• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vị bác sĩ dành tâm huyết theo đuổi những giá trị xưa cũ, ôm ấp ý tưởng khơi dậy làng nghề truyền thống của quê hương

Thời sự 27/08/2022 11:10

(Tổ Quốc) - Ngạn ngữ về đất Thăng Long Hà Nội có câu "Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót", hay "Mỗ, La, Canh, Cót – tứ danh hương" để nói về nghề truyền thống và nét đẹp văn hóa của làng Tây Mỗ (xã Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

LỜI TÒA SOẠN

Quý độc giả thân mến!

Hà Nội đã trải qua hơn ngàn năm lịch sử, không chỉ là long mạch của kinh thành Thăng Long xưa, mảnh đất hội tụ linh khí của đất trời, mà hơn cả là chốn linh thiêng, nơi "định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời", nơi "lắng hồn sông núi".

Dù phải vượt qua biết bao thử thách, truyền thống hào hùng của Thăng Long - Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công vô cùng hiển hách: Bạch Ðằng, Ðông Bộ Ðầu, Chương Dương Ðộ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Ðống Ða, Ðiện Biên Phủ trên không... Tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm quyết thắng ngoại xâm luôn hòa quyện với sức mạnh vô biên của lòng nhân ái, tinh thần hòa hiếu và khát vọng hòa bình.

Thăng Long - Hà Nội cũng là nơi hội tụ, đua tài, góp sức của biết bao khối óc, con tim, của những con người tài hoa, thanh lịch, sáng tạo, những bàn tay vàng của những người lao động ở khắp mọi miền đất nước đã về đây chung tay góp sức xây dựng Thủ đô.

Cũng là nơi hội tụ, chung đúc và lắng đọng các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam kết hợp với tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại.

Bên cạnh những công dân sinh ra và lớn lên tại Thủ đô còn có những công dân "nhập tịch" luôn đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô xây dựng và phát triển Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, mãi mãi phồn vinh, trường tồn!

Các nhân vật trong loạt phóng sự Những đứa con của Hà Nội của chúng tôi là những đại diện tiêu biểu cho những ý nghĩa nêu trên. Bác sĩ Giang, chị Tuyết, anh Khôi chỉ là 3 trong số rất nhiều công dân Thủ đô đang hàng ngày miệt mài với các công việc thiện nguyện, công tác xã hội... đóng góp cho đời và cho mảnh đất đã ôm họ vào lòng...

---

Mời quý độc giả đến với BÀI 1 trong loạt phóng sự Những đứa con của Hà Nội, cùng gặp gỡ và lắng nghe tâm sự của một vị bác sĩ, tiến sĩ - người dường như bị "ám ảnh" bởi những giá trị xưa cũ. Ông trân quý từng ký ức về làng nghề nơi ông sinh ra và lớn lên và ấp ôm "giấc mơ" khơi dậy truyền thống...

Đau đáu những giá trị truyền thống

Chúng tôi gặp lại TS BS Trần Song Giang vào một buổi chiều tại Khoa C9 – Viện Tim mạch (BV Bạch Mai) nơi ông đang công tác, tranh thủ giờ nghỉ trưa khi hàng chục bệnh nhân đang chờ đến lượt.

Vị bác sĩ chia sẻ về ý tưởng khơi dậy làng nghề truyền thống

Vị trưởng khoa được biết đến là người sáng lập ra hội nhóm trên Facebook mang tên "Tây Mỗ Quê Hương tôi", thông qua nhóm này, mới đây có rất nhiều trẻ em được tham gia lớp học thêu ren và các kỹ năng sống.

Cùng với đó, nhiều cụ bà lớn tuổi một thời thiếu nữ từng là nghệ nhân hợp tác xã thêu ren của làng, nay các bà cùng tham gia truyền đạt lại nghề truyền thống cho các cháu.

Vị bác sĩ chia sẻ về ý tưởng khơi dậy làng nghề truyền thống - Ảnh 2.

TS BS Trần Song Giang - Trưởng Khoa C9 – Viện Tim mạch (BV Bạch Mai)

Theo BS Giang chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên ở làng Tây Mỗ (nay thuộc quận Nam Từ Liêm), trong ký ức của vị TS nơi vùng quê xưa có nhiều ngôi nhà cổ, cổng làng cổ kính và những con đường rất thơ mộng, bình yên.

Sau này lớn lên, ảnh hưởng từ cha mình là giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội, chàng trai hiếu học đỗ đạt rồi trở thành tiến sĩ, bác sĩ.

Nhiều người từng biết câu ngạn ngữ nói về cảnh đẹp và truyền thống văn hóa của làng Tây Mỗ "Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót", hay "Mỗ, La, Canh, Cót – tứ danh hương".

Xã hội phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi giao thông mở rộng, đô thị mọc lên xung quanh. Nhiều mảnh đất của nhà dân cũng được cắt ra mua đi bán lại.

Một trong những cổng làng cổ đã "biến mất"

Một trong những cổng làng cổ đã "biến mất"

Giếng làng với biết bao kỷ niệm

Giếng làng với biết bao kỷ niệm

Nơi từng xuất hiện trên nhiều bộ phim

Nơi từng xuất hiện trên nhiều bộ phim

Tây Mỗ vốn là một làng ngoại thành Hà Nội gồm 6 thôn, nhưng gần đây những con ngõ nhỏ đỡ ngoằn nghèo hơn vì có những ngôi nhà thờ họ bị thu hẹp dần lại và cũng còn ít sân đình.

Có lẽ, câu nói mệnh danh là "làng Hollywood", "làng điện ảnh" từng là nơi hình thành các bộ phim 'Đất và người', 'Gió làng Kình', 'Ma làng', 'Lời nguyền huyết ngải'… nhưng ngôi làng này sẽ dần đi vào ký ức.

Ngoài ra, những nghề thủ công nổi tiếng như đan lưới, thêu ren… cũng dần xóa sổ.

"Ngày nhỏ tôi ở với ông bà nội, các ngày lễ hội được dự ở đình làng rất vui. Mỗi lần trở về quê bây giờ đường bê tông, có cổng làng thay đổi và nhà cổ bỏ đi, tôi tiếc lắm với bao hoài cổ", vị bác sĩ nhớ lại.

Sự đổi mới về giao thông nơi làng quê Tây Mỗ từng môt thời với những con đường quanh co

Sự đổi mới về giao thông nơi làng quê Tây Mỗ từng một thời với những con đường quanh co

Tín hiệu tích cực sau những nỗ lực "níu kéo quá khứ"

Là bác sĩ chuyên môn về tim mạch có tính ảnh hưởng bởi vì giúp đỡ nhiều bệnh nhân và những người thân nên BS Giang rất có uy tín. Vị trưởng khoa nghĩ và lập ra hội nhóm Facebook lấy tên là "Tây Mỗ quê hương tôi", mục đích kết nối chia sẻ được mọi người ủng hộ và tham gia nhiệt tình.

Lớp học miễn phí cho trẻ nghề thêu

Lớp học miễn phí cho trẻ nghề thêu

Thông qua hội nhóm này, rất nhiều câu chuyện về những kỷ niệm, hình ảnh cổ xưa, nghề truyền thống của làng nay còn hay đã mất…đều được kể lại.

"Từ những câu chuyện về làng, truyền thuyết, sự tích này có từ bao giờ, thờ ai, nay cũng không còn mấy người nhớ. Tôi thiết nghĩ sau này vài chục năm nữa khi các cụ không còn sống thì ai kể lại", BS Giang tâm sự.

Từ những "giao dịch trên mạng" đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bác sĩ Giang quy tụ được nhiều người có điều kiện cùng tham gia với địa phương.

"Ai có điều kiện gì thì đóng góp thứ ấy, chúng tôi cùng với các hội đoàn và cộng tác với chính quyền giúp đỡ người dân. Trong bối cảnh các bệnh viện quá tải bệnh nhân và công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt, phải cách ly, rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 tuy chỉ được tư vấn qua mạng, nhưng nhiều người đã biết cách tự chữa…", BS Giang chia sẻ.

Các bé được học từng đường nét

Các bé được học từng đường nét

Mới đây, BS Giang và các thành viên đã thành lập lớp học nghề miễn phí cho các cháu thiếu nhi thêu ren. Những ngày gần Tết Trung thu, các bé được cô giáo là thành viên của hội dạy cho cách làm đèn lồng, ông sao, đồ chơi truyền thống hoàn toàn bằng thủ công..

Lớp học thu hút hàng chục cháu bé và đặc biệt hơn, lớp học còn có các bà lớn tuổi trước đây từng là nghệ nhân thêu giỏi của làng nay truyền lại nghề cho thế hệ.

Một phụ huynh chia sẻ, trong thời điểm dịch Covid-19, các bé bị cô lập ở gia đình, sau đó thì đến dịp nghỉ Hè, rất may bác sĩ cùng các thành viên sáng kiến ra lớp học cho trẻ.

"Đến lớp đa số là các bé gái nên rất phù hợp, không chỉ được học đúng nghĩa với vẻ đẹp 'nữ công gia chánh', mà ý nghĩa sâu xa hơn đó là các bé hiểu về nghề truyền thống. Nếu sau này các bé lớn lên, bé nào theo được nghề, giữ nghề thì thật quý giá", phụ huynh chia sẻ.

Các "bà giáo già" tham gia rất nhiệt tình

Các "bà giáo già" tham gia rất nhiệt tình

Tỏ ra rất phấn khởi vì được mời đến lớp dạy cho các cháu, bà Trần Thị Khánh Vân – tổ trưởng tổ thêu làng Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Tây Mỗ có nhiều địa điểm nổi tiếng như đền Am rất là đẹp hay như đình làng Tây Mỗ. Chúng tôi ngồi đình Tây Mỗ thêu rồi, nếu bây giờ được dựng lại kết hợp với du lịch làng nghề thì rất là tốt."

Bà nói thêm: "Từ thời Pháp thuộc chúng tôi đã có nghề này rồi, khi Pháp thuộc rút đi thì nghề thêu ren không còn nữa, năm 1960 hợp tác xã thành lập tổ thêu ren này. Sau một vài năm công nghệ cao lên, sản phẩm không được xuất khẩu nữa, từ đó nghề cũng bị mất đi. Tổ thêu của chúng tôi vẫn duy trì hằng năm gặp nhau thường xuyên để ôn lại nghề".

Còn, bà Nghiêm Thị Bình, như được trở lại với thời thiếu nữ sống nhờ cây kim, sợi chỉ,xúc động chia sẻ: "Cô năm nay hơn 60 tuổi, lớp học như ký ức của cách đây mấy chục năm, bố mẹ dạy cô thêu, từ lúc chưa lấy chồng. Thời ấy cô khoảng 17 tuổi, ngày nào cũng tham gia tổ thêu vui lắm, toàn là gái chưa chồng. Có những đêm các cô còn tập trung trông khung thêu cả đêm ấy. Tổ chức lại cho các cháu nhỏ lớp học, cô rất vui, ngày nào cô cũng sẵn sàng tham gia dạy cho các cháu".

Các bé học làm đèn Trung thu

Các bé học làm đèn Trung thu

Chị Đỗ Thanh Hương – thành viên sáng lập lớp học miễn phí cho trẻ, chia sẻ, làng Tây Mỗ có nghề thêu vẫn còn các bà từ thời chống Pháp. Khi biết hiện nay chỉ còn số ít các bà trong tổ thêu đang hoạt động nên chị Hương cùng các thành viên trong ban quản trị xây dựng chương trình giao lưu tổ thêu.

Theo chị Hương, khi tìm đến các bà rất phấn khởi nhận lời tham gia ngay, các bà dành rất nhiều thời gian dạy tỉ mỉ cho từng bé và phân tích từng đường nét để tạo ra một bức tranh có hồn và có giá trị.

Nan tre được chuẩn bị sẵn để các bé dễ thực hiện thao tác đan

Nan tre được chuẩn bị sẵn để các bé dễ thực hiện thao tác đan

Cũng theo chị Hương, trước kia mỗi dịp Trung thu đến, các cụ thường tự làm đèn lồng rất đẹp mắt và ý nghĩa cho trẻ, nay thế hệ các cụ qua đi. Lớp học của chị đã chuẩn bị các nguyên liệu truyền thống: như nan tre tròn, thanh tre dẹt, để làm khung đèn lồng, giấy dó để trang trí đèn. Và cả tranh dân gian in trên giấy dó cùng một số hình vẽ tham khảo các họa tiết trang trí. Giúp trẻ kết hợp nét đẹp truyền thống và hiện đại để trang trí chiếc đèn lồng giấy dó theo ý thích và trí tưởng tượng phong phú của mình.

"Hoạt động tạo hình trang trí đèn lồng Trung thu bằng chất liệu truyền thống làm cho trẻ con rất tò mò, thích thú. Món đồ chơi đèn lồng truyền thống gợi nhớ không khí Trung thu của ngày xưa nhưng lại được làm mới bằng họa tiết trang trí hiện đại kết hợp truyền thống, bằng cách tạo hình con giống, hình khối, hình đồ vật, hoa lá....Bé nào cũng thích làm đèn lồng truyền thống bằng giấy và nan tre. Sau một buổi học bé lớnn đã tự làm được và hỗ trợ các cháu nhỏ hơn", cô giáo chia sẻ.

Theo BS Giang, thông qua các hoạt động nhóm vừa khơi dậy, nghề truyền thống thêu ren của làng được một số doanh nghiệp cá nhân đến Tây Mỗ để tìm hiểu. Đáng mừng, có những đơn vị đặt vấn đề khôi phục lại nghề thêu ren truyền thống và tìm đầu ra, tạo công việc cho người dân có thêm thu nhập…

Minh Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ