• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vẽ tranh Tết phụ thuộc nhiều vào cảm hứng

22/01/2016 14:21

(Tổ Quốc)- Họa sĩ Bùi Thanh Phương chia sẻ về câu chuyện vẽ tranh Tết trong những năm qua và mong muốn của anh...

(Toquoc)- Trong vài năm gần đây mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều họa sĩ đã cùng nhau tổ chức triển lãm mà chủ đề các tác phẩm trưng bày trong triển lãm thường là con giáp đại diện của năm đó để với mong muốn năm mới sẽ mang lại điều may mắn, hạnh phúc cho mọi người. Trò chuyện về đề tài vẽ tranh ngày Tết, họa sĩ Bùi Thanh Phương chia sẻ về câu chuyện vẽ tranh Tết trong những năm qua và mong muốn của anh trong năm mới Bính Thân đang về.



Họa sĩ Bùi Thanh Phương cùng các tác phẩm

+ Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hội họa, anh đã được thừa hưởng những gì từ truyền thống gia đình mình?

- Bố tôi là hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, ông là người rất yêu con. Có thể người cha nào cũng yêu con nhưng có lẽ tình yêu của bố tôi dành cho các con đặc biệt hơn một chút. Khi còn là đứa trẻ tập vẽ, tôi luôn được bố khích lệ và cổ vũ. Mỗi lần có bạn đến nhà chơi, ông thường lấy ra cho mọi người xem và nói “Phương vẽ được một số tranh hay và lạ” đó là câu nói thân thuộc dành cho tôi và lớn lên tôi mới hiểu “lạ” và “hay” không phải khen, hay chê mà đó chính là sự động viên, khích lệ. Chính điều nay đã gieo cho tôi sự hưng phấn, niềm tin đến với hội hoạ.

Bên cạnh đó, tôi học được ở bố tính nhẫn nại và khiêm nhường và thậm chí sự chịu đựng. Đồng thời, phải kiên định trên con đường nghệ thuật, với những đề tài mình theo đuổi.

+ Theo đuổi nghệ thuật, vậy anh có thể cho biết cảm hứng sáng tác của anh tới từ đâu?

- Hầu hết, các tác phẩm của tôi đều ảnh hưởng từ văn học, ý tưởng, câu truyện và hình tượng tôi yêu thích văn hoá đã ám ảnh, khiến tôi cần phải bày tỏ bằng tranh. Bên cạnh đó, tôi nghiệm thấy trong quan niệm về nghệ thuật cũng biến đổi hệt như tình yêu và tình yêu ở mỗi lứa tuổi có cảm xúc, suy nghĩ khác nhau.

Quan niệm nghệ thuật cũng vậy, khi mình nghèo túng sẽ vẽ khác và nếu có điều kiện vẽ cũng sẽ khác. Tuy nghiên, hai mặt đều có cái hay và dở. Có những người nghèo một chút, đau khổ một chút thì vẽ rất hay. Ví dụ như hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, vì phải sống trong điều kiện khó khăn khổ sở nên khiến ông tìm đến giãi bày tâm trạng, nỗi niềm của lòng mình lên mặt tranh chứ nếu ông giàu thì chưa chắc đã thành công

+ Là một hoa sĩ thành công và sống trong môi trường hội hoạ từ bé, anh thấy chất lượng hội hoạ Việt Nam ngày nay thế nào?

- Tôi thấy nền hội hoạ Việt Nam mình hiện nay giống như “ngôi nhà trên cát”, nếu ví hội họa là ngôi nhà thì cát chính là môi trường để nâng đỡ tòa nhà. Thế nhưng môi trường đó, cụ thể là những người dân, lại không mấy quan tâm đến hội họa, và nhìn chung trình độ thưởng thức hội họa của người dân mình cũng không bằng nhiều nước khác trên thế giới nên hội họa ngày nay ít được quan tâm đầu tư đúng mức. Có thể vì thế mà chất lượng hội họa Việt Nam nói chung là không cao.

Lỗ hổng của mình chính là giáo dục, trẻ nhỏ phải được tiếp thu kiến thức hội hoạ từ bé, cũng như được tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm hội họa. Mặt khác về phương pháp dạy mỹ thuật cho trẻ nhỏ chưa đúng cách, sai ở chỗ là hội hoạ phải theo hình chóp nón lộn ngược, học từ khó đến dễ. Vì dạy trẻ con vẽ quả trứng phải nhìn ra quả trứng chứ không phải vẽ nghệch ngoạc thì không cần phải dạy, hay vẽ bất kì cái gì thì phải tìm hiểu rõ. Ở ta, người lớn thường cho rằng trẻ con vẽ là cảm xúc, là năng khiếu tự nhiên nên không cần phải dạy trẻ cách vẽ, đó là một quan niệm sai lầm.

+ Vậy anh thấy hội họa Việt Nam bây giờ khác gì so với thời xưa?

- Trước đây người xem tranh và có gu thẩm mỹ tốt, họ xem tranh và có ý kiến đánh giá khá đúng. Người nghệ sĩ vẽ tranh được cảm hứng khai thông bởi ý kiến của người xem, bên cạnh đó là sự ganh đua của các tài năng cũng gần như ngang nhau, họ thực sự có trách nhiệm và cố gắng trong quá trình vẽ. Ngoài ra, ngày trước tranh hay được trưng bày ở Café Lâm, đây là một địa điểm để các họa sĩ và người xem tranh gặp gỡ, bình chọn tranh, người xem cũng có những nhận định một cách công tâm về các bức tranh. Không khí hội hoạ ngày xưa rất thuần khiết.

Nhưng ngày nay có một số hoạ sĩ vừa vẽ vừa viết sách mà các bài viết của họ (về mỹ thuật) lại thường cổ xuý cho xu hướng họ đang theo đuổi nên dẫn đến việc không còn tính khách quan trong quá trình người xem tranh thẩm bình về nghệ thuật. Thêm vào đó, những người ngoài nghề viết, nếu không có kiến thức hoặc ít am hiểu về hội họa viết bài về các tác phẩm nghệ thuật thì phần nào đó bài viết cũng sẽ có những sai lệch. Những điều này sẽ khiến cho người đọc và người xem tranh bị nhiễu loạn về thông tin cũng như thẩm mỹ đối với các tác phẩm hội họa đó.

Ngoài ra, giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến hội hoạ bởi có nhiều loại hình giải trí nghệ thuật khác khiến họ quan tâm hơn. Đặc biệt, đã có hiện tượng là một số hoạ sĩ trẻ có một lượng fan nhất định nên khi họ cho ra đời những tác phẩm có thể là chất lượng thấp nhưng lại được fan khen ngợi và tán dương, dẫn đến người nghệ sĩ trở nên kiêu ngạo.

+ Mỗi dịp Tết đến, xuân về hầu hết các nghệ sĩ đều vẽ tranh Tết, anh thì sao?

- Ngày Tết tôi cũng vẽ tranh nhưng tôi vẽ tranh ngày Tết tuỳ thuộc vào cảm hứng và không nhất thiết Tết mới vẽ. Nếu chủ đề mà các hoạ sĩ thường vẽ ngày Tết là tranh con vật đại diện cho năm đó như năm nay là năm Thân thì các họa sĩ sẽ vẽ tranh về con khỉ và mục đích là để tặng cho bạn bè người thân, thì chủ đề mà tôi lựa chọn lại là vẽ chợ hoa ngày Tết, tĩnh vật, bàn thờ ngày Tết… và các chủ đề vẽ của tôi luôn đến rất tình cờ.



Một bức tranh vẽ vào dịp Tết của họa sĩ Bùi Thanh Phương

+ Anh có thể cho biết tranh ngày tết khác gì so với tranh ngày thường?

- Theo tôi, vẽ tranh ngày thường không có một chủ đề nào cố định nên tranh ngày thường có thể vẽ ở nhiều tâm trạng khác nhau như miêu tả nỗi buồn man mác, bâng khuâng và tiếc nuối, tranh phong cảnh… nhưng vẽ tranh ngày tết sẽ khác bởi ngày Tết luôn khiến cho mọi người phấn khởi, hy vọng mọi điều mới mẻ vì thế, tranh Tết thường vui vẻ.

+ Thông thường người xem tranh của anh là những đối tượng nào và chủ đề vẽ của anh có phụ thuộc vào người xem không?

- Tôi thường hướng đến khán giả xem tranh là giới trẻ nên chủ đề tôi vẽ là về tình yêu, cũng có thể bởi tình yêu là một chủ đề không bao giờ cũ, không bao giờ bị nhàm chán. Nếu mình vẽ về một tình yêu chân thành với cuộc sống thì người ở thời nào xem cũng thích bởi sự dung dị và chân thành. Một bức tranh khi nhìn vào có sự bâng khuâng, hò hẹn hay một bóng hồng lướt qua… thì mọi thế hệ xem sẽ vẫn thích.

+ Nhân dịp năm mới, anh có dự định và mong muốn gì cho hội hoạ Việt Nam?

Hiện tại tôi đang tập hợp những bài mình viết về các văn nghệ sĩ và in thành một quyển sách. Nhân vật chính là văn nghệ sĩ mà tôi đã được chứng kiến cuộc đời nghệ thuật của họ. Với cuốn sách này, tôi muốn kể với độc giả về câu chuyện cuộc đời những người nghệ sĩ tài hoa đó. Trong sách cũng sẽ có ba mươi sáu bức tranh được chọn ra từ hơn 100 bức tranh tôi vẽ trong thời gian qua, đó là những bức tranh được tôi yêu thích và dành nhiều thời gian cũng như tình cảm khi vẽ.

Năm mới, tôi hy vọng sẽ có nhiều người am hiểu hội họa hơn bởi chỉ có thế thì hội hoạ Việt Nam mới có cơ hội để phát triển. Không chỉ người dân, tôi còn mong lãnh đạo trong các ngành liên quan đến văn hóa nghệ thuật  sẽ am hiểu về hội hoạ bởi tôi nghĩ người có kiến thức nghệ thuật thì sẽ rất có ích khi hoạch định chính sách như lãnh đạo của nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới.

+ Xin chân thành cảm ơn hoạ sĩ!

Ngọc Hà Lê (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ