỗi lần về với “Làng” cũng vẫn có những cảm xúc đầy mới lạ khi thấy nơi đây có nhiều thêm các công trình mới góp phần hoàn thiện không gian văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc em trong “Ngôi nhà chung”.
Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 86 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2016), chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) đồng thời giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong các ngày từ 18 - 23/11/2016, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/ thành phố tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”. Thông qua các hoạt động của Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” góp phần thu hút khách du lịch đến với “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc, tạo điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động, sự kiện năm 2016, hình thành điểm đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ba sự kiện văn hoá thường niên luôn là điểm nhấn ấn tượng. Ảnh: Hà Tuấn |
Với sự tham gia của khoảng gần 200 người là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào đại diện các dân tộc, các vùng, miền trong cả nước cùng các nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên các trường nghệ thuật… Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2016 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.
Bên cạnh những chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, bà con sẽ tái hiện cuộc sống hàng ngày như: thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, công cụ lao động; dân ca, dân vũ, giới thiệu trò chơi dân gian;… trong đó đáng chú ý là hoạt động giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thông qua trình diễn loại hình nghệ thuật nhạc cụ: Trống đôi, Cồng 3, Chiêng 5 của dân tộc Chăm và dân tộc Ba Na.
Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam" 2016 sẽ chính thức khai mạc tối 18/11. Ảnh: Hà Tuấn |
cho chuỗi các hoạt động, đêm hội khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra từ 20h00 - 21h30 ngày 18/11/2016 sẽ là dịp để cộng đồng các dân tộc Việt Nam sum vầy, giao lưu, giới thiệu những vẻ đẹp độc đáo, đặc trưng của văn hóa truyền thống, tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc trở thành di sản văn hóa quý báu cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Với chủ đề “Vòng tay Mẹ - bài ca đoàn kết”, chương trình tạo thành câu chuyện xuyên suốt, tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam, mà ở đó các đặc trưng văn hóa vùng miền, các bài hát đặc sắc, điệu múa truyền thống, uyển chuyển của từng khối biểu diễn, có sự tương tác, giao lưu của đại biểu, khán giả, diễn viên chuyên nghiệp và đồng bào dân tộc cùng hòa vào dòng chảy của mạch nguồn văn hóa dân tộc đi suốt chiều dài của đất nước và lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Nguyên Hà