(Tổ Quốc) - Đó là chuyến đi trở về miền ký ức, chuyến đi hướng đến tương lai để làm cho tâm hồn mỗi người thêm giàu đẹp hơn. Giàu đẹp hơn bởi lòng biết ơn vô hạn với những con người, với những mảnh đất, những tấm lòng đã tận hiến cho Tổ quốc. “Về nguồn” của cộng đồng doanh nhân TP. Hồ Chí Minh là một chuyến đi như thế!
Tri ân là sự biết ơn và đền ơn
Dâng hương tại Nhà tưởng niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải ở huyện Củ Chi, TP.HCM sáng ngày 15/10, Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn Trần Hoàng đã thay mặt cộng đồng doanh nhân TP.HCM nhắc lại bức thư động viên doanh nghiệp, doanh nhân tham gia công thương cứu quốc đoàn năm 1945 đầy ý nghĩa của Bác Hồ. Bức thư chỉ vỏn vẹn có 200 chữ chứa đựng nhiều tình cảm, có giá trị về lịch sử và sứ mệnh đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến. Đây là tiền đề quan trọng để ngày 20/09/2004 cố Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg công nhận ngày 13 tháng 10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Trước không gian trầm mặc, trang nghiêm của Nhà tưởng niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xúc động khi mình cùng đội ngũ doanh nhân TP.HCM được về ngôi nhà yên nghỉ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải dâng hương tri ân và thầm hứa rằng tình cảm của cố Thủ tướng sẽ nguồn động lực, niềm tin để mỗi doanh nhân như mình nỗ lực vươn lên, góp phần xây dựng thành phố và đất nước ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu theo như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ Củ Chi – đất thép thành đồng, hành trình "Về nguồn" vượt hơn 150 cây số đến với Đồng Tháp – đất sen hồng - kính cẩn dâng nén tâm nhang tri ân bậc nho sĩ yêu nước tại Khu Di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) và thầm hứa trước hương linh cụ Nguyễn Sinh Sắc là nguyện "Dù đang ở đâu, làm gì và vị trí nào cũng luôn cư xử đúng mực, làm ăn ngay thẳng, sống chính trực, có trách nhiệm xã hội, có đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững của cộng đồng địa phương và đất nước.".
Cùng nỗi niềm, bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây không khỏi bồi hồi khi đến nơi đây và đứng giữa Khu Di tích linh thiêng trong dòng chảy lịch sử "ôn cố tri tân" đều có chung một dòng suy ngẫm về những gì mình đã và đang làm còn quá nhỏ bé so với thân thế, sự nghiệp và nhân cách lớn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: "Tri ân không còn là trách nhiệm mà phải là nghĩa vụ của mỗi doanh nhân. Tri ân giản đơn là sự biết ơn và đền ơn với tiền nhân như là tâm tư tình cảm, giá trị văn hóa, đạo lý vô giá đã được cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi gắm... Từ đó ý thức được trách nhiệm của mình phải hành động ngay lời cụ..."
Sẻ chia là sống có trách nhiệm với lịch sử
Song hành với các hoạt động "ôn cố tri tân", hành trình "Về nguồn" còn là chuyến đi của sự sẻ chia, mang theo những tâm hồn, trái tim đồng cảm của cộng đồng doanh nhân TP.HCM đến với vùng đất sen hồng Đồng Tháp còn lắm âu lo về sự học của thế hệ trẻ. Hành trình "Về nguồn" đã trao tặng 50 suất học bổng cho 50 học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thông qua Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc.
Ông Võ Hồng Nhân - Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, Trưởng ban vận động Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc nhấn mạnh ý nghĩa từ tấm lòng của cộng đồng doanh nhân TP.HCM dành cho sự nghiệp hiếu học của tỉnh nhà. "Những suất học bổng quý giá này sẽ biểu dương, khích lệ tinh thần vươn lên đạt thành tích cao trong học tập của các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lan tỏa phong trào thi đua học tập. Mong rằng, không chỉ lần này mà Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc sẽ đón nhận nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của quý doanh nhân cho con em tỉnh Đồng Tháp trong nhiều lần sau...", ông Võ Hồng Nhân mong muốn.
Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp tại Cà phê Doanh nhân – Doanh nghiệp chiều ngày 15/10, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây Lê Thị Giàu cho biết, bên cạnh hoạt động kinh doanh, công ty bà luôn dành ngân sách cho các hoạt động cộng đồng – từ thiện, nhất là lĩnh vực giáo dục và y tế. Đợt dịch 2021, dù hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nhưng bà cùng các doanh nhân khác phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bình ô xy, trang thiết bị y tế cho các địa phương
"Kinh doanh, không thể không tính chuyện lời hay chuyện lãi, song không vì thế mà doanh nghiệp đứng ngoài cộng đồng. Bên cạnh kinh doanh, doanh nghiệp cần thể hiện giá trị qua các hoạt động tích cực cho cộng đồng, trong đó trao học bổng hay đỡ đầu cho trẻ em nghèo đến trường là việc làm xuyên suốt. Vì thế, đừng coi thể hiện trách nhiệm cộng đồng, hoạt động từ thiện chỉ là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn...", bà Lê Thị Giàu nhấn mạnh.
Cũng tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, bà Lê Thị Giàu cho biết hơn 10 năm qua, phía Công ty của bà cũng có chương trình nhận đỡ đầu hàng trăm trẻ em trên khắp mọi miền đất nước được đến trường và nay nguyện phát tâm (thông qua Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc) xin nhận đỡ đầu hỗ trợ 10 học sinh hiếu học nhưng không có điều kiện đến trường của tỉnh Đồng Tháp được nhận trợ cấp từ 500.000 đến 1.500.000 VNĐ đến 18 tuổi.
Có lẽ một ngày – một chặng đường không dài nhưng vô cùng hạnh phúc và rất đỗi tự hào của hành trình "Về nguồn" của 35 doanh nhân TP. Hồ Chí Minh. Trên hành trình cao đẹp ấy, "Về nguồn" không chỉ là chuyến đi của sự biết ơn, bồi đắp tâm hồn cho đội ngũ doanh nhân TP. Hồ Chí Minh mà trên hết còn chắp cánh cho những giấc mơ hiếu học còn dang dở của vùng đất sen hồng Đồng Tháp được bay cao, bay xa hơn.