Về thăm khu di tích cách mạng Tân Trào những ngày tháng 8
Thực hiện: Bảo Trung | 18/08/2022
(Tổ Quốc) - Giữa Tháng Tám mùa thu lịch sử, trở lại Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi mà cách đây 70 năm, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Quốc dân Đại hội được tổ chức với hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, chúng tôi cũng như bao người con đất Việt thấy thật tự hào.
Đã 77 năm kể từ mùa thu năm 1945, nhưng Tân Trào vẫn còn vẹn nguyên những giá trị lịch sử, du khách về Tân Trào được sống trong không khí hào hùng, được nghe những câu chuyện về “ông Ké” và những năm tháng không thể nào quên của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ tháng 6-8/1945 chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Lán Nà Nưa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng đông.
Lán được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi.
Trong lán có bàn bằng nứa, có phên lát sàn để Bác làm việc, nghỉ ngơi. Ở đầu lán có hòn đá to, nơi đặt bếp nấu cơm.
Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ tháng 6-8/1945 chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Ở lán Nà Nưa, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ ngày 4/6/1945 bàn việc củng cố căn cứ địa, thành lập “Khu Giải phóng”, “Quân Giải phóng”.
Cũng ở lán này, Bác đã ngày đêm chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc của Đảng từ 13-15/8/1945, quyết định Tổng khởi nghĩa và chuẩn bị cho Quốc dân đại hội ngày 16/8/1945.
Đình Tân Trào là một ngôi đình nhỏ thờ các thần sông núi của làng Tân Lập.
Đình Tân Trào là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng.
Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào.
Dưới mái đình này, ngày 16/8/1945 các đại biểu khắp mọi miền đất nước đã về họp Quốc dân đại hội. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, qui định Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, tức là Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Sáng 17/8/1945, thay mặt Chính phủ Lâm thời, Bác Hồ đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân.
Mái đình Tân Trào không chỉ ghi dấu những sự kiện lịch sử trong thời kỳ cách mạng, mà còn ghi dấu những sự kiện sâu sắc trong thời kỳ hòa bình. Vào ngày 20/3/1961, Bác Hồ đã về thăm lại quê hương cách mạng Tân Trào, thăm lại mái đình Tân Trào-nơi mở đầu cho một cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.
Cây đa Tân Trào cách đình Tân Trào khoảng 500m về phía đông. Dưới bóng đa cổ thụ này của làng Tân Lập, chiều 16/8/1945, Quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản quân lệnh số 1 và ngay sau đó Quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên về giải phóng thủ đô Hà Nội.
Trải qua 77 năm, dấu vết thời gian đã hằn sâu lên những di tích nơi đây, nhưng bóng dáng của một thời hào hùng thì vẫn luôn hiện hữu trong từng nếp nhà, từng tán cây, ngọn cỏ.
Về Tân Trào là về với cái nôi của cách mạng Việt Nam. Tân Trào không chỉ có Cây đa lịch sử, mái đình Hồng Thái, lán Nà Nưa... mà còn chứa đầy những dấu tích cách mạng về “cuộc đổi đời kỳ vĩ” trong tiến trình lịch sử đất nước, mở đường đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên mới mang tên độc lập-tự do.