• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vedan chỉ nhận 'giết' khoảng 11km sông Thị Vải

Thời sự 12/12/2009 10:21

(Toquoc)-Công ty Vedan đã ký biên bản thừa nhận từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải.


(Toquoc) – Sau gần một ngày làm việc, chiều 11/12, tại Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Công ty Vedan) đã ký biên bản thừa nhận từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải.

Tại buổi làm việc này, các bên liên quan đã nghe báo cáo của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia Tp. HCM) và Viện Hóa học về kết quả xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường do hành vi gây ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Vedan; đánh giá hiện trạng môi trường sông Thị Vải và đánh giá tình hình khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty Vedan.

Cống xả thải ra sông Thị Vải của Vedan (Nguồn: Tuổi trẻ)

Chưa đồng ý về tỷ lệ mức độ gây ô nhiễm

Theo biên bản kết luận buổi làm việc, phạm vi ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra đã được các cơ quan nghiên cứu và quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường Trung ương và địa phương thống nhất xác định gồm: huyện Nhơn Trạch (có xã Phước An và Long Thọ); huyện Long Thành (có xã Long Phước và Phước Thái) tỉnh Đồng Nai. 

Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu gồm có: huyện Tân Thành (xã Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ) và Tp. HCM: huyện Cần Giờ (gồm một phần xã Thạch An).

Cũng trong buổi làm việc này, Công ty Vedan đã phải thừa nhận từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải khoảng 10-11km.

Riêng việc xác định phạm vi ô nhiễm của Công ty Vedan gây ra đối với các dòng nhánh và các khu vực có liên quan, Công ty tiếp tục phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên để làm rõ và xác định cụ thể.

Đây cũng là nội dung gây ra tranh luận trong cả ngày làm việc.

Theo kết quả đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên đã được Tổng cục Môi trường và ba tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tp. HCM thống nhất, thì Vedan “đóng góp” khoảng 89% ô nhiễm trong phạm vi đã được xác định như trên.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường lưu vực sông, Viện Môi trường và Tài nguyên, “đã có 20 cuộc họp kỹ thuật giữa các chuyên gia của Viện và công ty. Khi đưa ra kết quả trên thì họ lại bênh vực quyền lợi tối đa cho họ”.

Đại diện cho Vedan, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty, ông Yang Kun Hsiang cho rằng, “nồng độ gây ô nhiễm thì chúng tôi phải xác định lại bởi con số 89% chúng tôi chưa biết căn cứ vào đâu và dựa trên tài liệu nào”.

Vẫn chờ kết quả để đền bù thiệt hại cho người dân

Theo biên bản, đến nay chất lượng nước sông Thị Vải đã được cải thiện rõ rệt. Chất lượng nước dòng chính và sông nhánh của sông Thị Vải khá tốt, nồng độ Oxy hòa tan DO trong nước đảm bảo tiêu chuẩn cho phép (đo liên tục dọc tuyến sông Thị Vải ngày 3-4/11/2009) dao động từ 4,5 mg/l đến trên 8 mg/l và có xu hướng tăn dần từ thượng nguồn đến vùng cửa sông (Cái Mép). Các thông số lý hóa của nước và trầm tích khác đảm bảo tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt sử dụng cho mục đích bảo vệ thủy sinh; không còn các đoạn sông ô nhiễm, “sông chết” như trước đây.

Theo cam kết của Vedan, đến hết tháng 12/2009, các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động đúng với công suất hoạt động của công ty. Công ty này cũng đã nộp đầ đủ số tiền phí bảo vệ môi trường, trên 127 tỷ đồng và đang phối hợp với cơ quan liên quan để giải quyết đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường cho người dân.

Theo ông Hùng, các bên sẽ tiếp tục bàn bạc, tính toán để thống nhất con số về tỷ lệ gây ô nhiễm của Vedan và đề nghị Bộ Tài nguyên, Môi trường sớm công bố kết quả xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường.

Dựa vào đó, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các địa phương thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường, sau đó yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ người dân bị thiệt hại theo quy định của pháp luật./.

Qua nghiên cứu, Viện Môi trường và Tài nguyên kết luận rằng: sông Thị Vải bắt đầu bị ô nhiễm từ khoảng năm 1994 ngay sau khi Công ty Vedan đi vào hoạt động với phạm vi và mức độ ô nhiễm ngày một gia tăng kéo dài cho đến cuối năm 2008.

Các nguồn gây  ô nhiễm đối với sông Thị Vải chủ  yếu là từ các cơ sở sản xuất và các khu công nghiệp trên lưu vực, trong đó Vedan đóng góp một tỷ lệ khá lớn.

Theo báo cáo của Thanh tra Tổng cục Môi trường năm 2006 và 2008, trong điều kiện Vedan xả thải bình thường, nước thải của công ty cũng chiếm một tỷ lệ ô nhiễm lớn trong tổng số tất cả nguồn xả thải từ công nghiệp ra sông Thị Vải. Đặc biệt khu Vedan xả lén dịch thải lên men ra sông Thị Vải như Thanh tra môi trường phát hiện và lập biên bản vào tháng 9/2008. Đây chính là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường sông Thị Vải trong nhiều năm qua.

Khi Vedan không tiếp tục xả dịch thải này ra sông, giảm bớt quy mô sản xuất, đầu tư cải thiện các hệ thống xử lý nước thải cùng với các biện pháp khắc phục ô nhiễm của các khu công nghiệp trên lưu vực và lượng nước lũ cao năm 2008 từ các nhánh suối thượng nguồn đổ ra, tình hình ô nhiễm trên sông Thị Vải có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ