Ngày 29/8 tới đây, Sở GDCK Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Đây được coi là thương vụ IPO lớn nhất từ đầu năm tới nay.
Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ nắm giữ 678 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn điều lệ; Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn điều lệ; Cổ phần IPO là 167 triệu đơn vị, chiếm 12,57% vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của VEAM sau cổ phần hóa sẽ lên đến 13.288 tỷ đồng, tương đương với 1,33 tỷ cổ phiếu lưu hành tính theo mệnh giá. Với giá khởi điểm 14.290 đồng, vốn hoá của VEAM và lượng cổ phiếu đấu giá có giá trị tương ứng là 19.000 tỷ và 2.300 tỷ.
Ảnh minh họa - Nguồn: antt.vn |
Được biết, VEAM được thành lập năm 1990 với 12 nhà máy cơ khí và bao gồm hơn 7 nghìn cán bộ công nhân viên. Từ năm 1995, VEAM đã trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh máy nông nghiệp ở trong nước và mở rộng xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực Châu Á.
Đến năm 2002, tổng công ty cổ phần hóa các đơn vị thành viên và năm 2010, VEAM chuyển đổi mô hình hoạt động từ tổng công ty nhà nước thành công ty mẹ - công ty con, trong đó, công ty mẹ là công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước. Hiện nay VEAM đang quản lý 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 11 công ty con, 9 công ty liên kết và 1 viện nghiên cứu.
Hoạt động chính của VEAM là sản xuất, kinh doanh động cơ và máy nông nghiệp, ô tô-xe máy và công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra VEAM còn kinh doanh vận chuyển hàng hóa, khai thác và chế biến quặng sắt, mua bán vật tư, thiết bị, phụ tùng cơ khí. Trên thị trường nước ngoài, các sản phẩm xuất khẩu chính của VEAM là các loại động cơ, máy nông nghiệp với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 30 triệu USD.
Với 559 tỷ đồng vốn góp vào 3 liên doanh Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam, VEAM đã thu được thành công ngoài mong đợi.
Sau cổ phần hóa, VEAM vẫn tập trung vào 3 ngành kinh doanh chính mà VEAM có tiềm năng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh cao: Sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp; Sản xuất ô tô tải và phụ tùng ô tô xe máy; (3) Sản xuất các sản phẩm hỗ trợ theo hướng đảm bảo tỷ trọng ngành nghề hợp lý.
Thuỷ Bích (tổng hợp)