(Tổ Quốc) - Đây là vấn đề sát sườn, liên quan chất lượng sống của 90 triệu dân và sức khỏe nòi giống lâu dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Sáng 12/7, tiếp tục phiên họp thứ 50, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quôc hội năm 2017.
Từ 187 nội dung đề xuất của các cơ quan, trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình 6 vấn đề để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn 4 vấn đề để Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát.
Cụ thể bao gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng, kinh doanh chuyển giao (BOT); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân.
Đa số các đại biểu cho rằng, cần tập trung vào giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2016, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao BOT.
An toàn thực phẩm đang là nỗi lo của người dân (ảnh: báo Công Thương) |
Theo ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là những vấn đề đang được dư luận rất quan tâm và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Các chuyên đề khác, căn cứ vào tình hình thực tế sẽ giao cho các uỷ ban của Quốc hội.
Các đại biểu cũng cho rằng, các chuyên đề giám sát không nên dàn trải mà cần tập trung cụ thể để cử tri cả nước thấy được hiệu quả thực sự sau mỗi cuộc giám sát.
Ngoài ra, các chuyên đề giám sát cần hướng đến những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là vấn đề sát sườn, thông tin báo đài tập trung, liên quan chất lượng sống của 90 triệu dân và sức khỏe nòi giống lâu dài.
Chốt lại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ giám sát tối cao 1 lần. Và năm 2017 sẽ có 2 cuộc, dự kiến chọn 2 chuyên đề: Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 và Chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Lý giải nguyên nhân lựa chọn, bà Ngân cho rằng, chuyên đề cải cách hành chính nhà nước gắn với cải cách hành chính, thể chế, thủ tục, bộ máy công vụ.
“Cứ cuối nhiệm kỳ lại ồ ạt bổ nhiệm, đề bạt việc luân chuyển từ chỗ này sang chỗ khác không đúng quy trình, không đúng trách nhiệm. Chuyên đề này xứng đáng giám sát tối cao”, bà Ngân nhấn mạnh.
Hai chuyên đề gồm: Giám sát các dự án BOT và chuyên đề Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển - bà Ngân cho rằng, nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tránh một địa phương có hai đoàn giám sát đến dù là hai vấn đề khác nhau. Đoàn giám sát nên đi gọn, thiết thực, không “rồng rắn” kéo đến nơi được giám sát./.
Quỳnh Anh