(Tổ Quốc) - Nhà báo nổi tiếng Australia U.Bơcset đã từng nhận xét: "Nét điển hình ở Hồ Chí Minh là chỉ với một vài từ hoặc một vài hình ảnh, Người có thể trình bầy được những vấn đề phức tạp".
Ảnh tư liệu
Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ thiên tài mà còn là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tác giả của hàng nghìn bài báo bằng nhiều thứ tiếng Việt, Pháp, Nga, Trung… với những đặc trưng nổi bật: mộc mạc, giản dị, trong sáng, ngắn gọn và dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Nhờ đó, những bài nói, bài viết của Người luôn được mọi người cảm thụ sâu sắc và có sức thuyết phục mạnh mẽ. Trước lúc đi xa về với thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lại cho muôn đời sau Bản Di chúc chỉ vỏn vẹn có khoảng hơn 1000 từ thôi nhưng đã thể hiện trọn vẹn những điều tâm huyết, những trăn trở của một vị lãnh tụ trong những ngày đất nước có chiến tranh ác liệt và những dự cảm cho tương lai. Cũng chỉ hơn 1000 từ thôi mà từ Bản Di chúc đã toát lên tầm vóc vĩ đại; tâm hồn cao thượng, phong phú; lối sống thanh cao, giản dị của Người; đặc biệt là tình thương yêu vô hạn đối với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Từ đó, Bản Di chúc là động lực quan trọng và mãi mãi đồng hành với chúng ta trong quá trình Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bài viết này xin đề cập đến phong cách diễn đạt của Bác thể hiện qua Bản Di chúc, một phong cách mẫu mực cho cả hiện tại và tương lai.
1. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói và viết không đơn thuần là một hành động thông tin mà còn là quá trình tác động lên người nghe, người đọc, nhằm thuyết phục, cảm hóa, nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm và hành vi, hướng mọi người vào các hoạt động thực tiễn cách mạng phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội, của thời đại. Chính vì vậy, trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng phong cách diễn đạt, coi đó là công cụ đắc lực không thể thiếu để tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng, củng cố niềm tin, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Và trong rất nhiều điều Bác Hồ mong muốn các cán bộ cách mạng phải rèn luyện, có điều Bác mong muốn mỗi người đều phải học viết, học nói. Đối với Bác, tiếng Việt là của cải lâu dài và vô cùng quý báu của dân tộc, "chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm nó phát triển ngày càng rộng khắp". Học viết, học nói cũng không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ tuyên truyền, trong đội ngũ những người cầm bút mà cũng là điều cần thiết đối với mọi người.
Để diễn đạt đạt được hiệu quả, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết cần xác định rõ chủ đề đối tượng, mục đích của việc nói và viết từ đó mới có thể tìm cách nói, cách viết cho phù hợp nhất mới chủ đề, với đối tượng để đạt được mục đích đề ra. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Người căn dặn: "Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?". Trong bài giảng về cách viết tại lớp chỉnh Đảng trung ương ngày 17-8-1953, Người cũng chỉ rõ: "Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?... Viết để làm gì? Viết cái gì". Khi đặt câu hỏi "viết cho ai và viết cái gì", Người đã xác định chủ đề của bài viết: "…Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài" thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên tryền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội"(1).
Hơn thế, chúng ta còn thấy trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là diễn đạt chân thực để cung cấp cho người đọc, người nghe lượng thông tin ngắn gọn, chính xác. Ngay từ năm 1946, Hồ Chí Minh đã căn dặn các cán bộ tuyên truyền rằng: "Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe"(2). Hồ Chí Minh đề cao tính "chân thực" bởi nó vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Mỗi bài nói, bài viết của phải đúng sự thật, tức là phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: "Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra"; không nên nói ẩu"; "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết". Người thường phê phán những hiện tượng thiếu chính xác, thiếu chân thực, thói giả dối khi viết, khi nói với quần chúng cũng như trong hoạt động của các tổ chức Đảng và Nhà nước. Sự thiếu chân thực, giả dối trong nói và viết không chỉ làm quần chúng giảm lòng tin mà còn làm cho Đảng không thấy đúng tình hình, rõ người, rõ việc, để xác định những chủ trương đúng đắn, những giải pháp phù hợp hoặc sửa chữa kịp thời khi có sai lầm.
Trong công việc cũng như trong quá trình chuẩn bị bài nói, bài viết của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể nhằm phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể. Người cho rằng: không ai có thể hiểu được mọi thứ, làm được mọi việc. Lãnh đạo giỏi không phải tự mình nghĩ ra, tự mình làm lấy mà điều quan trọng là phải biết tạo điều kiện cho mọi người được đóng góp sức lực và trí tuệ của mình vào công việc chung, có như vậy mới phát huy hết sức mạnh và trí tuệ của tập thể. Người thường xuyên trao đổi bài viết, bài phát biểu của mình cho nhiều người đọc, lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh bài viết, bài phát biểu sao cho thật phù hợp với đối tượng người đọc, người nghe.
Không chỉ cẩn thận trong bài viết mà ngay trong các bài phát biểu, Bác cũng chuẩn bị rất kỹ và thường trao đổi với mọi người về những điều mình sẽ nói. Người thường nhắc nhở và khuyên mọi người: viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng. Theo Người "Viết dài mà viết rỗng, thì không tốt, viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài…"(3). Hồ Chí Minh luận giải: "Cách viết thế nào? Trước hết cần phải tránh cái lối viết "rau muống" nghĩa là lằng nhằng (…) Viết rồi phải thế nào? Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại" (4).
2. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân ta là một văn bản rất đặc biệt. Nó đặc biệt ở nhiều lẽ. Trước hết, nó không đơn thuần là một "chúc thư" vẫn được hiểu trong dân gian từ trước đến nay. Di chúc người xưa, là lời dặn dò gửi lại cho người thân (thường là vợ/chồng, con cháu, những người trong họ hàng, gia tộc…) của ai đó trước khi mất. Nội dung của nhiều di chúc chủ yếu là về việc phân chia, thừa kế gia sản hay trăng trối những mong muốn cuối cùng (cũng vì thế mà đối tượng cần nhắn gửi ít, hạn chế trong phạm vi hẹp, thậm chí giữ kín không cho người khác biết). Thứ hai, Di chúc của Bác là Di chúc của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu hi sinh vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, thì ngoài việc thể hiện những tình cảm của Người đối với toàn Đảng, toàn dân tộc, Người còn gửi gắm, truyền đạt những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi như: Xây dựng Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân… Đó là "những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau". Như vậy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt ra ngoài khuôn khổ đơn thuần là "lời dặn lại trước lúc lâm chung" như cách hiểu thông thường. Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử, thể hiện cô đọng nhất những tư tưởng, quan điểm của Bác về những vấn đề liên quan đến sự nghiệp cách mạng lâu dài của dân tộc ta. Bản Di chúc được viết từ một lãnh tụ, nhà tư tưởng, một nhân cách văn hóa lớn… nên kết tinh nhiều nét, trở thành một "thông điệp" mang tính thời đại.
Như chúng ta đã biết, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi thảo từ ngày 15-5-1965, sau đó được viết, sửa lại, bổ sung thêm 3 lần nữa (kết thúc 10-5-1969). Viết trong khoảng thời gian 4 năm, nhưng tựu trung, bản Di chúc vẫn là một văn bản nhất quán, mạch lạc và có bố cục chặt chẽ, thể hiện rõ phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh: rất thiết thực, so sánh rất cụ thể và kết luận rất chặt chẽ.
Ngay từ phần mở đầu của Di chúc là đoạn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và sửa lại nhiều nhất, chủ yếu là để "cập nhật" cho phù hợp với diễn biến thời gian. Bác đã linh cảm đến ngày "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác" ngay khi chuẩn bị mừng thọ Người 75 tuổi (1965). Đọc kĩ, ta thấy sự cân nhắc của Người là có lí. Người đã cố chọn một cách "vào đề" phù hợp nhất để nói điều mà toàn dân và cả chính bản thân Người không ai muốn. Ở bản Di chúc năm 1965, Bác đã nhẹ nhàng, làm "mềm hóa" vấn đề bằng việc dẫn thơ của Đỗ Phủ, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Đường (Nhân sinh thất thập cổ lai hi). Việc dẫn đó, Bác muốn nhấn mạnh: thọ tới 79 tuổi (như Bác) thuộc diện "hiếm" đối với mọi người. Người đã vượt "ngưỡng" của tuổi thọ (mốc 70 tuổi); bản thân Người tuy tuổi cao những vẫn sáng suốt, minh mẫn (Đó là điều thật quý giá); Nhưng dù sao thì việc ra đi bất thường (của Người) là rất có thể xảy ra; vì vậy, việc viết "mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác" là cần thiết… Một đoạn mở đầu đơn giản, độc đáo, đậm chất nhân văn và có sức thuyết phục cao, làm lay động lòng người. Ở phía trên, bên trái, hơi chếch ra ngoài lề của bản viết, Bác ghi thêm hàng chữ: "Tuyệt đối bí mật". Bác không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người "sắp đi xa", ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi.
Đặt trong bối cảnh Bác bắt tay vào viết bản Di chúc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta còn rất ác liệt, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng là rất lớn, trong đó Bác là ngọn cờ chỉ lối, là niềm tin, là lãnh tụ tối cao có khả năng tập hợp sức mạnh toàn dân. Vì vậy, mà ngay từ lời đầu tiên, Người đã khẳng định một niềm tin như chân lí, để toàn dân vững tâm: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn".
Câu "Đó là một điều chắc chắn" được xuống dòng, đặt riêng một đoạn tạo nên một ấn tượng cảm nhận và giá trị khẳng định cao hơn hẳn. Bác muốn truyền một sự tin tưởng tuyệt đối cho nhân dân. Khẳng định niềm tin tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, ở phần tiếp theo của bản Di chúc Bác viết năm 1965, Hồ Chí Minh có một lối diễn đạt điển hình, súc tích khó ai có thể viết được đầy đủ và hay hơn thế: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"(5). Đây không còn là ngôn từ thuần tuý nữa mà là niềm tin, khát vọng cháy bỏng, tình cảm thiêng liêng và chí hướng phấn đấu của toàn dân tộc. Lời nói của Người trở thành lời hiệu triệu, thôi thúc lên đường hành động, lan toả và gắn kết hàng triệu trái tim thành một nhịp đập. Bốn từ "nhất định" được lặp lại nhưng không thừa và không thể bỏ đi một từ nào cả; mỗi từ có vai trò, vị trí riêng; từ "phải" và từ "sẽ" được Người dùng hết sức đắc địa, chỉ thì tương lai của hai đối tượng nhưng đều hướng tới một kết cục duy nhất: Chiến thắng cuối cùng thuộc về nhân dân ta.
Như đã nói ở trên, bản Di chúc đã vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi như: Chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng thế hệ Cách mạng cho đời sau; kế hoạch xây dựng lại Thành phố, làng mạc, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân…Nhưng có lẽ, điều Bác Hồ quan tâm nhiều nhất, suy nghĩ nhiều nhất chính là vấn đề xây dựng Đảng. Người viết: "Trước hết nói về Đảng". Nhìn chữ viết bằng mực đỏ trong bút tích của Bác, lòng chúng ta dâng lên niềm xúc động lớn lao. Bác là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, một người cả đời chăm lo cho sự lớn mạnh của Đảng về cả thể chất và tinh thần. Vì Bác biết: sự lớn mạnh của Đảng cũng chính là sự lớn mạnh của cách mạng, của dân tộc. Ở đoạn nói về Đảng, ta thấy nhiều đoạn được lặp có chú ý: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Đây thực sự là những áng văn thể hiện tư tưởng, cốt cách Hồ Chí Minh. Cách lặp tạo nên nhịp điệu hùng hồn, làm cho sức lan tỏa của văn bản rộng hơn, người đọc dễ nhập tâm và hiệu ứng ngữ nghĩa cũng cao hơn. Cũng ở đoạn này, năm 1966 Bác ghi thêm liền sau đoạn đó: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Cán bộ, đảng viên chúng ta từ trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng, sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế. Chỉ một câu thôi, nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Bởi nếu không xuất phát từ "tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" thì dù có tự phê bình và phê bình" đến mấy, dù được gọi là "có tinh thần đấu tranh thẳng thắn" đến mấy, hiệu quả cũng chẳng được là bao…
Tiếp theo về ngôn ngữ diễn đạt, ngôn ngữ bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có lối diễn đạt rất khác so với các văn kiện cũng mang tính lịch sử mà Người đã soạn thảo trước đó như Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước... Với bản Tuyên ngôn độc lập - bản khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xã hội và là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hướng đến một công chúng lớn mà đối tượng đích là "Quốc dân và Thế giới", tác giả Hồ Chí Minh đã viết văn bản trong một sự hào sảng cao độ, các cảm xúc như trào lên ngọn bút quanh hai từ Độc lập và Tự do. Ngôn ngữ luật pháp được vận dụng triệt để, các phát ngôn rất kiên định, cương quyết nhưng không lên gân mà rất tự nhiên, trung thực, đầy tính nhân văn và lịch lãm. Còn với bản Di chúc, một văn bản chứa đựng những lời tâm sự cá nhân, những nguyện vọng và mong muốn của một trưởng lão Quốc gia đối với những vấn đề lớn của đất nước trước khi rời khỏi cõi bình sinh. Như nhận thức được cái tất yếu của quy luật cuộc sống, Bác Hồ đã dùng ngôn ngữ của một lối viết rất bình thản, tự tin, hơn thế có chỗ còn dí dỏm để an ủi mọi người. Tuy là tâm sự cá nhân nhưng trong Di chúc Bác nói tới toàn là chuyện "Quốc gia đại sự " ở thời điểm đó và cả những tính toán lâu dài cho tương lai của đất nước và cuộc sống của nhân dân sau chiến tranh. Ngôn từ của Di chúc rất hiền từ, dung dị và khiêm tốn, không áp đặt, không mệnh lệnh rao giảng mà khuyên bảo chí tình. Mỗi chữ, mỗi từ, mỗi câu, mỗi đoạn văn được viết ra ở đây như là kết quả của sự nung nấu, suy tính, so sánh, chắt lọc, chưng cất, chứa đựng chiều sâu của tư tưởng, tình cảm, sự giàu có, phong phú của tâm hồn, nhân cách, chiều cao của trí tuệ Hồ Chí Minh. Có ngày, suốt một tiếng đồng hồ, Bác chỉ thay đổi một chữ. Có ngày Bác làm việc rất tập trung nhưng cuối cùng vẫn không bớt hoặc thêm một chữ nào. Như ngày 18/5/1969, Bác chữa hai chữ và thêm hai chữ, đứng về mặt ngữ pháp, có thể nói là một sự mẫu mực, đó là câu: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ". Bác gạch chữ "thăm hỏi" và thay vào chữ "chúc mừng". Đến ngày thắng lợi hoàn toàn thì đi "chúc mừng" là chính xác nhất. Nhưng ở câu tiếp theo: "Thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng" chữ "thăm hỏi" ở đây là đúng chỗ. Chính xác về mặt ý nghĩa đã đành mà còn vì nếu không thay chữ "chúc mừng" vào chữ "thăm hỏi" ở trên thì sẽ xảy ra trường hợp trùng lắp hai chữ "thăm hỏi" trong cùng một câu. Sau câu "... để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ". Bác thêm chữ "anh hùng". Do đó mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng một câu văn vừa khoáng đạt, vừa thân tình trong Di chúc của Bác: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quí của chúng ta..."(6).
Di chúc là một tuyệt tác nghệ thuật về cấu tứ, lôgíc triển khai khoa học, cách thức diễn đạt và nghệ thuật dùng từ; tích hợp cái thâm trầm, sâu lắng, ý tại ngôn ngoại của văn hoá phương Đông; cái chi tiết, cụ thể nhưng đầy hình tượng của lối tư duy phương Tây và bao trùm lên tất cả là tinh thần cách mạng, khoa học, chiều sâu nhân văn của lý luận Mác - Lênin. Đó là tác phẩm thể hiện một cách đậm nét phong cách tư duy, chất trí tuệ, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời thường nhưng có sức lay động tâm can của nhà hiền triết Hồ Chí Minh. Vì vậy, tìm hiểu học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp cho chúng ta nâng cao trình độ diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng là công bộc tận tụy của nhân dân như Bác Hồ mong muốn./.
Nguyễn Thị Kim Liên
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 171
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.151
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 339.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 208.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 611 - 624
(6) Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005