(Tổ Quốc) - Nhiều người cho rằng vịt trời là giống hoang dã, không thể thuần. Thế nhưng người dân ở khu vực bãi biển Tuần Châu đã dám liều thách thức "của trời" đó.
Còn nhớ một tiền bối "sành ăn" bảo: Xưa nay ăn vịt trời là những người có sành ăn, giàu có. Mỗi lần đi ăn vịt trời đều phải dằn túi kha khá tiền. Bởi vịt trời vốn khó bắt, ngon và rất đắt đỏ. Mà mỗi con cũng chỉ một "dúm", nặng chừng hơn 1kg.Thế nhưng, nay chuyện vịt trời trở thành món đặc sản trong tầm tay mê ẩm thực…!
Ngoạn mục chuyện đưa "vịt trời"…về trang trại nhà
Đến tổ 1, khu 1 (phường Tuần Châu, TP Hạ Long), hỏi chị Vũ Thị Huyền hay Huyền vịt trời, ai cũng biết. Bởi gia đình chị là hộ đầu tiên dám "đánh bạc" với ông trời, biến của trời thành của nhà…!
Những tưởng câu chuyện này như đùa! Xưa nay, khu vực đầm hoang ven biển Tuần Châu đầy lau sậy vốn rộng mênh mang.
Chị Huyền kể: "Đây là khu vực có nhiều ao đầm, lại gần biển, thế nên vào dịp mùa đông, vịt trời thường về tránh rét thành từng đàn lớn, đẻ trứng rất nhiều. Nhà tôi nhiều lần bẫy vịt trời, bắt vịt con về nuôi, chăm sóc cẩn thận để thuần chủng, nhân giống. Thế nhưng một điều lạ là tất cả vịt trời to hay nhỏ nuôi nhốt đều không ăn uống, tự chết trong vòng 2-3 ngày…".
"Cái duyên" nuôi loài vật này đến với chị rất tình cờ. Bẵng đi một thời gian dài, trong một lần chị được hàng xóm cho một ổ trứng vịt trời nhặt được trên đường đi làm sớm.
Sau khi đi tìm hiểu, học hỏi kỹ kinh nghiệm nuôi vịt trời ở Hoành Bồ, Bắc Giang..., chị quyết định tìm nhặt hoặc mua lại các ổ trứng vịt trời người dân nhặt được. "Thấy tôi bỏ tiền mua trứng vịt trời ấp nuôi, nhiều người can, có người cho rằng tôi gàn vì có ai nuôi "vịt trời" cơ chứ!".
Sau khi gom được số lượng lớn trứng, sẵn lồng ấp gà, chị Huyền cho trứng vào ấp. Sau 28 ngày ấp, trứng vịt cũng nở ra 42 con vịt trời lông vàng, khoang đen trong niềm vui khôn xiết của chị. Thời gian đầu chị cho vịt ăn cám. Sau 20 ngày, vịt được cho ăn ngô, thóc, cám kết hợp với rau, bèo, cây chuối... Vịt ăn rất khoẻ, ít bệnh, sinh trưởng nhanh.
Trong thời gian 3 tháng đầu, sợ vịt bay mất, gia đình giăng lưới trên ao nuôi đề phòng. Bước ngoặt chỉ đến khi một dịp mưa bão, nước dâng ngập hết chuồng trại. Sợ vịt mắc kẹt trong lưới mà chết, chị quyết định dỡ lưới. Ngay sau khi gỡ lưới, cả đàn vịt hàng chục con đồng loạt vỗ cánh bay lên trời trước sự ngỡ ngàng của chị và gia đình.
Tưởng đã toi công. Nhưng sau nửa ngày, khi chiều chạng vạng về trên ao, bỗng nghe tiếng lao xao. Chạy ra đầm tôi thấy đàn vịt lại bay trở về đúng vị trí cũ, không thiếu một con. Sau vài lần như vậy, chị quyết định tháo gỡ hết lưới giăng trên mặt ao, nuôi vịt theo cách chăn thả bán tự nhiên. Đều đặn mỗi sáng, sau khi cho vịt ăn, chị lại thả cho vịt bay quanh khu vực ao đầm tìm kiếm thức ăn.
Tin tưởng vào kinh nghiệm thu được, chị nuôi vịt trời đẻ, gom trứng vào ấp nhân giống. Đối với vịt sau 3 tháng tuổi, để hạn chế vịt bay mất, chị tiến hành cắt một phần lông cánh, cho ăn đều đặn theo lịch.
Sau khi được thuần, chị mới gỡ lưới, cho vịt bơi, bay tự nhiên cùng đàn tìm thức ăn. Bằng cách làm này, tới nay, chị đã có đàn vịt thường xuyên trên 500 con, trong đó có trên 200 con vịt thương phẩm. Gia đình còn thuê đầm rộng 7ha, tiến hành ấp trứng tạo giống để nuôi và bán
Đàn vịt trời nhà anh Việt nuôi thả theo hình thức bán tự nhiên và cũng không cần chăng lưới, vịt cứ việc bay đi kiếm mồi, sau đó lại bay về. "Bí quyết" để chúng không bỏ đi mất là hàng ngày anh Việt đều chuẩn bị thức ăn và cho chúng ăn vào những thời gian cố định.
Từ việc nuôi với số lượng ít, nay gia đình anh Việt còn mở trang trại thuê ao đầm rộng hàng nghìn m2 để chăn thả, nuôi thêm cá, trồng rau, chuối v.v. để bổ sung thêm nguồn thức ăn cho vịt. Chính vì vậy, vịt trời được thuần chủng có thịt thơm ngon, không có mùi hôi, hoi như vịt trời ngoài tự nhiên.
Với việc đầu tư nuôi vịt trời, gia đình anh Việt đã có thu nhập cao từ việc bán vịt giống và bán vịt thương phẩm. Ngoài ra, gia đình anh còn mở nhà hàng phục vụ các món ăn đặc sản từ vịt trời.
Vịt thuần chủng lại được nuôi theo hình thức bán tự nhiên, chăn thả ra môi trường tự nhiên, lặn ngụp kiếm cá tôm, bay cùng đàn tìm kiếm thức ăn... nên thịt vịt rất chắc, dai, ngọt. Thịt vịt trời mềm, có màu đỏ tươi, thơm ngon; đặc biệt vịt trời không có vị "hoi", tanh như vịt thường…" - chị Huyền nói.
Đặc biệt, vịt trời nuôi theo hình thức này chỉ đạt trọng lượng như vịt tự nhiên, từ khoảng 1-1,5kg/con. Và vịt trời cũng trở thành món ăn ngon được gia đình giới thiệu ở chính nhà hàng của gia đình.
"Để chế biến thành món ăn, phải chọn những chú vịt trời đã trưởng thành, đạt độ tuổi từ 7-8 tháng trở lên. Vịt trời có thịt ngon thường là những con đực to, đạt trọng lượng tối đa. Vốn là giống hoang dã, tuy đã thuần chủng nhưng vẫn được nuôi thả, không bị nhốt mà tự bay đi kiếm thức ăn ngoài tự nhiên nên thịt vịt trời ở quán ăn gia đình tôi rất chắc, ngọt. Thịt vịt trời có tính hàn, bổ dưỡng, trừ nhiệt, tốt cho sức khỏe, được thực khách rất ưa thích" - Chị chia sẻ.
Với giá 500 nghìn/con (trung bình khoảng 200-300 nghìn/suất), bạn có thể "đổi gió", vừa đi câu cá, vừa thưởng thức đặc sản vịt trời ngay tại trang trại trên vào ngày nghỉ cuối tuần.