• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng: “Không thể tùy tiện bỏ qua luật định hiện hành”

10/07/2018 22:12

Trước phản ứng dư luận sau khi danh sách 77 hồ sơ xét tặng NSND, 303 hồ sơ xét tặng NSƯT được các hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua, ông Phùng Huy Cẩn (Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VHTTDL) khẳng định, dư luận thắc mắc về một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn để “đi tiếp” là có cơ sở. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định hiện hành, khi các hồ sơ không đủ 90% số phiếu trong hội đồng tán thành thì hồ sơ của các nghệ sĩ này phải dừng lại là điều không thể khác được.

Trước phản ứng dư luận sau khi danh sách 77 hồ sơ xét tặng NSND, 303 hồ sơ xét tặng NSƯT được các hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua, ông Phùng Huy Cẩn (Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VHTTDL) khẳng định, dư luận thắc mắc về một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn để “đi tiếp” là có cơ sở. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định hiện hành, khi các hồ sơ không đủ 90% số phiếu trong hội đồng tán thành thì hồ sơ của các nghệ sĩ này phải dừng lại là điều không thể khác được.

NSƯT Minh Vương

Ông Cẩn nói: Tôi rất chia sẻ trước những phản ứng đó. Bởi trường hợp các nghệ sĩ mà báo chí, dư luận nêu đều là những tên tuổi được mến mộ, với tài năng và nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Họ cũng là những nghệ sĩ đã sống trong lòng công chúng.

Với tiêu chí tôn vinh, trân trọng những cống hiến, đóng góp của mỗi nghệ sĩ, việc xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT năm 2018 ngay từ đầu đã được tiến hành thận trọng, bài bản. Ngồi “ghế” hội đồng, chúng tôi luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cá nhân từng nghệ sĩ cũng như tình cảm của công chúng. Việc 3 nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương phía Nam là NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu không được xét tặng danh hiệu NSND trong năm nay do không đạt trên 90% phiếu từ hội đồng đang tạo nên những phản ứng, thậm chí là bức xúc từ giới nghệ sĩ và khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương. Sau khi công bố danh sách, chúng tôi đã lắng nghe, ghi nhận đầy đủ các ý kiến phản hồi. Từng trường hợp cụ thể sẽ được báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đến thời điểm này công tác xét tặng đã được tiến hành đảm bảo sự minh bạch và chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định tại Nghị định 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo đó, có các quy định định lượng như: nghệ sĩ xét tặng NSND phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia sau khi đạt danh hiệu NSƯT, các hồ sơ được thông qua phải đạt 90% trở lên số phiếu tán thành của hội đồng các chuyên ngành…

“Cá nhân tôi rất tiếc vì điều đó”

Dư luận cũng cho rằng đó là những quy định cứng nhắc, dẫn đến việc bỏ sót những nghệ sĩ xứng đáng?

- Hiện nay văn bản pháp luật duy nhất quy định trình tự, thủ tục cũng như các tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT chính là Nghị định 89. Giới nghệ sĩ và dư luận với tình cảm mến mộ dành cho các nghệ sĩ có những phản ứng, bức xúc là điều dễ hiểu. Nhưng ở “vai” hội đồng thì mọi quyết định thông qua đều căn cứ theo luật định, không thể cảm tính hay tùy tiện. Cá nhân tôi và những thành viên khác trong hội đồng đều luôn luôn trân trọng và mong muốn các nghệ sĩ được vinh danh xứng đáng với những cống hiến, đóng góp của họ.

Mặt khác, quy định về số huy chương cũng không phải được áp dụng một cách cứng nhắc cho mọi trường hợp. Đối với các nghệ sĩ có sự nghiệp gắn với bối cảnh đặc biệt, hoặc vì lý do chiến tranh, ở vào những thời điểm khó khăn mà các hội chuyên ngành không tổ chức hội thi, hội diễn, dẫn đến việc không có huy chương trong khi cá nhân từng nghệ sĩ có uy tín nghề nghiệp, nhiều cống hiến và tên tuổi sống trong lòng công chúng… thì các hội đồng cơ sở hoàn toàn có thể xét và trình lên hội đồng cấp trên. Chỉ cần 90% số phiếu hội đồng chuyên ngành thông qua thì nghệ sĩ đó đủ điều kiện đề nghị hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu.

Tiêu chí “mở” này trên thực tế đã được áp dụng đối với trường hợp các nghệ sĩ như Minh Vương, Thanh Tuấn của sân khấu cải lương trong Nam, ngoài Bắc có trường hợp nghệ sĩ Trần Hạnh. Tuy nhiên, đến vòng bỏ phiếu của Hội đồng chuyên ngành thì hồ sơ của các nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn… đã không đi tiếp bởi không đủ tiêu chí 90 % số phiếu đồng ý của hội đồng chuyên ngành. Cá nhân tôi rất tiếc vì điều đó.

Thông tin trên báo chí nói rằng NSƯT Minh Vương đã 3 lần gửi đơn xin xét duyệt danh hiệu nhưng cả ba lần đều bị gạt bỏ đã khiến dư luận hiểu sai. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước năm 2018 lần đầu tiên nhận được hồ sơ xin xét tặng của nghệ sĩ Minh Vương, hai lần trước là ở hội đồng cấp cơ sở. Việc không thông qua hồ sơ của nghệ sĩ trong đợt xét này vì không đủ 90% số phiếu của hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, mặc dù rất đáng tiếc nhưng cũng thật khó vì chúng ta vẫn đang trong giai đoạn áp dụng quy định xét tặng theo Nghị định 89.

Được biết, Nghị định 90/2014/NĐ-CP về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã được nghiên cứu, tiến hành sửa đổi, trong đó có hướng đến tiêu chí không để sót những tên tuổi có nhiều cống hiến. Đối với công tác xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT, ông có cho rằng Nghị định 89 cũng cần xem xét, sửa đổi hay không?

- Dự thảo sửa đổi Nghị định 90 về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT mới đây đã được Bộ VHTTDL trình Chính phủ. Bên cạnh những tiêu chí định lượng về các giải thưởng theo quy định, Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi rất mong muốn được thông qua nội dung đối với những trường hợp đặc biệt thì có thể trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, những quy định pháp luật luôn rất rõ ràng, chỉ có “có” hoặc “không” chứ không có quy định cảm tính, chung chung.

Nghị định 89 cũng vậy. Những căn cứ đưa ra là các tiêu chí định lượng mà hội đồng buộc phải tuân theo. Tôi thiết nghĩ, các ý kiến cho rằng nếu lấy tiêu chí số lượng huy chương ra làm thước đo, chuẩn mực để xét danh hiệu sẽ dẫn đến bỏ sót nhiều người tài năng cũng rất thuyết phục. Nhưng hội đồng thì không thể trình lên cấp trên các hồ sơ không đạt số phiếu thông qua bằng những lý lẽ này.

Theo quy định, sau khi đăng tải danh sách các hồ sơ được thông qua (từ 3- 11.7.2018), Bộ VHTTDL sẽ ghi nhận các phản hồi, đồng thời trình lên cấp có thẩm quyền về những trường hợp hồ sơ đang có ý kiến trái chiều từ dư luận.

Sẽ ghi nhận các ý kiến

Cũng có những ý kiến cho rằng kỳ xét tặng danh hiệu nào cũng có nghệ sĩ bị… trượt oan. Do vậy, cần xem xét, đánh giá lại Nghị định 89, đặc biệt là những quy định còn cứng nhắc như đã nói ở trên? Ông có ý kiến gì?

- Tôi xin khẳng định lại, với tiêu chí tôn vinh những cống hiến của các nghệ sĩ, kỳ xét tặng giải thưởng, danh hiệu nào cũng đều được tiến hành bài bản, chặt chẽ, minh bạch, công khai.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng không có một Nghị định hay văn bản pháp quy nào có thể điều chỉnh, đáp ứng được toàn bộ những trường hợp trong thực tế, với muôn hình vạn trạng. Trong số 380 hồ sơ vừa được công bố trong tuần qua, số ý kiến phản hồi, hoặc đơn thư cũng chỉ có một vài trường hợp. Với vai trò là cơ quan thường trực, các ý kiến này đều được Bộ VHTTDL ghi nhận để báo cáo lên cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, những ý kiến phản hồi rằng Nghị định còn có những quy định cứng nhắc, dẫn đến bỏ sót việc tôn vinh các tài năng cũng sẽ được ghi nhận để trình lên cấp trên. Đây sẽ là những căn cứ để xem xét nếu như Nghị định 89 được tiến hành sửa đổi sau này.

Xin cảm ơn ông!

Theo baovanhoa.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ