• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Về nơi nguồn cội": Tấm gương sáng, nguồn động lực cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên

Văn hoá 26/05/2024 07:47

(Tổ Quốc) - Truyện ký "Về nơi nguồn cội" là tác phẩm tôn vinh các bậc tiền nhân của tác giả Đới Xuân Việt, những người đã có công xây dựng dòng họ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, của xã hội và để lại các tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nó cũng là nguồn động lực tiếp sức cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên.

Ngày 25/5, tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Bình, Quận 1, đạo diễn, nhà văn Đới Xuân Việt cùng nhà báo, nhà văn Lê Minh Quốc và nhà văn Kao Sơn, nhà văn Bùi Quang Lâm đã có buổi giao lưu trò chuyện "Về nơi nguồn cội" với độc giả.

"Về nơi nguồn cội": Tấm gương sáng, nguồn động lực cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên - Ảnh 1.

Các nhà văn, nhà báo tại buổi giao lưu

"Về nơi nguồn cội" là những ký ức trong trẻo của tác giả- đạo diễn, nhà văn Đới Xuân Việt. Cuốn sách vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, phác họa nên bức tranh gia đình của tác giả trong những năm tháng khó khăn của đất nước.

Tác giả Đới Xuân Việt được biết đến là 1 đạo diễn với những bộ phim đoạt giải cao trong các kỳ Liên hoan phim trong nước từ những năm 90 của thế kỷ trước cũng như đầu thế kỷ 21 như phim "Người đàn bà nghịch cát" (1989), "Anh chỉ có mình em" (1992), "Tình biển" (2005), "Mùa chim di cư" (1997), "Về với Biển Đông" (1997), "Môi trường Việt Nam đầu thế kỷ 21" (2006), "Cây di sản và bản sắc văn hóa Việt Nam" (2013)…

Trước khi ra mắt truyện ký "Về nơi nguồn cội", nhà văn Đới Xuân Việt từng là tác giả của tiểu thuyết "Đi qua vầng mặt trời" (2019), "Anh chỉ có mình em" (2020), "Hoa đỗ quyên nở muộn" "(2020), "Truyền thuyết nàng tuyệt vời" (2022).

Tập truyện ký "Về nơi nguồn cội" là một mạch viết mới của tác giả, với giọng văn đầy hình ảnh, qua câu chuyện của mình đưa độc giả đến với bức tranh toàn cảnh của gia đình tác giả những năm đầu thế kỷ trước cho đến khi đất nước được độc lập, giang sơn thu về một mối. Lồng ghép vào đấy là phần ký sự, ghi lại các biến cố của dòng họ thông qua số phận các nhân vật gắn liền với sự biến động của đất nước.

Cuốn sách có lối kể chuyện tự nhiên, không gò bó đã đưa người đọc về quê hương, cội nguồn trong sâu thẳm ký ức của nhà văn Đới Xuân Việt- là xứ Thanh (quê cha), xứ Huế (quê mẹ) với những hình ảnh và con người sống động, chân thực.

Ai sinh ra cũng từ mẹ từ cha. Đới Xuân Việt bắt đầu câu chuyện của mình từ hình ảnh nên thơ của một làng quê thuần nông, nơi mà "mẹ tôi về làm dâu họ Đái huyện Quảng Xương:"Làng tôi nằm ở vùng ven biển, cách biển ba cây số. Tôi xa quê đã bảy mươi năm nhưng những gì hương vị quê hương vẫn còn thấm đẫm hồn tôi…"

Cuốn sách kể về cội nguồn của dòng họ nội, họ ngoại của nhà văn Đới Xuân Việt, về các bậc tiên tổ cũng như những tấm gương sáng đáng được ca ngợi và noi theo của các vị đã để lại cho con cháu. Khai thác nét đẹp trong cội nguồn được nhất quán và xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Thông qua dòng họ của mình, tác giả còn cho thấy người Việt Nam ta từ xưa tới nay đều gắn bó máu thịt với quê hương, làng xóm, đều có lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Là cuốn truyện ký về đề tài gia đình nhưng tác phẩm không quá sa đà về những câu chuyện riêng tư, trong cuốn sách có những đoạn đời, phần đời của các thành viên trong gia đình gắn với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Đó là những người con đỗ đạt của họ Đái "Ông nội tôi họ Đái, một dòng họ hiếm ở tỉnh Thanh, có nhiều người nổi tiếng và thành đạt như người cộng sản Đái Xuân Lữ, nhà văn TchyA Đái Đức Tuấn, giáo sư văn chương và ngôn ngữ học Đái Xuân Ninh, kỹ sư Đái Xuân Du, bác sĩ Đái Xuân Phương…" Từng mảnh ghép đã tạo nên bức tranh của một dòng họ nổi tiếng xứ Thanh nước ta.

Bằng giọng văn chân thật và trân trọng những giá trị cốt lõi trong các gia đình người Việt từ xưa tới nay mà tác giả đề cập tới những vấn đề thường rất khó truyền tải bỗng trở nên đơn giản, dễ hình dung. Như câu chuyện về giữ gìn nền nếp, gia phong trong mỗi gia đình- là căn cốt để xây dựng, giữ gìn và bảo vệ nếp nhà trong mỗi gia đình người Việt, dù trong hoàn cảnh xã hội, địa lý nào, qua cách ông ngoại của tác giả nhìn người "… cụ gả con trước hết là nhìn vào tư chất, phẩm giá của các con rể tương lai. Con rể trước hết phải là người có học, có tri thức để làm chỗ dựa cho gia đình. Có tri thức, có học thức, có nghề nghiệp chuyên môn cao thì mới có thu nhập cao để nuôi sống gia đình và dìu dắt con cái thành đạt. Đó là cái gốc của đời sống."

Những câu chuyện phản ánh những con người, những số phận đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát đã đứng dậy ra sao, đã phấn đấu ra sao cho một cuộc sống bình yên và tốt đẹp hơn. Những con người đó luôn hướng đến những điều tốt đẹp, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước.

"Về nơi nguồn cội" là tác phẩm tôn vinh các bậc tiền nhân của tác giả đã có công xây dựng dòng họ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, của xã hội và để lại các tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nó cũng là nguồn động lực tiếp sức cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên.

Nói về giá trị cuốn sách, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, đây là hình ảnh tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử, tiêu biểu cho cá tính của dân tộc mình. Bên cạnh đó là những ước mơ của nhà văn khi viết về câu chuyện của cuộc đời mình, của gia đình mình và may mắn khi ông đã chạm được đến những giá trị đó qua câu chuyện về các ông cậu, bà cô, ông nội, ông ngoại… trong cuốn sách. Đây cũng là một câu chuyện để truyền cảm hứng cho những tác giả khác viết nên những câu chuyện như thế.

Còn tác giả Đới Xuân Việt thì chia sẻ, "Tôi chợt nghĩ đến công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở rộng bờ cõi, tạo dựng nên nước Việt Nam hào hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay. Do vậy, tôn trọng công lao của của các bậc tiền nhân là phẩm giá của lớp người kế thừa lịch sử."

"Về nơi nguồn cội": Tấm gương sáng, nguồn động lực cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên - Ảnh 2.

Bìa sách

Hướng về cội nguồn là tâm tưởng của người Việt từ bao đời nay. Nó luôn nhắc nhở ta sống không quên nguồn gốc của mình, luôn khắc ghi và phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, sống có đạo lý, có trước, có sau. Giá trị của cuốn sách đã vượt qua giới hạn là một cuốn gia phả, trở thành một cuốn truyện ký sự hấp dẫn rất đáng được quan tâm.

"Về nơi nguồn cội" dày 208 trang xuyên suốt từ: Mẹ tôi về làm dâu họ Đái huyện Quảng Xương; Tuổi thơ; Trang ấp của ông ngoại; Trở lại Huế; Các cậu em mẹ tôi; Ra Hà Nội; Về sống ở trường Chu Văn An; Bố Tôi; Mẹ tôi một đời gồng gánh…

"Về nơi nguồn cội" là một thiên ký sự, một truyện dài về một dòng họ đã trải qua hơn một thế kỷ từ khi đất nước bị xâm lăng cho đến khi hoàn toàn độc lập. Cuốn sách cũng là lời tri ân của tác giả dành cho các thế hệ trước trong gia đình, những người đã có nhiều đóng góp không chỉ cho gia đình, dòng họ mà còn cho đất nước.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ