(Tổ Quốc) -Nhiều người cho rằng “phụ nữ sau sinh” thường mặc cảm, lo sợ vì các số đo thiếu chuẩn nhưng họa sĩ Đức Huy lại khẳng định đây là cảm hứng để sáng tác hội họa.
Nhiều người cho rằng “phụ nữ sau sinh” thường mặc cảm, lo sợ vì các số đo thiếu chuẩn. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ này, họa sĩ Đức Huy lại khẳng định sự thiếu chuẩn bày là cảm hứng để sáng tác những bức tranh.
Trong triển lãm chung đầu tiên đầu tuên của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Đặng Thị Thu An mang tên “Men đàn bà”, họa sĩ Nguyễn Đức Huy tiết lộ hình ảnh sau sinh của chính người vợ mình đã trở thành cảm hứng sáng tác.
Tác phẩm Tấu nhạc của Nguyễn Đức Huy |
Còn họa sĩ Đặng Thị Thu An thì chia sẻ rất cảm động vì chính chồng đã giúp chị vượt qua nỗi mặc cảm thường tình của phụ nữ. Hóa ra phụ nữ sau sinh dù không còn đẹp như thời con gái, dù phải chấp nhận hi sinh những đường cong đẹp nhất nhưng vẫn được cảm thông, chia sẻ và không đáng xấu, đáng sợ như nhiều người nghĩ.
Mặc dù đây là lần đầu tiên hai vợ chồng cùng “chung sân” trong một triển lãm cùng tên “Men đàn bà” nhưng “Anh ấy làm đẹp hình ảnh "người đàn bà của anh ấy", còn tôi tôi khai thác tính xấu trong những nguời đàn bà đẹp” – họa sĩ Thu An chia sẻ.
Điểm khác nữa là hai người đều sử dụng những chất liệu, ý tưởng rất riêng của mỗi người trong. Với họa sĩ Nguyễn Đức Huy thì nghệ thuật không ở đâu xa mà ở chính cái đẹp dung dị thường ngày. Anh từng quan niệm: “Một trong những hình ảnh tạo dấu ấn đậm nhất, rõ nét nhất cho tôi bắt đầu sáng tác bộ tranh về những người đàn bà mập mạp mũm mĩm là từ người bạn đời của tôi.” Chính vì thế trong các sáng tác của mình, anh từ chối cái đẹp mảnh mai e ấp mà lựa chọn hình mẫu những người đàn bà đẫy đà. Không có số đo ba vòng hoàn hảo, không có khuôn mặt V-line chuẩn mực nhưng những người đàn bà ấy vẫn toát lên một vẻ đẹp mang tính bản năng, khỏe khoắn và đầy duyên dáng từ làn da xám xịt hay nâu bánh mật, khuôn mặt tròn trịa và dáng người phốt pháp. Anh đã đi từng đường cọ và dậm những mảng màu để che lấp đi định kiến về cái đẹp trong xã hội. Trong tranh anh, đàn bà mặc váy xòe và khoác lên mình những chiếc áo muôn hoa; trong bộ y trang đỏm dáng ấy, dáng đứng duyên dáng và điệu ngồi tình tứ; có khi “nàng” lại mặc chiếc áo trong suốt - vô tình hay cố ý - không ngăn nổi những đường cong căng tràn nơi bầu ngực và nỗi khát khao rất đàn bà; mỗi một mùa xuân hạ thu đông đi qua, “nàng” đều thay váy mới xúng xính màu mè, tô một màu son mới trên đôi môi cong dày quyến rũ, phải chăng vẻ đẹp nơi “nàng” là bất biến với thời gian?.
Tác phẩm Chiếc áo màu xanh của họa sĩ Đặng Thị Thu An |
Còn nữ họa sĩ Đặng Thị Thu An lại kể một câu chuyện khác về đàn bà. Nếu tranh Nguyễn Đức Huy mang lại ấn tượng với màu sắc nổi bật kết hợp cùng sắc xám, đen, trắng âm trầm trong các họa tiết mang tính “trang trí” như sọc đen trắng, ca rô, những hình ảnh ước lệ mai lan cúc trúc thường thấy trong các bức tranh Tứ bình tạo nên một nước màu xưa cũ, thì tranh Đặng Thị Thu An lại nổi bật với những vệt màu sáng và trong làm nổi bật hình khối và tạo cảm giác chân thật. Không chỉ khác nhau trong phương pháp tạo hình, quan niệm sáng tác của cô cũng rẽ theo một lối đi riêng. Không còn những nét đẫy đà cùng đôi mắt hiền phúc hậu, những người đàn bà bắt gặp trong tranh Đặng Thị Thu An có vóc người thanh mảnh, quyến rũ, khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt nhiều biểu cảm. Dường như, cô họa nên những góc cạnh muôn hình vạn trạng trong tâm thức của “tạo vật khó hiểu nhất thế gian” bằng đôi mắt. Đôi mắt ấy khi thì bình thản hiền hòa, khi lại xếch lên đầy kiêu hãnh, có lúc lại liếc ngang đố kị, và lắm phen cũng rũ xuống u buồn. Những biểu cảm ấy được lột tả một cách thái quá, đẩy những kiêu kì, ganh ghét, phô trương… trong nội tâm lên đối lập gắt gao với vẻ bề ngoài đáng yêu vốn có. Qua đó, mỗi một nhân vật Nàng dường như đều đang kể câu chuyện của chính mình với những nét tính cách đương đại và phức tạp ẩn giấu bên trong tà áo dài nền nã đậm khuôn khổ truyền thống.
Dù tiếp cận nghệ thuật bằng những con đường, phương thức, góc độ và quan điểm rất riêng nhưng cặp đôi nghệ sĩ trẻ vẫn gặp nhau nơi nỗi thổn thức say mê trước vẻ đẹp của người phụ nữ. Đến với tranh Nguyễn Đức Huy và Đặng Thị Thu An là bước chân vào chốn vẻ đẹp thăng hoa và phô bày một chất men kì lạ - men đàn bà - thứ men khiến người đời không nhấp mà say.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trò chuyện với vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Đặng Thị Thu An |
Triển lãm Men đàn bà lần này dường như mang đến cho người thưởng thức quan niệm: Men đàn bà là hơi men tạo nên sức sống mới, sự sáng tạo về cái đẹp, một cảm nhận khác trong cái đẹp, cùng với đó là sự tiếp tục ghi dấu một chặng đường mới trong quá trình sáng tác không ngừng nghỉ của hai họa sĩ, đem lại một cái nhìn đa chiều cho giới yêu nghệ thuật và tạo một dấu ấn mới - trẻ và lạ - cho hội họa Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Đức Huy sinh năm 1976 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Anh tốt nghiệp Khoa Hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Huế vào năm 2003. Khi bắt đầu sự nghiệp, anh đã dấn thân vào con đường sáng tác thể nghiệm, không ngừng tìm tòi thể hiện với các dòng tranh trừu tượng, ấn tượng. Đến thời điểm năm 2016, anh rẽ hướng tìm kiếm hình tượng biểu đạt theo lối trang trí và cách điệu hình thể kết hợp lối vẽ tả thực để qua đó “tìm kiếm cái nhìn mới, tìm kiếm sự hồn nhiên và giải phóng năng lượng sáng tạo”. Đó cũng là tiền đề cho những sáng tác của anh trong đợt triển lãm này.
Họa sĩ Đặng Thị Thu An sinh năm 1983 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Chị tốt nghiệp Khoa Sư phạm Mỹ thuật trường Đại học Nghệ thuật Huế và cao học chuyên ngành Nghệ thuật thị giác tại Đại học Mahasarakham, Thái Lan (2012). Với bút pháp mơ màng ma mị trong một không gian hư thực, chị đã thành công lớn với triển lãm cá nhân Giao cảm (2013). Và hiện họa sĩ vẫn đang không ngừng đổi mới bản thân bằng các sáng tác gai góc hơn, đanh đá hơn thể hiện rõ quan điểm “vẽ là cuộc dạo chơi và tìm kiếm, làm mới, làm rõ cảm xúc trong mớ hỗn độn ký ức và nội tâm của người họa sĩ” trong triển lãm Men đàn bà lần này.
Sáng 22/12 tại Đông A Gallery, Hà Nội diễn ra khai mạc triển lãm “Men đàn bà” trưng bày và giới thiệu 24 tác phẩm của hai họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Đặng Thị Thu An. Tại đây, hai họa sĩ đã có buổi trò chuyện cùng nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên xoay quanh con đường nghệ thuật của mình. Triễn lãm sẽ kéo dài đến 05/01/2018.